Đường dẫn truy cập

Chứng viêm da cơ địa nơi trẻ em


Trong chương trình Hỏi Đáp Y Học kỳ này, bác sĩ Hồ văn Hiền sẽ trả lời thắc mắc của ông Hoàng Lê Nguyên ở Hải Phòng về chứng viêm da cơ địa nơi trẻ em.

Bác sĩ Hồ văn Hiền
Bác sĩ Hồ văn Hiền

Chuyên gia phụ trách giải đáp thắc mắc y học kỳ này là bác sĩ Hồ văn Hiền, chuyên khoa nhi và y khoa tổng quát, có phòng mạch và đang làm việc cho các bệnh viện ở Bắc Virginia.

Ông Hoàng Lê Nguyên ở Hải Phòng có nêu thắc mắc và được bác sĩ Hồ văn Hiền giải đáp:

Viêm da cơ địa (atopic dermatitis)

Trường hợp cháu trai 3 tháng tuổi bị bịnh ngoài da, có vết đỏ trên mặt và vết chàm bẩm sinh. Bs định bịnh là viêm da cơ địa (VDCD). Bé từng được chữa bằng corticoid (hydrocortisone), và thuốc thoa khác nhưng không khỏi.

Bé mới 3 tháng, và đây sẽ là một bịnh mãn tính (kinh niên), dù nặng hay nhẹ, có khả năng kéo dài năm này qua tháng khác, nhất là trong 2-3 năm đầu, phụ huynh chắc sẽ được nghe và đọc không biết bao nhiêu là lời khuyên, sẽ được mách đủ mọi thứ thuốc gia truyền hoặc đắt tiền. Ở Mỹ, người da đen đi khám về bịnh này 3 lần nhiều hơn người da trắng, nhưng người Á châu lại còn đi khám nhiều gấp đôi người da đen. Có nghĩa là hoặc chúng ta bị bịnh này nhiều hơn, hoặc chúng ta lo ngại về bịnh da nhiều hơn, hoặc cả hai.

Cho nên tôi thiết nghĩ điều quan trọng hơn hết đối với phụ huynh là hiểu bịnh này cơ chế như thế nào, để bớt lo âu, để kiên nhẫn hơn và đối phó với cơn bịnh khá phiền toái này một cách khoa học và hợp lý. Cuối cùng tôi sẽ đề ra một số biện pháp giản dị và không đắt tiền để phụ huynh có thể cọng tác với bác sĩ của mình đối phó với bịnh của em một cách hợp lý.

Trước hết chúng ta bàn về cái tên tiếng Việt nghe khá bí hiểm này, có lẽ dịch từ từ tiếng Anh là atopic dermatitis.

Viêm da (dermatitis) có nghĩa có ba loại triệu chứng:

• da bị ngứa, có thể bị đau vì lở lói, nứt nẻ, trầy trụa vì gãi

• đỏ, hoặc có khi có mụt nước, nước trong (vesicles) hoặc đục như mủ (pustules) vì có nhiễm trùng cọng thêm vào

• da bị sưng từng mảng (papules) hoặc do gãi nhiều lâu ngày, da dày ra với những dấu gãi mạn tính, những mảng da đen sạm.

Atopic có nghĩa gốc là “không đúng chỗ”, “khác thường”, còn có nghĩa bịnh do khuynh hướng di truyền mà làm cho dễ bị viêm da. Người bị atopic dermatitis phản ứng một cách khác thường với những yếu tố làm da khó chịu (irritants).

Ngoài ra, người bị bịnh này thường có bịnh sử gia đình (như cha mẹ, anh em.) với nhiều chứng tương tự liên hệ như viêm da, dị ứng mũi, suyễn, dị ứng thức ăn, vân vân. Do đó từ cơ địa dùng để nói đến cái yếu tố gia đình, cái tạng (constitution, genetic make up) của từng người trong việc gây ra bịnh viêm da cơ địa, để phân biệt với các loại viêm da khác như viêm da do bịnh ghẻ (do ký sinh trùng gây ra), do nhiễm vi khuẩn (skin infection), do nấm (fungal infection). Thật đúng như vậy, một số trường hợp bịnh nhân nặng có một đột biến trong gene của mình phụ trách mã hoá (codifying) chất filaggrin, là một chất cần thiết cho một lớp da lành lặn, có khả năng che chở, làm rào cản tốt cho cơ thể (barrier function).

Một số gợi ý (chỉ có mục đích thông tin mà thôi, xin tham khảo với bác sĩ của em):

• Chúng ta vừa giải thích bịnh viêm da cơ địa. Không nên lầm lẫn với những bịnh khác có thể làm phụ huynh lo âu vô cớ và dùng những thuốc không cần thiết. Ví dụ bịnh VDCD không phải do yếu gan, không phải do nấm, không phải máu xấu, không có nghĩa là em bé thể lực "yếu" hơn các trẻ khác.

• Tuy nhiên, da những bé này phòng thủ kém hơn bình thường, nhất là các bịnh nhân dùng thuốc loại corticoid (như hydrocortisone). Corticoid làm giảm ngứa, giảm sưng và đỏ, nhất là những thuốc rất mạnh như betamethasone (Diprolene AF), dùng thì bớt rất nhanh nhưng da sẽ yếu đi dễ bị nhiễm trùng và bịnh vẫn không dứt hẳn. Nên để ý một số thuốc đông y (“thuốc Tàu”, “dân tộc”) thoa rất công hiệu nhưng lý do là vì thuốc có chứa các chất corticoid mà không tiết lộ trên bao bì ống thuốc.

• Do phòng thủ da bị yếu, nên cẩn thận đừng để em bé phơi nhiễm (exposed) với các loại vi trùng herpes từ những người bị viêm miệng (vd như mẹ của em hay bị “nóng” lở miệng, nổi mụt trên môi, các vết lở này có nhiều virus herpes, đừng hôn em lúc đang bịnh, nhớ rửa tay sau khi sờ vào miệng mình). Virus herpes lúc nhiễm vào da em bé, sẽ lan ra một cách dữ dội và có thể gây bịnh nguy hiểm đến tính mạng, cần điều trị cấp thời với thuốc chống virus (vd thuốc acyclovir).

• Bây giờ cháu mới 3 tháng, nhưng dần dần lúc cháu lớn lên, các triệu chứng viêm da có thể thay đổi, nặng thêm và lan ra phần còn lại của cơ thể, nhất là hai cánh tay, sau đầu gối... Nói chung, đa số bịnh sẽ từ từ nặng thêm trong một hai năm đầu, sau đó, bịnh nhân lần lần quen (tolerance) với các yếu tố làm khó chịu (irritants) hoặc gây dị ứng trong môi trường. Sau 4-5 tuổi đa số bịnh nhân sẽ thấy giảm bịnh rất nhiều.

• Những biện pháp sau đây có thể giúp bịnh em bé ít có triệu chứng hơn:

1. Điểm quan trọng là da các em rất khô (thiếu nước vì nước bay hơi quá nhanh không giữ lại được). Giản dị hơn hết là dùng chất nhờn thoa da như petroleum jelly (Vaseline là một hỗn hợp dầu khoáng, paraffin và sáp). Những chất bên Mỹ gọi là “emollient” (thuốc làm da mềm, mịn) như kem (cream) Eucerin, Aquaphor, Cetaphill, đắt hơn một tí nhưng có thể hạp với một số em hơn.

2. Tắm các em nhanh thôi (5-10 phút), chỉ rửa kỹ những nơi dơ bẩn, đừng dùng nhiều xà phòng (dù là xà phòng trẻ em, có một số xà phòng nhẹ hiệu Dove, Nutrogena; đừng kỳ cọ nhiều, đừng dùng khăn ma xát nhiều làm da khô thêm. Tránh dùng nước quá nóng, làm khô da. Tắm vừa xong là thoa Vaseline hoặc các chất emollients lên da liền, để các chất này giữ nước lại trong da không cho bay ra ngoài.

3. Tránh để không khí quá khô. Nhất là mùa lạnh, không khí đã đi qua máy sưỡi rất khô (nghĩa là chứa rất ít hơi nước). Máy lạnh cũng làm cho không khí khô hơn. Nếu cần (nhà bít bùng) nên dùng máy phun hơi ẩm để giữ khu vực em ngủ, sinh hoạt có độ ẩm thích hợp.

4. Cho bé mặc đồ rộng, thoáng hơi, thường bằng sợi bông gòn (cotton) để bé không ra mồ hôi nhiều, để áo quần không cọ xát nhiều vào người, gây ngứa. Tránh dùng len (lông cừu) hay làm da khó chịu. Đừng gãi cho em đở ngứa, làm trầy da, Cắt móng tay cho em, để tránh gãi.

• Một số biện pháp có thể làm giảm sự tiếp xúc với các chất gây dị ứng (sinh kháng thể, antigens):

o nếu bs thấy em không hạp với protein trong sữa bò (các formula chế biến từ sữa bò), nên khuyến khích em bú sữa mẹ, hoặc cho em bú sữa làm bằng đậu nành (soy based formula) (như Isomil), hoặc sữa formula mà các phân tử protein đã được tiêu hoá sẵn, bẻ nhỏ ra như Nutramigen, Alimentum.

o tránh phơi nhiễm, tiếp xúc đối với các chất gây dị ứng như lông, phân chó mèo, dán, cây trồng trong nhà, bụi trong giường chiếu có các con sâu nhỏ li ti “mites” là nguyên nhân gây dị ứng thường gặp trong nhà.

o tránh dùng các thuốc xịt cho thơm nhà, các thuốc xịt ruồi muỗi, một số sơn mới, gỗ mới cũng toả ra những chất hoá học làm người bịnh khó chịu. Tránh hút thuốc lá.

o giặt áo kỹ để xả sạch các chất tẩy, xà bong giặt

o trong 2 năm đầu, có thể nên tránh cho em ăn các loại thức ăn dễ gây dị ứng như: cá biển, tôm cua, đậu phông, trứng gà.

• Phụ huynh bịnh nhân nhắc đến vết chàm bẩm sinh trên mặt em bé, có lẽ không liên hệ đến bịnh viêm da cơ địa. Tuy nhiên, nếu vết chàm đáng kể, hoặc lan rộng ra, hoặc có những vết chàm trên tròng trắng mắt, hoặc có nhiều vết màu cà fê sữa (café au lait spots) xuất hiện trên thân thể của em bé, cần đi khám bs nhi khoa để theo dõi (xem mắt có ảnh hưởng không, nếu có nhiều vết cà fê sữa xem có phải bịnh di truyền xơ thần kinh (neurofibromatosis).

• Đối với bịnh nhân lớn hơn trường hợp em bé 3 tháng ở đây, bịnh VDCD đã rỏ ràng, thường bs có thể dùng những thuốc sau;

1. thuốc chống ngứa như Diphenhydramine (Benadryl), hydroxyzine (Atarax, cần toa) (tránh dùng cho bé dưới 7 tháng)

2. các thuốc thoa corticoid, tránh dùng trên mặt, gần mắt, và vùng niêm mạc sinh dục. Nhẹ nhất là hydrocortisone cream 1%, bán tự do ở Mỹ.

3. thuốc kháng sinh thoa (mupirocin, “Bactroban”), hoặc uống (vd. cephalexin) nếu có dấu hiệu nhiễm trùng, làm mủ. Hoặc nếu bs tin rằng vi trùng staphylococcus bám ở da là một yếu tố gây các triệu chứng viêm như ngứa, sưng.

4. một số khảo cứu cho bịnh nhân (bịnh nhân lớn hơn, không dùng cho bé 3 tháng ở đây) tắm trong bồn tắm có pha nước bleach (eau de Javel) (chừng ½ cup trong bồn), 2-3 lần/tuần để diệt các vi khuẩn staphylococcus và có kết quả tốt.

5. một số thuốc như Elidel, Protopic (rất đắt tiền) thuộc nhóm immunomodulator (điều hòa tính miễn nhiễm), cần theo dõi kỹ lưỡng vì có khả năng làm yếu sứac đề kháng của bịnh nhân.

Chúc bịnh nhân may mắn.

Cảm ơn bác sĩ Hồ văn Hiền.

Chúng tôi cũng xin cảm ơn thính giả đã tham gia chương trình Hỏi Đáp Y Học này.

Chúng tôi vẫn dành đường dây điện thoại miễn phí để tiếp nhận các thắc mắc khác của quý thính giả về sức khỏe và y học thường thức. Số điện thoại miễn phí dành cho mục Hỏi Đáp Y Học là 202-205-7890, xin nhắc lại, 202-205-7890, ngày giờ nhận câu hỏi là thứ ba và thứ năm mỗi tuần, từ 8 giờ 30 đến 9 giờ 30 tối, giờ Việt Nam. Chúng tôi sẽ chuyển các thắc mắc của quý vị cho các bác sĩ chuyên khoa phân tích và giải thích và sẽ thông báo ngày giờ giải đáp để quý vị tiện theo dõi.

Đường dẫn liên quan

VOA có ứng dụng mới

Xem tin tức VOA trực tiếp trên điện thoại và máy tính bảng! Ứng dụng VOA có thiết kế mới và cải thiện khả năng truy cập tin tức. Các tính năng mà bạn yêu thích trước đây được tích hợp cùng các công cụ vượt tường lửa để truy cập tin tức VOA bằng 22 ngôn ngữ.

Tải ứng dụng VOA trên App StoreGoogle Play!

VOA Express

XS
SM
MD
LG