Đường dẫn truy cập

Bài học COVID-19 giúp Việt Nam xử lý thách thức khí hậu, môi trường?


Người dân đeo khẩu trang trên đường phố Hà Nội.
Người dân đeo khẩu trang trên đường phố Hà Nội.

Ngân hàng Thế giới (World Bank) mới đưa ra so sánh về đại dịch COVID-19 và đợt mưa lũ lịch sử năm ngoái ở Việt Nam, đồng thời bình luận về việc các bài học ứng phó virus Corona sẽ giúp Việt Nam xử lý các thách thức về khí hậu và môi trường.

Trong ấn phẩm có tựa đề “Từ COVID-19 đến biến đổi khí hậu: Làm thế nào để Việt Nam trở thành quốc gia tiên phong trong phục hồi xanh”, World Bank đặt câu hỏi “tại sao Việt Nam lại chưa xử lý những thách thức về khí hậu và môi trường hiệu quả như với khủng hoảng COVID-19” và cho rằng đây là các vấn đề được cho là “có khác biệt nhưng thực ra lại có nhiều điểm tương đồng”.

Theo định chế tài chính quốc tế này, cũng giống như đại dịch, các thảm họa về khí hậu và môi trường “gây ra thiệt hại rất lớn về người và của” cũng như “đều cho thấy cuộc sống con người rất mong manh”.

Bà Carolyn Turk, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, được dẫn lời nói trong một thông cáo của tổ chức này rằng “Việt Nam đang đứng trước bước ngoặt để phục hồi sau COVID-19” và rằng “quốc gia này đang có cơ hội để chọn con đường phát triển xanh hơn, thông minh hơn và bao trùm hơn, và nhờ đó trở nên vững vàng hơn trước những cú sốc trong tương lai do cả đại dịch và hay thảm họa thiên nhiên”.

Bà Turk nhận định thêm rằng “Việt Nam phải xử lý những thách thức về khí hậu và môi trường với tinh thần khẩn trương như đã làm với COVID-19 vì cái giá phải trả từ việc không hành động ngày càng tăng và khó có thể đảo ngược”.

Giám đốc Quốc gia của World Bank ở Việt Nam đưa ra ví dụ về đợt bão lụt “lịch sử” ở miền Trung năm ngoái và tình trạng ô nhiễm không khí tăng lên ở các thành phố lớn “là minh chứng rõ rệt về sự mong manh dễ tổn thương vừa được đề cập”.

Trong một bài blog đăng cuối năm ngoái, ông Jacques Morisset, kinh tế gia trưởng của World Bank ở Việt Nam, cho biết rằng tới nay, COVID-19 mới chỉ gây ra 35 ca tử vong ở Việt Nam, trong khi thiên tai chỉ trong tháng 10 và 11 “đã gây thương vong đến trên 250 người, đồng thời ảnh hưởng trực tiếp đến khoảng 1,5 triệu người”.

Chuyên gia này cũng nói tới việc các biện pháp kiểm soát đại dịch đã gây ra tổn thất kinh tế “đáng kể” trong năm 2020, “dự kiến làm giảm 4,2% tăng trưởng GDP so với quỹ đạo kinh tế trước khi có virus Corona”, trong khi “thiệt hại kinh tế do bão gây ra ước rơi vào khoảng 1,3 tỷ USD, hay khoảng 0,5% GDP”.

Theo World Bank, có hai bài học rút ra qua quản lý thành công khủng hoảng COVID-19 có thể được áp dụng để giải quyết tốt hơn các vấn đề môi trường. Tổ chức này cho rằng “cách tốt nhất để đối phó với cú sốc bên ngoài là phải chuẩn bị từ trước, đồng thời phải hành động sớm và kiên quyết” và rằng “ngoài tầm nhìn và năng lực, việc tạo điều kiện thử nghiệm cách làm mới sáng tạo cũng góp phần thay đổi hành vi của cá nhân và tập thể -- đây là nền tảng cho các chiến lược ứng phó với những nguy cơ về y tế và khí hậu”.

Ngân hàng Thế giới cho rằng “Việt Nam có thể đạt được khát vọng trở thành nền kinh tế thu nhập cao trước năm 2045 hay không không chỉ dựa vào khả năng Việt Nam vượt qua khủng hoảng COVID-19 thành công mà còn dựa vào sự hiệu quả trong quản lý các nguồn tài nguyên và rủi ro khí hậu”.

“Rốt cuộc, mục tiêu phát triển kinh tế không chỉ để làm ra thêm của cải mà còn là không phá hủy những gì đang có”, World Bank viết.

Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) cuối năm ngoái cho biết đã hoàn thành dự án “Trường Sơn Xanh” ở Việt Nam, giúp quản lý tài nguyên thiên nhiên và đa dạng sinh học, trong bối cảnh vấn đề bảo vệ rừng thời gian qua nóng lên ở Việt Nam, nhất là sau khi xảy ra các vụ lở đất và lũ quét, gây thiệt hại lớn về người và của.

Tính đến nay, USAID cho biét đã cam kết hơn 2,3 triệu đôla ngân sách cứu trợ thiên tai nhằm đáp ứng các nhu cầu nhân đạo khẩn cấp cho các cộng đồng dễ bị tổn thương bị ảnh hưởng bởi lũ lụt tại miền Trung Việt Nam, trong đó có cộng đồng người khuyết tật.

VOA Express

XS
SM
MD
LG