Đường dẫn truy cập

Cần thay đổi mục tiêu công nghiệp hóa sang xây dựng nền kinh tế sản xuất hàng hóa nông nghiệp


Công nhân làm việc trong một nhà máy ở tỉnh Hà Nam. (Hình tư liệu)
Công nhân làm việc trong một nhà máy ở tỉnh Hà Nam. (Hình tư liệu)

Công nghiệp hóa là quá trình nâng cao tỷ trọng của công nghiệp trong toàn bộ các ngành kinh tế của một vùng kinh tế hay một nền kinh tế. Đó là tỷ trọng về lao động, về giá trị gia tăng, v.v.. còn sản xuất hàng hóa nông nghiệp là quá trình sản xuất ra sản phẩm để buôn bán, trao đổi với người khác, với xã hội nhằm mục tiêu lợi nhuận. (Nguồn - Bách khoa toàn thư mở Wikipedia).

Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ VI (1986) đã chọn con đường tiến hành công nghiệp hóa để phát triển đất nước. Mục tiêu cụ thể: Đến năm 2020, Việt Nam cơ bản trở thành một nước công nghiệp với tỷ trọng trong GDP của nông nghiệp trong tổng lao động xã hội, lao động công nghiệp và dịch vụ là 50%, nông nghiệp là 50%. (Nguồn - Internet).

Nhưng tại kỳ họp cuối cùng của khóa 13 tháng 4/2016, Quốc hội đã thừa nhận mục tiêu cơ bản trở thành nước công nghiệp vào năm 2020 mà Việt Nam đặt ra cách đây 30 năm là không đạt được.

  1. Những sai lầm và hậu quả do thực hiện công nghiệp hóa:
  1. Việt Nam phải chấp nhận tuân theo kinh tế thị trường sau nhiều năm áp dụng chế độ tập trung, bao cấp. Mặc dù vẫn gọi theo cách riêng là xây dựng một nền “kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa”, kinh tế thị trường là phải tuân thủ quy luật cạnh tranh. Việc thực hiện công nghiệp hóa để tham gia vào sự phân công lao động quốc tế là Việt Nam đã lựa chọn sở đoản để hội nhập. Kết quả sau 30 năm thực hiện công nghiệp hóa Việt Nam đã trở thành bãi rác công nghiệp theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng.
  2. Phân bố đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội - y tế - giáo dục - văn hóa mất cân bằng vùng, miền; mất cân bằng thành thị và nông thôn.
  3. Tạo ra khoảng cách lớn về giàu nghèo giữa số ít người giàu và đa số dân nghèo trong xã hội.
  4. Áp lực chi tiêu ngân sách trung ương và địa phương ngày càng lớn để đầu tư hạ tầng, bảo vệ môi trường, do dịch chuyển dân cư từ nông thôn về thành thị.
  5. Bần cùng hóa tầng lớp nông dân, lãng phí tài nguyên đất đai, lãng phí nguồn nhân lực là người già ở nông thôn.
  6. Hủy hoại và đầu độc môi trường.
  7. Gây ra khủng hoảng mọi mặt xã hội về giao thông, y tế, giáo dục, văn hóa, đạo đức.
  8. Gia tăng xung đột xã hội do quá trình thu hồi đất để thực hiện công nghiệp hóa và mở rộng đô thị.

Theo Hiến pháp năm 1959, ở miền Bắc, Nhà nước thừa nhận quyền sở hữu ruộng đất của nông dân. Đến Hiến pháp năm 1980, trên cả 2 miền Nam Bắc, Nhà nước xóa bỏ quyền sở hữu ruộng đất và xác định đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước thống nhất quản lý. Để tiến hành công nghiệp hóa, Nhà nước đã ban hành Luật đất đai năm 1987 quy định Nhà nước có quyền thu hồi đất của người dân và tiếp sau này các Luật đất đai 1993, 2003, 2013 chế định về việc Nhà nước thu hồi đất để giao cho các nhà đầu tư thực hiện công nghiệp hóa và mở rộng đô thị càng được khẳng định rõ ràng hơn.

Đất đai rất dễ dàng bị thu hồi và người dân chỉ được đền bù với giá rất thấp so với thực tế. Nhà nước đã coi đây là đòn bẩy thu hút các nhà đầu tư trong suốt 30 năm thực hiện chính sách công nghiệp hóa đất nước. Đây là một chính sách sai lầm dẫn đến khủng hoảng kinh tế - xã hội hiện nay. Không phủ nhận chính sách đổi mới kinh tế nói chung và thực hiện công nghiệp hóa đã làm cho GDP Việt Nam năm 2015 đạt trên 200 tỷ USD, tăng 30 lần so với năm 1986. Nhưng vấn đề là các hậu quả về môi trường, văn hóa xã hội là không thể khắc phục được và nguồn lực phát triển đất nước đã đến hồi cạn kiệt và không thể tiếp tục tăng trưởng.

  1. Nền kinh tế sản xuất hàng hóa nông nghiệp:

Trong sản xuất hàng hóa nông nghiệp, vốn đầu tư quan trọng và lớn nhất là đất đai. Để người dân và nhà đầu tư yên tâm là tài sản của họ được Nhà nước bảo hộ thì hiến pháp cần phải thừa nhận quyền sở hữu về đất đai của người dân như Hiến pháp năm 1959 trước đây.

  1. Phát huy được những ưu thế về đất đai, khí hậu và sử dụng được nguồn lao động phù hợp trong xã hội cho sản xuất nông nghiệp.
  2. Hạn chế hủy hoại và đầu độc môi trường.
  3. Giảm áp lực đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông, năng lượng, xử lý môi trường, mở rộng đô thị.
  4. Rút ngắn khoảng cách chênh lệch giàu nghèo.
  5. Giải quyết khủng hoảng kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, y tế do tránh được tình trạng di dân từ nông thôn về các đô thị.
  6. Giải quyết xung đột xã hội do chính sách thu hồi đất đai của nông dân phục vụ công nghiệp hóa và mở rộng đô thị gây ra.
  7. Xóa bỏ nguồn gốc tệ nạn tham nhũng do thực hiện thu hồi đất đai.
  8. Tạo ra nguồn lực phát triển bền vững.

Việt Nam cần thay đổi mục tiêu công nghiệp hóa sang xây dựng một nền kinh tế dựa trên cơ sở sản xuất nông nghiệp hàng hóa để giải quyết khủng hoảng kinh tế - xã hội hiện nay.

* Các bài viết được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

XS
SM
MD
LG