Đường dẫn truy cập

Không có nhiều hy vọng về cuộc bầu cử sắp tới ở Miến Điện


Nhà hoạt động Kyaw Zaw Lwin (trái) nói, 'Hy vọng tốt nhất của những người muốn có dân chủ là cộng đồng quốc tế cần phải gây sức ép mạnh mẽ và liên tục.”
Nhà hoạt động Kyaw Zaw Lwin (trái) nói, 'Hy vọng tốt nhất của những người muốn có dân chủ là cộng đồng quốc tế cần phải gây sức ép mạnh mẽ và liên tục.”

Luật bầu cử của Miến Điện, trong đó có điều khoản không cho tù chính trị ứng cử, buộc phe của bà Aung San Suu Kyi tuyên bố tẩy chay và làm nhiều nhà hoạt động chính trị bực bội.

Tại Ấn Độ, nhiều người Miến Điện lưu vong đã biểu tình trước sứ quán Miến Điện ở New Delhi. Họ phản đối luật bầu cử mới, coi như cấm bà Aung San Suu Kyi ra tranh cử.

Một người biểu tình nói với đài VOA: “Chính phủ quân sự do tướng Than Shwe lãnh đạo đang lừa dối nhân dân.”

Nhưng chính phủ Miến Điện tuyên bố sẽ tổ chức một cuộc bầu cử tự do và công bằng lần đầu tiên trong 20 thập niên.

Bà Priscilla Clapp, cựu Đại sứ Mỹ tại Miến Điện cho biết:

“Mặc dù tổ chức bầu cử là một bước đúng hướng, bản Hiến pháp năm 2008 của Miến Điện chỉ nhằm đảm bảo để phe quân sự vẫn nắm quyền kiểm soát. Nhiều tướng lãnh đã từ chức để đi vận động bầu cử.”

Ông Jared Genser, luật sư người Mỹ của bà Aung San Suu Kyi cho biết:

“Làm sao liên minh của bà Aung San Suu Kyi có thể đăng ký một cách ngay tình để tham gia bầu cử khi mà tất cả ban lãnh đạo của họ bị loại trừ. Tôi cho rằng phía chính phủ đã học được bài học của năm 1990, khi họ thực sự cho bầu cử tự do và công bằng để rồi phải thất bại nặng nề. Họ sẽ không cho phép chuyện đó tái diễn.”

Ngoài chuyện biện hộ cho bà Aung San Suu Kyi, luật sư Genser còn là Chủ tịch của Freedom Now, tổ chức ở Washington có mục đích can thiệp để trả tự do cho tù chính trị khắp thế giới.

Mới đây ông Genser đã vận động để nhà chức trách Miến Điện thả ông Kyaw Zaw Lwin, một người Mỹ gốc Miến Điện, còn có biệt danh là Nyi Nyi Aung.

Anh này là một nhà hoạt động dân chủ, bị bắt tháng 9 năm ngoái tại Rangoon trong lúc trở về Miến Điện thăm bà mẹ đau yếu. Anh cho biết:

“Chính mắt tôi nhìn thấy có người chết dần mòn vì không có nước uống hoặc không được điều trị. Về chuyện bầu cử, tôi thấy đa số nhân dân Miến Điện xem cuộc bầu cử lần này là một trò lừa bịp, làm họ nhớ lại cuộc bầu cử năm 1990, khi phe quân sự không chịu từ bỏ quyền lực mặc dù thua đậm. Hy vọng tốt nhất của những người muốn có dân chủ là cộng đồng quốc tế cần phải gây sức ép mạnh mẽ và liên tục.”

Anh Nyi Nyi Aung và các nhà hoạt động dân chủ Miến Điện khác cho rằng Hoa Kỳ không có nhiều ảnh hưởng đối với chính phủ quân sự, sau nhiều năm cấm vận kinh tế, mặc dù chính quyền của Tổng thống Obama có chính sách mới, giao tiếp với Miến Điện.

Các nhà phân tích nói rằng chính phủ quân sự vẫn đáp ứng trước những chỉ trích của quốc tế. Nhưng nếu muốn có bất kỳ một cuộc đối thoại nào để hòa giải quốc gia, cũng cần có sự hợp tác của Trung Quốc, Ấn Độ và các đồng minh của Miến Điện trong Hiệp hội ASEAN.

Mới đây, Nhật Bản và Malaysia kêu gọi Miến Điện tổ chức tổng tuyển cử một cách tự do, công bằng và có sự tham gia của nhiều thành phần.

Cựu Đại sứ Mỹ Priscilla Clapp nhận xét:

“Chính phủ quân sự cần bắt đầu từ một khởi điểm nào đó. Họ cần cho phép tranh luận đến một mức nào đó. Hiện thời, họ hoàn toàn không cho phép một chút nào cả.”

Dân chủ vẫn còn là một hy vọng đối với quốc gia đã có thời là một trong những quốc gia giàu nhất Đông Nam Á, bây giờ là một trong những nước nghèo nhất.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG