Đường dẫn truy cập

Các nước kêu gọi Trump thay đổi nhận thức về biến đổi khí hậu


Nhiều nước kêu gọi ông Donald Trump tham gia cuộc chiến chống lại hiện tượng tăng nhiệt toàn cầu.
Nhiều nước kêu gọi ông Donald Trump tham gia cuộc chiến chống lại hiện tượng tăng nhiệt toàn cầu.

Ngày 18/11, nhiều nước kêu gọi ông Donald Trump tham gia cuộc chiến chống lại hiện tượng tăng nhiệt toàn cầu, Thủ tướng Fiji mời Tổng thống đắc cử Mỹ đến đảo quốc Thái Bình Dương để tận mắt chứng kiến ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.

Đột ngột đối mặt với khả năng Hoa Kỳ rút khỏi hiệp ước về khí thải thông qua tại Paris hồi năm ngoái, các phái đoàn tại hội nghị về khí hậu tại Liên hiệp quốc đã kêu gọi ủng hộ thỏa thuận cột mốc này và nói rằng sẽ thúc đẩy hiệp ước tiến tới dù thế nào đi chăng nữa.

Bộ trưởng Ngoại giao Morocco Salaheddine Mezouar, người chủ trì các cuộc thảo luận kéo dài hai tuần tại Marrakech, nói “thông điệp gởi tới tân Tổng thống Mỹ rất đơn giản “Chúng tôi trông cậy vào chủ nghĩa thực dụng của ông và tinh thần cam kết của ông.”

Trong cuộc vận động tranh cử, ông Trump đã nói là ông sẽ “hủy bỏ” một hiệp ước quốc tế nhằm chống lại hiện tượng biến đổi khí hậu và rút tiền thuế của người dân Mỹ ra khỏi các chương trình tăng nhiệt toàn cầu.

Hơn 190 quốc gia trong đó có Hoa Kỳ đã cam kết trong hiệp ước Paris sẽ giảm khí thải nhà kính làm tăng nhiệt và nước biển dâng cao, gây hạn hán trầm trọng và tạo ra những đợt nóng.

Tại Marrakech, các phái đoàn từ Trung Quốc cho đến Brazil đều bày tỏ hy vọng các phát biểu của ông Trump khi tranh cử không thật sự là tâm ý của ông. Một số nước trực tiếp kêu gọi ông thay đổi nhận thức về vấn đề này.

Những đảo quốc nhỏ nằm trong số những nước bênh vực mạnh mẽ nhất việc cắt giảm khí thải nhà kính vì họ lo ngại sự sống còn của đất nước tùy thuộc vào việc này. Nhiều nước đã trải qua những hậu quả của biến đổi khí hậu, với nước biển dâng cao xói mòn bờ biển và xâm nhập vào nguồn nước ngọt.

Bộ trưởng Môi trường Đức Barbara Hendricks nói hội nghị Marrakech “đã chứng tỏ là tinh thần thỏa thuận Paris đang sống và mạnh mẽ hơn bao giờ hết.”

Với hầu hết những vấn đề thủ tục còn đang thương lượng, các quốc gia loan báo những đối tác và những sáng kiến khác nhau để chứng tỏ sự cam kết của họ về sự chuyển tiếp sang năng lượng sạch.

Trong một động thái tượng trưng, hơn 40 quốc gia dễ bị ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, trong đó có những đảo quốc nhỏ và những nước chịu nạn hạn hán tại châu Phi, tuyên bố là họ sẽ theo đuổi năng lượng tái tạo 100% “càng nhanh càng tốt.”

Nhiều nước yêu cầu sự hỗ trợ của các nước giàu để chuyển sang năng lượng tái tạo như năng lượng gió và mặt trời. Một số nước, trong đó có Philippines và Bangladesh, dự định mở rộng năng lượng than đá, một nguồn chính phát sinh khí thải làm quả đất ấm dần, để đáp ứng nhu cầu năng lượng ngày càng tăng của họ.

Tuy nhiên, tuyên bố cho thấy có sự ủng hộ của các nước nghèo trước đây từng tuyên bố việc giảm bớt khí thải tùy thuộc vào phương Tây, là những nước có truyền thống gây ô nhiễm nhiều nhất.

VOA Express

XS
SM
MD
LG