Đường dẫn truy cập

Ðề nghị chế tài Việt Nam vì nạn buôn lậu sừng tê giác


Cơ quan Điều tra Môi trường phổ biến phúc trình tố cáo Việt Nam không tuân hành các nghĩa vụ quốc tế về bảo vệ tê giác.
Cơ quan Điều tra Môi trường phổ biến phúc trình tố cáo Việt Nam không tuân hành các nghĩa vụ quốc tế về bảo vệ tê giác.
Các nhân vật tranh đấu bảo vệ môi trường đề nghị áp dụng các biện pháp chế tài thương mại đối với Việt Nam vì Hà Nội đã không hành động để chống lại nạn mua bán sừng tê giác.

Theo bản tin của PR News hôm thứ hai, Cơ quan Điều tra Môi trường, một tổ chức bất vụ lợi có trụ sở ở Washington và London, đã đề nghị như thế tại một hội nghị ở Bangkok sau khi phổ biến một bản phúc trình tố cáo Việt Nam không tuân hành các nghĩa vụ quốc tế về bảo vệ tê giác.

177 nước ký kết Công ước Buôn bán Quốc tế các loài động thực vật nguy cấp, gọi tắt là CITES, họp tại Bangkok đang thảo luận về những biện pháp để chống lại nạn săn bắt tê giác trái phép trên thế giới, đặc biệt là tại Nam Phi, nơi có khoảng 1.500 con tê giác bị giết hại trong 3 năm qua.

Báo cáo của Cơ quan Điều tra Môi trường nói rằng “Các bằng chứng cho thấy Việt Nam và các nhân viên ngoại giao Việt Nam nằm ở trung tâm của một hoạt động mua bán sừng tê giác bất hợp pháp qui mô lớn, góp phần gây ra vụ khủng hoảng săn bắt tê giác trái phép lớn nhất trong vòng hơn 30 năm.”

Tin tức ở Mozambique hồi hạ tuần tháng hai cho biết một công dân Việt Nam đã bị bắt tại phi trường quốc tế Maputo vì mang theo 6 sừng tê giác, nặng 17 kg, trị giá hơn 1 triệu đô la.

Tuần trước, các giới chức Việt Nam đã phủ nhận tố cáo cho rằng Việt Nam là động lực thúc đẩy các hoạt động mua bán sừng tê giác trái phép.

Báo chí do nhà nước điều hành cũng cho biết Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên ở Việt Nam vừa phát hành một bộ phim tuyên truyền để kêu gọi dân chúng không sử dụng sừng tê giác.

Các bản tin nói rằng đây là phim đầu tiên trong chuỗi phim tuyên truyền nhắm tới những người tiêu thụ sừng tê giác sẽ được sản xuất và phát hành trong năm nay và là một phần trong chiến dịch thay đổi nhận thức về bảo vệ tê giác trước nguy cơ tuyệt chủng của loài động vật hoang dã quý hiếm này.

Nguồn: PRNewswire, Lao Dong

VOA Express

XS
SM
MD
LG