Đường dẫn truy cập

Các ca lây nhiễm HIV mới trên thế giới giảm đáng kể


Kết quả nổi bật nhất trong cuộc chiến chống HIV/AIDS là con số trẻ em bị nhiễm HIV đã giảm 52% kể từ năm 2001.
Kết quả nổi bật nhất trong cuộc chiến chống HIV/AIDS là con số trẻ em bị nhiễm HIV đã giảm 52% kể từ năm 2001.
Một phúc trình mới cho biết các ca nhiễm HIV mới đã giảm đáng kể trong thập kỷ qua. Phúc trình của tổ chức UNAIDS phát hiện rằng ước tính có khoảng 2,3 triệu người lớn và trẻ em mới bị nhiễm HIV trong năm 2012, giảm 33% về các ca nhiễm mới hàng năm so với năm 2001. Thông tín viên Lisa Schlein tường thuật cho đài VOA từ buổi công bố phúc trình tại Geneva.

Phúc trình nói các kết quả nổi bật nhất trong cuộc chiến chống HIV, tức virus gây bệnh AIDS, là con số trẻ em bị nhiễm HIV đã giảm 52% kể từ năm 2001.

Ông Mahesh Mahalingam là Giám đốc của văn phòng Phó Giám đốc Điều hành UNAIDS. Ông nói với đài VOA rằng tiến bộ bất ngờ này xảy ra bởi vì nhiều phụ nữ mang thai nhiễm HIV hiện được uống thuốc ngăn việc truyền bệnh từ mẹ sang con.

Ông Mahalingam nói: “Gần 62% phụ nữ đang mang thai và bị nhiễm HIV đã nhận được thuốc kháng virus. Vì thế, con số trẻ em bị nhiễm HIV đã giảm xuống mức thấp kỷ lục từ gần nửa triệu chỉ khoảng 10 năm trước. Hiện giờ chỉ có khoảng 260.000 trẻ em bị nhiễm HIV. Chúng tôi hy vọng rằng vào năm 2015, chúng tôi có thể đưa con số này xuống gần như mức 0.”

Phúc trình lưu ý rằng khoảng 9,7 triệu người sống ở các nước có mức thu nhập thấp và trung bình đã được tiếp cận việc điều trị kháng virus vào cuối năm 2012. Con số này gia tăng gần 20% chỉ trong vòng một năm.

Các tác giả của bản phúc trình nói rằng sự tăng tốc này khiến họ cảm thấy lạc quan rằng Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ về việc có khoảng 15 triệu người được chữa trị chống virus HIV có thể sẽ đạt được vào năm 2015.

Năm 2012, phúc trình nhận thấy có chừng 35,3 triệu người trên toàn cầu sống với HIV và 1,6 triệu đã chết vì các chứng bệnh liên quan tới AIDS. Phúc trình nói rằng vùng Hạ Sahara ở châu Phi vẫn là nơi nhiễm bệnh nhiều nhất trên thế giới.

Phúc trình nói rằng phần lớn các ca nhiễm bệnh HIV mới xảy ra ở vùng Hạ Sahara ở châu Phi và châu lục này chiếm khoảng gần 75% số người nhiễm HIV trên toàn thế giới. Đồng thời, tiến sĩ Mahalingam nói rằng sự lãnh đạo của chính phủ cộng với hành động của cộng đồng đã thành công trong việc xoay chuyển dịch bệnh tại một số nới.

Tiến sĩ Mahalaingam nói: “Tiến bộ lớn nhất diễn ra ở nước có số người nhiễm HIV nhiều nhất trên thế giới, đó là Nam Phi. Tại Nam Phi, có con số kỷ lục người được điều trị kháng virus và giảm khoảng gần 50% các ca nhiễm bệnh mới xảy ra ở nước này”.

Nghiên cứu phát hiện sự gia tăng các ca nhiễm bệnh mới ở Đông Âu cùng với Trung Đông và khu vực Bắc Phi. Phúc trình nói rằng Ukraina đang đạt tiến bộ về việc phòng chống căn bệnh. Nhưng tại các nơi khác ở Đông Âu, những người tiêm chích ma túy đang làm gia tăng đại dịch.

Phúc trình nói rằng phần lớn các ca nhiễm bệnh mới ở các quốc gia phát triển phương Tây xảy ra ở những người đồng tính nam. Phúc trình nói rằng người dân ở Mỹ và châu Âu coi AIDS là căn bệnh mãn tính có thể được điều trị bằng thuốc. Phúc trình cho rằng hậu quả là nhiều người trở nên tự mãn và không còn thực hiện các biện pháp phòng ngừa.

UNAIDS nói rằng các điều luật trừng phạt và hình sự hóa các hành vi tình dục cũng như thành kiến và phân biệt đã cản trở người ta tới để tìm hiểu về việc nhiễm HIV của họ để được điều trị. Cơ quan này cảnh báo rằng điều đó đã khiến gia tăng việc giấu bệnh và làm cho đại dịch xấu đi.

VOA có ứng dụng mới

Xem tin tức VOA trực tiếp trên điện thoại và máy tính bảng! Ứng dụng VOA có thiết kế mới và cải thiện khả năng truy cập tin tức. Các tính năng mà bạn yêu thích trước đây được tích hợp cùng các công cụ vượt tường lửa để truy cập tin tức VOA bằng 22 ngôn ngữ.

Tải ứng dụng VOA trên App StoreGoogle Play!

VOA Express

XS
SM
MD
LG