Đường dẫn truy cập

Bùng nổ tranh cãi về quyền riêng tư sau khi cặp đôi ‘làm chuyện ấy’ trong rạp


Hình ảnh cặp đôi "mây mưa" được ghi lại qua camera và tung lên mạng và hình ảnh chiếc ghế Sweetbox trong rạp chiếu phim của CGV. (Ảnh chụp màn hình trang web của Thanh Niên)
Hình ảnh cặp đôi "mây mưa" được ghi lại qua camera và tung lên mạng và hình ảnh chiếc ghế Sweetbox trong rạp chiếu phim của CGV. (Ảnh chụp màn hình trang web của Thanh Niên)

Hình ảnh một cặp đôi “mây mưa” trong một rạp chiếu phim ở thành phố Hồ Chí Minh lan truyền nhanh chóng trên mạng xã hội trong những ngày qua và trở thành tâm điểm của một cuộc tranh cãi về quyền riêng tư.

Theo truyền thông trong nước, hình ảnh cặp đôi nam nữ ‘thân mật quá đà’ ngay trong rạp chiếu phim CGV đã bị chụp lại qua màn hình camera. Sau đó một nhân viên tại cụm rạp này chụp lại màn hình camera và đăng tải lên mạng.

Cặp đôi thực hiện hành vi này trên ghế Sweetbox (ghế dành cho các cặp đôi có vách ngăn riêng tư với ghế bên) thuộc hệ thống rạp CVG, một trong những cụm rạp chiếu phim mang tiêu chuẩn quốc tế đầu tiên ở Việt Nam.

Sự việc này khiến cư dân mạng tranh cãi về vấn đề bảo mật thông tin khách hàng cũng như khía cạnh pháp lý được đặt ra.

“Rạp cho đặt camera và ghi hình là vi phạm quyền riêng tư của khách hàng, tung lên mạng là một tội nghiêm trọng,” một người dùng Facebook có tên Van Son viết trong phần bình luận cho bài viết của báo Pháp Luật có tiêu đề “Cặp đôi thân mật thái quá trong rạp phim bị tung lên mạng.”

Trong khi đó một Facebooker khác có tên Trần Phi Yến lại cho rằng “rõ ràng cặp đôi này tự (họ) không tôn trọng chính họ và chính những người trong rạp… Thế nên đừng có ai phán xét là CGV không tôn trọng quyền riêng tư.”

Mặc dù vậy, đã có người đã kêu gọi tẩy chay CGV vì họ cho rằng rạp này “vi phạm quyền riêng tư của khách hàng rất nghiêm trọng.”

“(Cặp đôi này) làm vậy là không đúng nhưng CGV làm ăn mà quay film rồi tung clip kiểu đó thì tẩy chay đi,” Facebooker Duy Linh viết trong phần bình luận.

Quản lý trang thông tin điện ảnh Moveek Le Hoàng Minh Huy nói với Sài Gòn Giải Phóng rằng “nếu là tôi, tôi sẽ khởi kiện vì có hành vi sử dụng hình ảnh cá nhân trái phép, gây ảnh hưởng đến tâm lý, danh dự.”

Bộ luật Dân sự 2015 của Việt Nam bổ xung 15 quy định về những quyền nhân thân có hiệu lực từ 1/1/2017, trong đó xác lập các quyền về bí mật cá nhân, quyền bảo vệ danh dự, nhân phẩm và uy tín, và quyền của cá nhân đối với các hình ảnh.

Bộ luật này quy định “việc sử dụng hình ảnh của các nhân phải được người đó đồng ý.” Theo điều 32, người có hình ảnh “có quyền yêu cầu tòa án ra quyết định buộc người vi phạm, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan phải thu hồi, tiêu hủy, chấm dứt việc sử dụng hình ảnh, bồi thường thiệt hại.”

Đại diện CGV đã lên tiếng phản hồi khi cho biết đây là hình ảnh được chụp từ camera trong rạp trước đó và bị phát tán ra ngoài do sự thiếu ý thức của một nhân viên.

“Sau sự cố trên, chúng tôi đã kiểm điểm nghiêm khắc nhân viên liên quan đến vụ việc bằng việc đình chỉ công việc tạm thời, song song với việc mở cuộc họp để có quyết định cụ thể đối với hành vi của nhân viên này,” đại diện CGV được truyền thông trong nước trích lời nói hôm 31/7.

VOA Express

XS
SM
MD
LG