Đường dẫn truy cập

Căng thẳng chính trị leo thang ở Thái Lan


Đoàn người biểu tình chống chính phủ tuần hành về hướng Bộ Tài chính ở Bangkok, 25/11/13
Đoàn người biểu tình chống chính phủ tuần hành về hướng Bộ Tài chính ở Bangkok, 25/11/13
Thái Lan đang đối mặt với sự leo thang của những mối căng thẳng chính trị trong lúc hàng vạn người biểu tình chống chính phủ xuống đường ở Bangkok, để đòi chính phủ từ chức.

Những vụ xuống đường chống chính phủ hôm nay leo thang mạnh trong lúc người biểu tình tuần hành tới các trụ sở quan trọng của chính phủ, chiếm cứ bộ tài chánh trong một thời gian ngắn và nhắm vào các công ty quốc doanh, cảnh sát và quân đội và bộ nội vụ.

Chưa có tin gì về bạo động trong lúc người biểu tình tặng hoa cho các giới chức chính phủ và những người tổ chức kêu gọi người biểu tình tiến vào các tòa nhà một cách hòa bình.

Những vụ xuống đường ngày hôm nay diễn ra sau một cuộc mít tinh lớn ngày hôm qua của khoảng 100.000 người đòi chính phủ của Thủ tướng Yingluck Shinawatra từ chức.

Những người biểu tình đòi chấm dứt điều mà những người chỉ trích gọi là ảnh hưởng thái quá của anh bà Yingluck, cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra. Ông Thaksin tiếp tục ở lại nước ngoài để tránh án tù hai năm về tội tham nhũng.

Ông Thitinan Pongsudhirak, giáo sư chính trị học của Đại học Chulalongkorn, cho biết tương lai của chính phủ khá bấp bênh. Ông nói:

"Tuần này sẽ là một tuần lễ nhiều xáo trộn, rất nguy hiểm. Phải có một sự nhượng bộ nào đó. Chính phủ giờ đây phải có đáp ứng. Những người biểu tình đang đòi cải tổ toàn bộ, đòi loại bỏ tất cả những thứ có liên hệ với ông Thaksin Shinawatra. Đó là một đòi hỏi rất khó khăn và không có giới hạn, rất khó có thể thỏa mãn."

Đợt biểu tình mới nhất bắt đầu trước đây trong tháng này, khi chính phủ định thông qua một dự luật tổng ân xá cho tất cả mọi người dính líu tới những vụ xung đột chính trị ở Thái Lan trong những năm qua. Thượng viện Thái Lan đã bác bỏ dự luật mà nhiều người tin là một mưu toan để cho phép ông Thaksin về nước mà hoàn toàn không bị rắc rối gì về mặt pháp luật.

Chính phủ đối mặt với một thất bại khác hồi tuần trước, khi Tòa án Hiến pháp ra phán quyết chống lại một dự luật để tất cả các thượng nghị sĩ được dân trực tiếp bầu ra. Hiện giờ Thượng viện Thái Lan gồm một nửa là những người được bầu và một nửa được chỉ định.

Ông Panitan Wattannayagorn, giáo sư chính trị học từng làm phát ngôn viên chính phủ, nói rằng chính phủ hiện nay bị xem là “đang vất vả” vì những mối căng thẳng chính trị. Ông nói:

"Chính phủ đang chật vật để tìm ra một sự đáp ứng thỏa đáng. Nếu tình hình này tiếp tục quá lâu, tính chất chính đáng của chính phủ có thể bị mất hết, bởi vì trước đây chúng tôi chưa hề có tình trạng người dân rủ nhau xuống đường như thế này và đòi hỏi hệ thống chính trị phải phục vụ cho nhu cầu của người dân."

Trong lúc áp lực chống chính phủ gia tăng, những người ủng hộ chính phủ, thường được gọi là phe Áo Đỏ, dưới sự lãnh đạo của Mặt trận Dân chủ đoàn kết chống Độc tài, đã tập họp tại một sân vận động ở ngoại ô Bangkok.

Bà Tida Tawornseth, người đứng đầu tổ chức này, nói rằng chính phủ tiếp tục tin tưởng là sẽ vượt qua được cơn bão táp chính trị này:

"Chính phủ nghĩ rằng họ đang giữ mọi việc trong tình trạng bình thường. Nhưng chúng tôi không muốn gây thêm áp lực cho nên chúng tôi tìm cách tập họp người của chúng tôi ở sân vận động. Chúng tôi sẽ cố gắng tập họp thêm nhiều người nữa. Họ nói họ có thể kiểm soát, nhưng dù sao thì chúng tôi không muốn thấy bạo động. Chúng tôi không muốn chính phủ làm cho tình hình này dẫn tới một cuộc đảo chánh quân sự."

Tình hình chính trị trong hai năm đầu của chính phủ của bà Yingluck Shinawatra tương đối yên tĩnh, nhưng với những vụ xuống đường mỗi lúc một nhiều và những vụ kiện tụng, trong đó có những vụ án tham nhũng chống lại Thủ tướng và các thành viên cấp cao trong nội các, có những dấu hiệu cho thấy chính trị Thái Lan đang tiến vào một giai đoạn mới có nhiều bất an, bất trắc.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG