Đường dẫn truy cập

Các phát biểu tại Davos làm tăng lo ngại về xung đột Nhật-Trung


Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe
Tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos hồi đầu tuần này, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã so sánh mối quan hệ căng thẳng giữa nước ông và Trung Quốc với mối quan hệ giữa Anh và Đức trước khi thế chiến thứ nhất bùng nổ. Thông tín viên VOA Daniel Schearf tường thuật rằng các nhà phân tích chính trị cho rằng cả hai cường quốc kinh tế này đều bị tổn hại nếu xảy ra xung đột quân sự, nhưng một số người đang tranh luận về vấn đề phải chăng xung đột là điều không thể tránh khỏi.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã làm cho nhiều người kinh ngạc khi ông so sánh những mối căng thẳng hiện nay giữa Nhật Bản và Trung Quốc với mối quan hệ giữa Anh và Đức trước năm 1914, là năm hai nước giao chiến với nhau.

Nhiều người đã lưu ý tới sự đề cập tới Thế chiến thứ nhất, một cuộc đại chiến đã bùng nổ một cách bất ngờ, bất chấp những mối quan hệ chặt chẽ về kinh tế giữa các cường quốc đang trỗi dậy và những đế quốc đang sa sút.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Tần Cương đã có phản ứng gay gắt và nói rằng Nhật Bản nên nhìn lại lịch sử của nước họ:

'Nhà lãnh đạo Nhật Bản đã nói như vậy chỉ để lẩn tránh lịch sử xâm lăng, để lừa gạt mọi người. Như tôi đã nói, lịch sử về mối quan hệ Anh-Đức thời thế chiến thứ nhất chẳng có ý nghĩa gi cả. Thay vì đem việc này làm một vấn đề để bàn cãi, Nhật Bản nên phản tỉnh về lịch sử xâm lăng của nước họ."

Tokyo đã nhanh chóng bác bỏ tố cáo cho rằng phát biểu của ông Abe có nghĩa là chiến tranh giờ đây không thể tránh được. Họ nói rằng nhận định đó chỉ có mục đích đưa ra một thông điệp là Nhật Bản không muốn chiến tranh.

Trong bài diễn thuyết tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos, Thủ tướng Abe cũng lên tiếng chỉ trích quân đội Trung Quốc.
Tuy không nêu đích danh Trung Quốc, ông Abe kêu gọi kiềm chế các hoạt động bành trướng quân sự ở Á châu và hô hào cho việc minh bạch hóa các ngân sách quân sự có thể kiểm chứng được. Ông nói:

"Nếu hòa bình và ổn định ở Á châu bị lung lay, tác động giây chuyền đối với toàn thể thế giới sẽ vô cùng to lớn. Những lợi ích có được từ sự tăng trưởng ở Á châu không nên bị phung phí cho sự bành trướng quân sự."

Trong thập niên qua, ngân sách quốc phòng của Trung Quốc đã gia tăng với tỉ lệ hai con số mỗi năm.

Và trong thời gian gần đây, Bắc Kinh đã thực hiện những hoạt động tuần tra mỗi ngày một hung hãn hơn ở Biển Hoa Đông và Biển Đông và nới rộng một khu vực nhận dạng phòng không tới những hòn đảo do Nhật kiểm soát.

Những hành động quyết liệt này đã gây lo ngại cho các nước láng giềng vốn đã chịu nhiều tác động bởi sự lớn mạnh nhanh chóng của nền kinh tế Trung Quốc.

Giáo sư Brad Williams, một chuyên gia Á châu của Đại học Thành phố Hồng Kông, nhận định như sau về phát biểu của Thủ tướng Abe:

"Ông Abe có lẽ đang xem Trung Quốc là một đế quốc Đức của thời nay, là một nước sẵn sàng thực hiện những hành vi xâm lấn. Điều đó, dĩ nhiên, có thể làm cho xung đột bùng ra, bất chấp sự liên lập sâu sắc về kinh tế giữa hai nước."

Nhật Bản, dưới sự lãnh đạo của ông Abe, đang tìm cách nới rộng vai trò của lực lượng tự vệ và sửa đổi bản hiến pháp chủ hòa.

Những thay đổi đó có mục đích cho phép Nhật Bản tiến hành những hoạt động phòng thủ hỗn hợp với các lực lượng Hoa Kỳ, nhưng nó cũng gây lo ngại cho Trung Quốc và Hàn Quốc, là những nước láng giềng từng chịu nhiều đau khổ vì chủ nghĩa thực dân và đế quốc Nhật trong thời thế chiến thứ hai.

Bắc Kinh không ngớt đả kích điều mà họ gọi là mưu toan của ông Abe nhằm tẩy xóa những hành vi tàn ác của Nhật trong quá khứ. Họ cũng cực lực chỉ trích việc ông Abe tháng 12 vừa qua đã đến viếng đền Yasukuni, nơi thờ phượng tử sĩ Nhật, trong đó có các can phạm tội ác chiến tranh thời thế chiến thứ hai.

Hoa Kỳ và Nhật Bản nói rằng cần có những đường giây nóng quân sự với Trung Quốc để ngăn chận nguy cơ leo thang của những sự ngộ nhận hoặc những sự tính toán sai lầm.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG