Đường dẫn truy cập

Chứng tràn dịch khớp đầu gối


Trong chương trình Hỏi Đáp Y Học kỳ này, bác sĩ Hồ văn Hiền sẽ trả lời thắc mắc của thân nhân bà Ngọc Phi ở Thụy Sĩ hỏi về chứng tràn dịch khớp đầu gối.

Bác sĩ Hồ văn Hiền
Bác sĩ Hồ văn Hiền

Chuyên gia phụ trách giải đáp thắc mắc y học kỳ này là bác sĩ Hồ văn Hiền, chuyên khoa nhi và y khoa tổng quát, có phòng mạch và đang làm việc cho các bệnh viện ở Bắc Virginia.

Một thính giả ở North Carolina có kể về trường hợp bệnh của bà chị 59 tuổi ở Thụy Sĩ và được bác sĩ Hồ văn Hiền giải thích:

Knee joint effusion (“Water on the knees):

Tràn dịch khớp đầu gối ở đàn bà 56 tuổi.

Để giải thích câu hỏi của thính giả hỏi về nước được rút ra từ đầu gối bị sưng và đau của một phụ nữ 56 tuổi ở Thuy Sĩ, tôi xin giải thích sơ lược về cơ thể học của cái đầu gối.

Khớp đầu gối là nơi gặp nhau của bốn cái xương: phía trên là xương đùi (femur) là cái xương lớn nhất của chúng ta, phía dưới là xương chày (tibia, shin bone), cái xương lớn thứ nhì và bên cạnh đó xương nhỏ hơn, xương mác (fibula, nghĩa gốc là cái kẹp/clasp), phía trước chúng ta có xương bánh chè (patella, nghĩa gốc xương hình giống dĩa đựng bánh thánh patena). Trong cái khớp đó, những đầu xương được lót bằng một lớp sụn (cartilage) để bọc và che chở xương nằm ở dưới. Sụn này có tính cách co dãn (đàn hồi) và dai, do đó làm giảm thiểu các chấn động các đầu xương phải chịu đựng lúc chúng ta đi đứng, chạy (elastic shock absorber). Sụn liên tục đi qua chu kỳ phá hủy (phần cũ), tái tạo (phần mới) trong một trạng thái quân bình, lúc sụn lành mạnh. Toàn bộ khớp được bọc trong cái bao khớp (joint capsule). Mặt trong của bao khớp có lót một lớp tế bào gọi là hoạt mạc (synovium). Các tế bào này tiết ra một chất trắng nhờn, gọi là dịch hoạt mạc (synovial fluid) tạo nên một lớp nhờn rất mỏng (chừng 1/20 mm) bao bọc đầu khớp xương (synovial: nghĩa gốc chữ synovia là nhờn, sệt giống như tròng trắng trứng).

Trong trường hợp bịnh nhân chúng ta, lượng dịch hoạt mạc tăng quá nhiều, được sản xuất ra nhiều quá làm khớp sưng vù lên, khớp sưng đỏ và đau. Lượng nước hoạt mạc quá nhiều làm khớp không cử động bình thường, ảnh hưởng đến dinh dưỡng của các lớp sụn, có thể làm các lớp sụn này hư đi, thoái hoá, hoặc chết mà không được thay thế bằng sụn mới.

Bác sĩ phải châm kim hút nước ra để định bịnh, và để giảm áp suất trong khớp, và có khi bác sĩ chích thẳng các thuốc corticoid vào khớp để giảm viêm.

Các nguyên nhân có thể xảy ra:

1. Thương tích làm gảy xương, vỡ sụn, đứt rách gân. Nước rút ra thường trong, có thể có máu.

2. Thương tích do dùng khớp liên hệ quá nhiều (overuse injury); như đi, chạy quá nhiều, nhất là nếu người đó không tập dượt chuẩn bị trước Thường gặp nhất là lực sĩ trong các môn thể thao trong đó người lực sĩ hay chuyển hướng đột ngột như bóng rỗ (basket ball).

3. Các bịnh xương khớp:

• Viêm xương khớp (osteoarthritis) còn gọi là bịnh khớp thoái hóa (degenerative joint disease); lúc chúng ta càng lớn tuổi thì lớp sụn bọc đầu xương không còn được tái tạo tốt một cách tự nhiên như lúc còn trẻ, dần dần sụn bị xoi mòn, hư hại, do đó ta dùng chữ thoái hóa. Nước rút ra từ khớp thường trong. Các khớp khác, phải chịu đựng nhiều sức nặng, như xương sống cỗ và eo lưng, háng đều có thể bị thoái hóa. Trong trường hợp bịnh nhân của chúng ta ở Thụy Sĩ, bác sĩ chỉ rút nước ra không làm gì khác, có thể bịnh nhân thuộc nhóm này. Thường bịnh nhân được tập vận động, tai chi, uống acetaminophen hoặc motrin (một loại NSAID) lúc đau. Có khi bác sĩ chích thuốc corticoid vào khớp để giảm nhu cầu uống thuốc.

Người mập phì, vì khớp xương chịu sức nặng quá lố, dễ bị viêm khớp thoái hóa. Nên cố gắng làm sụt cân.

• Viêm thấp khớp (rheumatoid arthritis [RA]) là một bịnh viêm kinh niên (mản tính), do hệ thống miễn nhiễm của người bịnh bị rối loạn và tấn công vào chính những bộ phận của người đó. Thường bịnh nhân thấy khớp cứng đơ lúc buổi sang và bớt dần sau đó. Ngoài những bộ phận như da, tim, mạch máu, phổi thận, các khớp xương là mục tiêu chính bị tấn công. Lớp hoạt mạc (synovium) lót phía trong của khớp xương bị viêm, mọc nhiều hơn và hổn loạn (tăng sản, proliferate) tuy không làm mủ, và dần dần hủy hoại các lớp sụn của đầu xương. Hai đầu xương không còn di chuyển trơn tru, sát với nhau, bên cạnh nhau như trước, mà trở thành hàn gắn lại với nhau, làm khớp cứng lại (ankylosis) dùng được. Nước rút ra từ khớp có thể đục hơn vì nhiều tế bào viêm (bạch cầu). Thường các bs chuyên về phong thấp (rheumatologist) chữa những bịnh này bằng những thuốc chống viêm (NSAID), các thuốc corticoid và các thuốc điều hòa tính miễn nhiễm (Disease Modifying Anti Rheumatic Drugs) như methotrexate. Ngoài việc xét nghiệm nước rút ra từ khớp xương, cần dùng nhiều thử nghiệm máu để định bịnh.

• Các bịnh khác như:

A. thống phong (gout), do uric acid trong máu quá cao và đọng, tụ lại quá nhiều ở các khớp

B. u bướu khớp

C. nhiễm trùng khớp: nước rút ra có thể đục như mủ, cấy có thể thấy vi trùng.

Các bịnh này cũng có thể làm tràn dịch trong khớp.

Ước mong giúp ích quý vị được phần nào. Chúc bịnh nhân may mắn.

Cảm ơn bác sĩ Hồ văn Hiền.

Chúng tôi cũng xin cảm ơn thính giả đã tham gia chương trình Hỏi Đáp Y Học này.

Chúng tôi vẫn dành đường dây điện thoại miễn phí để tiếp nhận các thắc mắc khác của quý thính giả về sức khỏe và y học thường thức. Số điện thoại miễn phí dành cho mục Hỏi Đáp Y Học là 202-205-7890, xin nhắc lại, 202-205-7890, ngày giờ nhận câu hỏi là thứ ba và thứ năm mỗi tuần, từ 8 giờ 30 đến 9 giờ 30 tối, giờ Việt Nam. Chúng tôi sẽ chuyển các thắc mắc của quý vị cho các bác sĩ chuyên khoa phân tích và giải thích và sẽ thông báo ngày giờ giải đáp để quý vị tiện theo dõi.

Đường dẫn liên quan

VOA có ứng dụng mới

Xem tin tức VOA trực tiếp trên điện thoại và máy tính bảng! Ứng dụng VOA có thiết kế mới và cải thiện khả năng truy cập tin tức. Các tính năng mà bạn yêu thích trước đây được tích hợp cùng các công cụ vượt tường lửa để truy cập tin tức VOA bằng 22 ngôn ngữ.

Tải ứng dụng VOA trên App StoreGoogle Play!

VOA Express

XS
SM
MD
LG