Đường dẫn truy cập

Dân đếm xe qua BOT: Hoạt động dân sự cần được khích lệ


Người dân tự tổ chức đếm xe đi qua trạm thu phí BOT Ninh Lộc, Khánh Hòa.
Người dân tự tổ chức đếm xe đi qua trạm thu phí BOT Ninh Lộc, Khánh Hòa.

Sau khi nhóm người dân tự tổ chức đếm xe tại trạm BOT Ninh Lộc, Khánh Hòa, cho biết những dữ liệu mà họ thu thập được trong nhiều ngày qua đã bị đánh cắp hôm 5/3, một nhà vận động xã hội dân sự Việt Nam nhận định với VOA rằng công việc mà người dân đang làm thay cho nhà nước lẽ ra phải là một hoạt động dân sự cần được khích lệ, nhưng trong hoàn cảnh hiện tại của Việt Nam, nó sẽ không tránh khỏi những “rủi ro” mà tất cả các hoạt động dân sự khác đều gặp phải: bị đe dọa, đàn áp, quấy nhiễu.

Trong một video đăng trên YouTube, nhóm người dân tự đứng ra đếm xe qua trạm BOT Ninh Lộc cho biết những dữ liệu họ thu thập được trong gần một tuần qua đã bị mất vào ngày làm việc cuối cùng, 5/3, khiến họ nghi ngờ “có sự mập mờ”, mặc dù không thể quy kết trách nhiệm cho một người nào.

Nhóm 10 người dân này đã tự dựng lán trại, chia thành 3 ca, thay phiên nhau trực bên cạnh trạm thu phí BOT Ninh Lộc để đếm xe qua lại trạm bằng phương pháp thủ công, nhằm thống kê lưu lượng xe qua lại và khoản tiền thu vào của trạm để gửi báo cáo lên Bộ GTVT đối chiếu với kết quả báo cáo của trạm BOT.

Một đại diện của nhóm cho biết hầu hết số liệu thu thập được của họ trong những ngày trước đã bị mất, chỉ còn lại ngày 28/2 và một ca cuối cùng của ngày 5/3. Trước tình thế này, họ buộc phải tổ chức đếm lại thêm một tuần nữa để có đủ số liệu gửi cho cơ quan chức năng, theo báo Lao Động.

Hoạt động tự phát này của người dân đang thu hút khá nhiều sự chú ý và ủng hộ của dư luận.

Cũng như những hoạt động “chống BOT bẩn” trước đây, sáng kiến mới của người dân đã khiến cho các cơ quan hữu quan “lúng túng” trong việc phản ứng, đối phó ban đầu.

Mặc dù chưa tiến hành xử lý, nhưng thông qua báo chí, Tổng cục Đường bộ Việt Nam nói sẽ mời công an “vào cuộc” nếu nhóm người đếm xe có hành vi gây rối.

“Người ta gán ghép vào một tội danh nào đó để khởi tố, nhằm chặn đứng hiện tượng tự phát của những người đấu tranh chống BOT bẩn”, Luật sư Phạm Công Út nhận xét với VOA.

Theo ông, người dân có quyền giám sát các hoạt động công cộng của nhà nước và doanh nghiệp, theo quy định của luật pháp.

“Tôi cho rằng việc họ làm là mang tính giám sát. Những gì luật pháp không cấm thì họ có quyền được làm. Việc làm của họ mang tính tự phát, không nhằm mục đích vụ lợi, họ không cản trở bất kỳ hoạt động nào của trạm BOT và không có hành vi gây rối đối với trật tự an toàn công cộng”, LS. Phạm Công Út nói.

Trong khi đó, Tiến sĩ Nguyễn Quang A, người vận động cho xã hội dân sự tại Việt Nam, cho rằng đây là một sáng kiến cần được khích lệ. Ông nói:

“Đó là một sáng kiến rất đáng khích lệ và rất quan trọng, vì nó đụng đến quyền lợi của hàng triệu người sử dụng con đường. BOT ‘bẩn’ thực chất là một sự cướp bóc trắng trợn”.

Theo TS. Nguyễn Quang A, hoạt động tự phát trên cho thấy người dân đã biết cách sử dụng quyền hợp pháp của mình để lên tiếng một cách xây dựng với các cơ quan chức năng.

“Lẽ ra đó là việc của cơ quan nhà nước phải đứng ra làm để giám sát. Sáng kiến của người dân là vì nhà nước không làm được nên chúng tôi mới phải làm. Tôi nghĩ đó là một việc rất quan trọng. Nó có thể giúp giáo dục người dân hiểu quyền của mình là gì và phải lên tiếng để chống lại bọn ăn cướp”, TS. Nguyễn Quang A nói.

Phong trào “chống BOT bẩn” bắt đầu vài năm gần đây với sáng kiến dùng tiền lẻ để trả phí qua trạm, gây ra ách tắc giao thông nghiêm trọng trong khu vực.

Trong khi các cơ quan chức năng lúng túng trong cách xử lý, với nhiều quyết định “đóng”, “mở” thất thường đối với các trạm thu phí bị phản đối, người dân lại tiếp tục phát hiện ra nhiều kiểu gian lận khác nhau trong việc thu phí BOT như dùng lại vé để bán cho nhiều người, kê khống giá đầu tư hoặc báo cáo doanh thu thấp hơn thực tế nhằm kéo dài thời gian thu phí…

Tổ chức “đếm xe” là sáng kiến mới nhất của phong trào này, bắt đầu từ ngày 26/2 – 4/3/2019.

Trên thực tế, những người đi tiên phong trong phong trào chống BOT bẩn đã gặp không ít rủi ro, nguy hiểm, trong đó có việc xe của họ bị phá hỏng, bản thân họ bị công an giam giữ, hoặc bị đe dọa “lấy mạng”.

TS. Nguyễn Quang A cho rằng đây là những “rủi ro” mà bất kỳ hoạt động dân sự nào ở Việt Nam đều phải đối mặt. Ông nói:

“Không có hoạt động dân sự nào mà không bị quấy nhiễu hoặc đàn áp. Những anh em trẻ, những tài xế dũng cảm chống BOT bẩn cũng phải chịu những rủi ro như thế. Nhưng tôi nghĩ nếu chúng ta kêu gọi tiếng nói của rất nhiều người dân ủng hộ, thì quấy nhiễu của chính quyền hoặc doanh nghiệp ăn cánh với chính quyền để cướp bóc của dân sẽ bớt đi”.

Trong một diễn tiến khác, hôm 5/3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ra lệnh cho Bộ Giao thông Vận tải và các địa phương phải “kiểm soát chặt chẽ” hoạt động thu phí tại các trạm BOT đường bộ trên cả nước và làm rõ những thông tin người dân phản ánh về tình trạng thiếu minh bạch, gian lận tại các trạm thu phí này.

VOA Express

XS
SM
MD
LG