Đường dẫn truy cập

Ông Robert Dudley sẽ là tân Tổng giám đốc BP


Hãng dầu quốc tế khổng lồ BP đã loan báo mức thiệt hại kỷ lục trong quí vừa qua và hôm thứ Ba xác nhận công ty sẽ thay thế Tổng giám đốc chấp hành, ông Tony Hayward. Mức thiệt hại này bắt nguồn từ vụ giếng dầu mà công ty khai thác trong vịnh Mexico bị vỡ gây tai nạn dầu phun kéo dài.

Trong quí vừa qua, mức thiệt hại của công ty BP lên tới khoảng 17 tỉ đô la, vì phải để ra hơn 32 tỉ đô la chi cho những phí tổn liên hệ tới vụ dầu tràn trong vịnh Mexico, vùng duyên hải của Hoa Kỳ, trong đó có một quỹ gồm 20 tỉ đô là được thành lập để bồi thường cho những cư dân vùng vịnh Mexico bị ảnh hưởng tai hại trực tiếp của vụ dầu loang.

Ủy Ban chấp hành của BP cũng xác nhận những gì đã được dư luận tiên đoán rộng rãi trong những ngày gần đây, đó là việc ông Tổng giám đốc chấp hành Tony Hayward rời khỏi chức vụ này.

Một giới chức chấp hành khác trong công ty, ông Robert Dudley, sẽ thay thế ông Hayward.

Chủ tịch công ty BP, ông Carl-Henric Svanberg nói rằng quyết định này là đến từ sự thỏa thuận chung. Ông nói:

"Về giếng dầu Macondo và tất cả những gì đã xảy ra, điều rõ ràng là trong trừơng hợp này người ta cần một khuôn mặt mới và một nhân vật mới để lãnh đạo. Dĩ nhiên, nhất là tại Hoa Kỳ, thị trường lớn nhất của công ty, điều đó cũng thật cần thiết."

Cũng theo tin của BP thì ông Hayward sẽ ở lại trong ban chấp hành cho đến ngày 30 tháng 11, và rằng công ty dự tính cử ông làm giám đốc nhưng không giữ vai trò điều hành tại công ty hợp doanh với Nga có tên là TNK-BP.

Ông Tony Hayward đã trở thành một nhân vật của BP bị dư luận chỉ trích dữ dội trong vụ tràn dầu trong vịnh Mexico.

Ông đã phát biểu một số lời lẽ hớ hênh, rõ ràng gây tai hại cho ông về phương diện giao tế công cộng, lấy ví dụ như ông “muốn lấy lại cuộc sống riêng tư bình thường”, sau khi 11 người đã thiệt mạng vì dàn khoan bị nổ vào tháng Tư và dầu tiếp tục tràn vào vịnh Mexico.

Có nhiều yếu tố đã gây nên thảm họa này. Nhưng theo chuyên gia về chính sách kinh tế và môi trường Robert Faulkner thuộc trường Kinh Tế London, dư luận đã quay sang qui chiếu vào ông Hayward.

Theo chuyên gia này, việc từ giã chức vụ của ông Hayward là điều không thể tránh khỏi. Ông nói:

"Có thể không hoàn toàn chứng minh được ông là người đã gây ra mọi lầm lỗi, nhưng trong con mắt quần chúng, và theo quan điểm của Quốc hội và Tổng thống Mỹ, ông chính là người phải chịu trách nhiệm trong vụ này. Và đó là chuyện rất thường xảy ra trong những vụ khủng hoảng lớn, người đứng dầu phải nhận lãnh trách nhiệm và phải ra đi."

Ông Hayward sẽ ra đi vào ngày 1 tháng Mười với một số tiền nghỉ việc kếch xù trả cho ông cùng tiền hưu cho những năm ông làm việc với công ty, tổng cộng lên tới hơn 17 triệu đô la.

Vụ tràn dầu cũng khiến cho cán cân chi thu của BP bị nghiêng lệch rất nặng. Công ty đã loan báo sẽ bán 30 tỉ đô la tài sản trong vòng 18 tháng tới.

Chuyên gia Faulkner nói đây là một thiệt hại nặng cho BP:

” BP sẽ trở thành một công ty nhỏ hơn vì vụ này, và nó sẽ mất một số vốn lớn mà công ty cần để đầu tư dành cho việc thăm dò dầu khí trong tương lai. Vì thế mức tăng trưởng được coi là hiện tượng của BP trong những năm gần đây đã bị ngưng lại, và có lẽ còn giảm tăng trưởng đôi chút nữa. Nhưng điều quan trọng là cho tới giờ công ty vẫn sống sót, nó đã tránh được việc bị mua lại, tránh được vỡ nợ, tính cho đến nay."

Nhiệm vụ tạo dựng lại công ty, lấy lại tiếng tăm cho công ty và đưa công ty tiến vào tương lai sẽ là những gánh nặng sẽ đặt lên vai của ông Robert Dudley, một người Mỹ, tân Tổng giám đốc chấp hành.

Phần lớn quãng đời niên thiếu ông là ở trong Misissippi của miền nam, là nơi đã bị nhiều ảnh hưởng tai hại của vụ tràn dầu. Ông đã làm việc nhiều năm cho công ty Amoco trước khi công ty này sáp nhập với BP.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG