Đường dẫn truy cập

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ ủng hộ nỗ lực hiện đại hóa quân sự của Indonesia


Hai bộ trưởng quốc phòng của Mỹ và Indonesia họp ở Lầu Năm Góc, 24/8/2023.
Hai bộ trưởng quốc phòng của Mỹ và Indonesia họp ở Lầu Năm Góc, 24/8/2023.
Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hiện đại hóa quân đội Indonesia trong cuộc gặp với bộ trưởng quốc phòng nước này, giữa lúc Washington tăng cường các mối quan hệ ở Đông Nam Á trong bối cảnh có cạnh tranh địa chính trị gay gắt với Trung Quốc.

Hôm thứ Năm 24/8, tại Lầu Năm Góc, ông Austin tiếp đón Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia Prabowo Subianto, một cựu chỉ huy lực lượng đặc nhiệm và một chính trị gia kỳ cựu, nhiều khả năng sẽ ra tranh cử trong cuộc bầu cử tổng thống vào năm tới.

Cuộc gặp giữa hai ông diễn ra trong bối cảnh Indonesia, một quần đảo với 270 triệu dân, đang tìm cách nâng cấp quân đội và thay thế các vũ khí, khí tài cũ kỹ, dành 134,3 nghìn tỷ rupiah (8,89 tỷ USD) trong năm nay cho quốc phòng, khoản phân bổ lớn nhất trong ngân sách nhà nước, và số tiền cho năm sau cũng ở mức tương tự.

Theo dữ liệu của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI), trong thập kỷ qua, chi tiêu quốc phòng bình quân đầu người và tính theo phần trăm tổng sản phẩm quốc nội của Indonesia là thấp nhất trong số 6 nền kinh tế thị trường mới nổi ở Đông Nam Á.

Trong một tuyên bố, Lầu Năm Góc cho biết bộ trưởng quốc phòng hai nước đã có chung ý định nhằm tăng cường khả năng quốc phòng “như nâng cấp máy bay chiến đấu, máy bay chiến đấu đa chức năng mới và bổ sung máy bay vận tải cánh cố định và trực thăng”.

Indonesia đang tìm cách nâng cấp các máy bay chiến đấu của mình, hiện bao gồm các mẫu F-16 do Mỹ sản xuất và các mẫu Sukhoi Su-27 và Su-30 của Nga.

Hôm 21/8, họ đã công bố thỏa thuận mua 24 máy bay trực thăng vận tải từ nhà sản xuất vũ khí Hoa Kỳ Lockheed Martin nhưng không tiết lộ về giá. Trong tháng này, họ cho biết đã mua 12 máy bay không người lái mới từ Công ty hàng không vũ trụ Thổ Nhĩ Kỳ trị giá 300 triệu đô la.

Theo tuyên bố của Lầu Năm Góc, hai ông Austin và Prabowo cũng cho rằng các yêu sách chủ quyền trên diện rộng của Trung Quốc ở Biển Đông là “không phù hợp với luật pháp quốc tế”.

Trung Quốc tuyên bố họ có chủ quyền dựa vào lịch sử đối với hầu hết Biển Đông thông qua “đường 9 đoạn” hình chữ U trên bản đồ của nước này cắt vào vùng đặc quyền kinh tế của 5 quốc gia khác, bao gồm cả Indonesia.

Bộ Quốc phòng Indonesia cho biết hai nước Indonesia và Mỹ cam kết duy trì hòa bình, an ninh và ổn định trong khu vực cũng như duy trì “một trật tự rộng mở, toàn diện và dựa trên luật lệ”.

Diễn đàn

VOA Express

XS
SM
MD
LG