Đường dẫn truy cập

Các nhà hoạt động dân chủ hoạch định các cuộc biểu tình tại Hồng Kông


Trung tâm Hồng Kông lại chứng kiến quang cảnh quen thuộc của những người biểu tình đòi dân chủ mang dù và reo hò các khẩu hiệu kêu gọi cải cách bầu cử ở thành phố này, ngày 1/2/2014.
Trung tâm Hồng Kông lại chứng kiến quang cảnh quen thuộc của những người biểu tình đòi dân chủ mang dù và reo hò các khẩu hiệu kêu gọi cải cách bầu cử ở thành phố này, ngày 1/2/2014.

Cuộc biểu tình đòi dân chủ ở Hồng Kông hôm Chủ Nhật đã thu hút hàng ngàn người nhưng chưa đạt con số 50.000 như ban tổ chức trông đợi. Tuy nhiên, các nhà hoạt động dân chủ nói cuộc diễu hành cho thấy hậu thuẫn tiếp tục dành cho cải cách bầu cử ở thành phố và họ đang hoạch định các bước kế tiếp trong phong trào biểu tình của họ. Từ Hồng Kông, thông tín viên VOA Shannon Sant gửi về bài tường thuật.

Hôm Chủ Nhật, trung tâm Hồng Kông lại chứng kiến quang cảnh quen thuộc của những người biểu tình đòi dân chủ mang dù và reo hò các khẩu hiệu kêu gọi cải cách bầu cử ở thành phố này.

Đây là cuộc tụ tập đầu tiên từ hơn 1 tháng, và thu hút một đám đông nhiều thành phần đi tuần hành sau một biểu ngữ với hàng chữ “Đả đảo dân chủ giả hiệu; chúng tôi muốn phổ thông đầu phiếu.”

Anh Joshua Wong, 18 tuổi lãnh đạo các cuộc biểu tình của sinh viên đòi dân chủ, năm ngoái đã trở thành một khuôn mặt của phong trào có những lúc thu hút hơn 100.000 người xuống đường. Anh nói vẫn còn nhiều người đòi quyền bỏ phiếu trực tiếp cho người lãnh đạo sắp tới của thành phố trong cuộc bầu cử năm 2017.

Anh Wong nói: “Tôi nghĩ điều quan trọng đối với chúng tôi là chứng tỏ sự kiên trì trước khi các thành viên bỏ phiếu trong hội đồng. Chúng tôi sẽ cố gắng hết sức để tranh đấu cho phổ thông đầu phiếu thực sự.”

Anh Joshua Wong nói vẫn còn nhiều người đòi quyền bỏ phiếu trực tiếp cho lãnh đạo sắp tới của thành phố trong cuộc bầu cử năm 2017.
Anh Joshua Wong nói vẫn còn nhiều người đòi quyền bỏ phiếu trực tiếp cho lãnh đạo sắp tới của thành phố trong cuộc bầu cử năm 2017.

Các ước tính về con số người dự biểu tình khác nhau, và ban tổ chức áng chừng khoảng 13.000. Cảnh sát nói có hơn 8.000 người tham dự cuộc tụ tập.

Giới hoạt động nói cuộc tuần hành nằm trong khuôn khổ một đợt biểu tình ôn hoà sẽ diễn ra trước cuộc bỏ phiếu của viện lập pháp về các kế hoạch bầu cử vào mùa xuân hay mùa hè này. Năm ngoái, Bắc Kinh đã công bố các kế hoạch bầu cử mới cho Hồng Kông cho phép bầu cử trực tiếp hành chánh trưởng quan bắt đầu từ năm 2017, nhưng chỉ trong số một nhóm ứng cử viên do một uỷ ban được sự ủng hộ của những người trung thành với Bắc Kinh tuyển chọn.

Bà Emily Lau, người đứng đầu đảng Dân Tiến của Hồng Kông, nói rằng có một vài dấu hiệu cho thấy có thể đạt được một thoả hiệp giữa người biểu tình đòi dân chủ và chính phủ.

Bà Lau cho biết: “Bởi vì có những người từ phe thân Bắc Kinh và thậm chí các nguồn tin chính phủ lên tiếng nói rằng họ muốn thảo luận với các nhà lập pháp từ phe đòi dân chủ. Tôi không nói rằng tôi lạc quan, hay đây là điều mơ ước, nhưng nếu Bắc Kinh không hiểu được rằng họ có thể đối mặt với các hậu quả rất nghiêm trọng tôi nghĩ đó là điều tốt. Họ cần phải biết rằng sẽ là điều rất xấu, không riêng cho Hồng Kông, hay rằng Hồng Kông sẽ không thể cai trị được, mà theo quan điểm của Bắc Kinh, thì họ cũng mất đi uy tín trong cộng đồng quốc tế.”

Trì hoãn biểu quyết trong Hội đồng Lập pháp là một phương pháp mà các nhà lập pháp đòi dân chủ đang sử dụng để làm áp lực đòi giới lãnh đạo Hồng Kông lắng nghe các yêu sách của người biểu tình. Giới hoạt động nói các cuộc tụ tập ôn hoà sẽ tiếp tục suốt mùa xuân và tăng cường quanh cuộc biểu quyết của hội đồng lập pháp về cải cách bầu cử. Ngày tháng cuộc biểu quyết chưa được loan báo.

Bà Emily Lau, người đứng đầu đảng Dân Tiến của Hồng Kông, nói rằng có một vài dấu hiệu cho thấy có thể đạt được một thoả hiệp giữa người biểu tình đòi dân chủ và chính phủ.
Bà Emily Lau, người đứng đầu đảng Dân Tiến của Hồng Kông, nói rằng có một vài dấu hiệu cho thấy có thể đạt được một thoả hiệp giữa người biểu tình đòi dân chủ và chính phủ.

Ông Joseph Cheng của Liên minh Dân chủ Hồng Kông và là giáo sư môn quan hệ quốc tế tại trường Đại học Hông Kong, nói duy trì động năng là ưu tiên hàng đầu của ban tổ chức biểu tình.

Ông Cheng nhận định rằng: “Người dân Hồng Kông không muốn thấy rồi đây Hồng Kông sẽ chỉ biến thành một thành phố lớn khác của Trung Quốc. Và tôi cho rằng tất cả các nhóm đòi dân chủ hiểu rằng chừng nào chúng ta chưa đầu hàng, là chúng ta chưa mất đi chính nghĩa. Ít nhất điều quan trọng là tiếp tục tranh đấu để giữ vững các nguyên tắc và phẩm cách của chúng ta.”

Các nhà hoạt động dân chủ cũng đang hoạch định cho ngày mà ông Albert Ho, một nhà lập pháp kỳ cựu, sẽ từ chức trong nghị viện Hồng Kông. Ông Ho nói ông sẽ từ nhiệm để thúc đẩy một cuộc trưng cầu dân ý cho phép cư dân bày tỏ sự phẫn nộ đối với chính quyền Trung Quốc về các đề nghị cải cách bầu cử của họ.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG