Đường dẫn truy cập

Bộ trưởng Tư pháp Mỹ bác tin thông đồng với Nga


Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Jeff Sessions điều trần tại Ủy ban Ngoại giao Hạ viện về vai trò của ông trong việc xa thải giám đốc FBI James Comey, và những mối liên hệ của ông với Nga trong chiến dịch bầu cử Tổng thống.
Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Jeff Sessions điều trần tại Ủy ban Ngoại giao Hạ viện về vai trò của ông trong việc xa thải giám đốc FBI James Comey, và những mối liên hệ của ông với Nga trong chiến dịch bầu cử Tổng thống.

Bộ trưởng Tư pháp Mỹ, Jeff Sessions, ngày 13/6 lên án ý kiến cho rằng ông thông đồng với Nga để can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống 2016 là “một sự bịa đặt khủng khiếp và đáng kinh tởm.” Tuy nhiên, ông Sessions lại từ chối trả lời một loạt các câu hỏi trong buổi điều trần quan trọng tại Thượng viện.

Thành viên trong nội các Cộng hòa của Tổng thống Donald Trump kiêm cố vấn trong chiến dịch tranh cử của ông Trump, ông Sessions bị các Thượng nghị sĩ bên đảng Dân chủ chỉ trích vì từ chối trả lời những chất vấn của họ liên quan đến các cuộc trao đổi giữa ông Sessions với Tổng thống Trump.

Thượng nghị sĩ Dân chủ Martin Heinrich cáo buộc ông Sessions vi phạm lời thề nói lên sự thật đầy đủ. Ông Heinrich nói với ông Sessions: “Ông đang làm cản trở cuộc điều tra này.”

Ông Sessions đã tránh né những câu hỏi về việc ông có hay không có thảo luận với ông Trump về cách cựu Giám đốc FBI James Comey xử lý cuộc điều tra liên quan đến Nga, trước khi ông Trump sa thải ông Comey ngày 9/5. Tương tự như vậy, Bộ trưởng Tư pháp đã không trả lời liệu ông Trump có bày tỏ quan ngại với ông về quyết định hồi tháng 3 của Bộ trưởng Sessions tự loại mình ra khỏi cuộc điều tra về sự can dự của Nga vào bầu cử Mỹ.

Thượng nghị sĩ Angus King, một thành viên độc lập không thuộc đảng nào, hỏi ông Sessions rằng ông dựa trên cơ sở pháp lý nào để từ chối trả lời các câu hỏi. Ông Sessions đáp Tổng thống Trump đã không dùng tới đặc quyền hành pháp liên quan tới các cuộc trao đổi đó.

Đặc quyền hành pháp cho phép Tổng thống hoặc các quan chức cấp cao của ngành hành pháp cất giữ thông tin không cho Quốc hội và các tòa án liên bang xem với lý do bảo vệ quá trình ra quyết định của bên hành pháp.

Các cơ quan tình báo Hoa Kỳ kết luận trong một bản báo cáo hồi tháng 1 rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ra lệnh can thiệp vào cuộc bầu cử nhằm giúp ông Trump bằng cách xâm nhập hệ thống máy tính và tung ra các emails làm tổn hại đến ứng cử viên Tổng thống bên đảng Dân chủ lúc đó là Hillary Clinton.

Buổi điều trần của ông Sessions đánh dấu chương mới nhất trong vụ tai tiếng bao trùm 5 tháng đầu tiên làm Tổng thống của ông Trump và làm lu mờ những chương trình nghị sự chính sách trong nước của Tổng thống bao gồm bảo hiểm y tế và các sáng kiến cắt giảm thuế.

Ông Sessions là thành viên cấp cao nhất của chính quyền Trump bị ‘để ý’ trong vụ tranh cãi về việc liệu các trợ lý của Tổng thống có thông đồng với Nga để giúp ông Trump thắng cử hay không.

VOA Express

XS
SM
MD
LG