Đường dẫn truy cập

Bộ Tài chính Mỹ phát hiện Việt Nam chủ tâm phá giá tiền đồng


Một điều tra mới nhất của Bộ Tài chính Mỹ cho cuộc điều tra chống trợ cấp giá của Bộ Thương mại Mỹ đối với lốp xe hạng nhẹ nhập khẩu từ Việt Nam, cho rằng Việt Nam chủ tâm định giá thấp tiền đồng so với đồng đô la Mỹ trong năm ngoái.
Một điều tra mới nhất của Bộ Tài chính Mỹ cho cuộc điều tra chống trợ cấp giá của Bộ Thương mại Mỹ đối với lốp xe hạng nhẹ nhập khẩu từ Việt Nam, cho rằng Việt Nam chủ tâm định giá thấp tiền đồng so với đồng đô la Mỹ trong năm ngoái.

Một điều tra của Bộ Tài chính Mỹ phát hiện ra rằng Việt Nam chủ tâm định giá tiền đồng thấp hơn đồng đô la Mỹ khoảng 4,7% trong năm 2019, một phần bằng sự can thiệp của chính phủ, theo một đánh giá mới được gửi đến Bộ Thương mại Mỹ.

Đánh giá được thực hiện cho cuộc điều tra chống trợ cấp giá của Bộ Thương mại Mỹ đối với lốp xe hạng nhẹ nhập khẩu từ Việt Nam mà Bộ Tài chính Mỹ công bố trên trang web chính thức hôm 24/8 cho biết “Chính phủ Việt Nam có hành động thao túng tỉ giá hối đoái” để định giá đồng tiền thấp hơn giá thực.

Một quy định mới của chính quyền Tổng thống Trump hồi đầu năm nay cho phép Bộ Thương mại Mỹ xem việc định giá thấp tiền tệ là một yếu tố trong việc quyết định các loại thuế chống trợ giá đối với một đối tác thương mại.

Tôi không nghĩ là Việt Nam chủ động giảm giá đồng tiền Việt Nam so với đồng đô la (Mỹ). Bởi vì Việt Nam trong thời gian vừa qua bị ảnh hưởng bệnh dịch tả châu Phi nên giá thịt heo tăng lên và giá nhiều mặt hàng cũng tăng mà Việt Nam không có khả năng cân đối và do đó đồng tiền Việt Nam mất giá.
Lê Đăng Doanh, Tiến sỹ kinh tế


Đánh giá của Bộ Tài chính gửi cho Bộ Thương mại Mỹ, được Bloomberg và Reuters trích dẫn, cho biết thông qua Ngân hàng Nhà nước, Việt Nam đã mua ròng khoảng 22 tỷ USD ngoại hối vào năm ngoái, đẩy tỉ giá hối đoái thực của tiền đồng Việt Nam giảm từ 3,5% đến 4,8%.

Theo Bộ Tài chính Mỹ, việc thao túng tiền tệ này dẫn đến tỷ giá hối đoái danh nghĩa là 23.224 đồng ăn một đô la Mỹ vào năm 2019, thấp hơn khoảng 1.090 đồng so với tỷ giá hối đoái thực. Đồng Việt Nam được giao dịch ở mức 23.174 đổi một đô la Mỹ trên thị trường liên ngân hàng hôm 26/8.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Bộ Công thương Việt Nam chưa lên tiếng trước đánh giá này của Bộ Tài chính Mỹ nhưng Tiến sỹ kinh tế Lê Đăng Doanh cho VOA biết ông rất “lo ngại” về thông tin này và cho rằng Việt Nam nên hợp tác với phía Mỹ để trình bày một cách rõ ràng.

“Tôi không nghĩ là Việt Nam chủ động giảm giá đồng tiền Việt Nam so với đồng đô la (Mỹ),” nguyên viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Trung ương nhận định. “Bởi vì Việt Nam trong thời gian vừa qua bị ảnh hưởng bệnh dịch tả châu Phi nên giá thịt heo tăng lên và giá nhiều mặt hàng cũng tăng mà Việt Nam không có khả năng cân đối và do đó đồng tiền Việt Nam mất giá. Tôi không thấy có chủ đích phá giá đồng tiền Việt Nam để có lợi.”

Động thái của Bộ Tài chính Mỹ được xem là một dấu hiệu cho thấy Mỹ có thể viện dẫn Việt Nam vi phạm lần thứ hai trong báo cáo bán niên về chính sách ngoại hối của các đối tác thương mại lớn. Trong lần công bố báo cáo hồi tháng 1, Việt Nam bị đánh giá là đã vi phạm một trong ba tiêu chí mà Bộ Tài chính Mỹ dùng để đánh giá một quốc gia thao túng tiền tệ – cụ thể là quốc gia Đông Nam Á này vượt ngưỡng báo động về thặng dư hàng hoá song phương hay nói các khác Việt Nam hưởng xuất siêu 47 tỷ USD sang Mỹ, mức cao thứ 6 trong số các đối tác thương mại chính của Hoa Kỳ.

Với việc vi phạm một tiêu chí, Việt Nam nằm trong số 10 quốc gia cần giám sát về hành động thao túng tiền tệ. Các nền kinh tế vi phạm ít nhất 2 tiêu chí sẽ bị đưa vào danh sách bị giám sát của Mỹ.

Bộ Công thương Việt Nam hồi tháng 6 nói rằng họ sẽ hợp tác với các nhà điều tra của Mỹ về vấn đề này và sẽ “cung cấp tất cả những thông tin cần thiết về việc trợ giá và định giá thấp tiền tệ cho phía Mỹ” để họ có được “cơ sở và dữ liệu đầy đủ trước khi đưa ra kết luận.”

Hồi cuối tháng 6, Bộ Thương mại Mỹ thông báo mở cuộc điều tra chống bán phá giá với lốp xe nhập từ Việt Nam và 3 quốc gia khác của châu Á, và xem liệu các nhà sản xuất ở Việt Nam có đang nhận trợ cấp không công bằng hay không. Cuộc điều tra được Bộ Thương mại Mỹ khởi xướng trên cơ sở kiến nghị của Hiệp hội công nhân ngành thép Mỹ, đại diện cho công nhân đang làm việc tại các nhà máy sản xuất lốp xe trên toàn Hoa Kỳ.

Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross hôm 24/8 cho biết rằng bộ của ông “coi trọng những lo ngại về các hành vi ngoại thương không công bằng.” Trong loạt đăng tải trên Twitter dường như liên qua tới đánh giá của Bộ Tài chính Mỹ vừa đưa ra, người đứng đầu Bộ Thương mại Mỹ nói “chúng tôi sử dụng mọi công cụ sẵn có để chống lại chúng bất cứ khi nào và bất cứ nơi nào chúng tồn tại.”

“Hoa Kỳ là một thị trường xuất khẩu rất quan trọng đối với Việt Nam cho nên việc đánh thuế vào các mặt hàng Việt Nam sẽ gây ra bất lợi rất lớn,” TS Doanh, cựu thành viên nhóm cố vấn cho thủ tướng chính phủ, nhận định về khả năng Mỹ sẽ đánh thuế thêm lên các hàng hoá nhập từ Việt Nam vì việc này. “Đây sẽ là một tác động tiêu cực đối với kinh tế Việt Nam vì rất có thể xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ sẽ giảm và như vậy các ngành hàng xuất khẩu sang Mỹ sẽ mất công ăn việc làm. Cùng với tác động của COVID-19, nó sẽ rất tiêu cực với kinh tế Việt Nam.”

Kinh tế Việt Nam hiện đang có mức tăng trưởng thấp nhất trong vòng 35 năm qua, theo đánh giá của World Bank, và hiện có khoảng 30 triệu người dân Việt Nam thất nghiệp vì ảnh hưởng của địch COVID-19.

Kể từ khi bắt đầu Chính quyền Trump, Bộ Thương mại Mỹ đã khởi xướng 286 cuộc điều tra mới về chống bán phá giá và chống trợ cấp – tăng 267% so với giai đoạn tương tự ở chính quyền trước đó, theo Bộ trưởng Ross.

Theo nhận định của Bộ Công thương Việt Nam, việc Bộ Thương mại Mỹ tự khởi xướng điều tra chống phá giá và chống trợ cấp sau 26 năm “thể hiện chính quyền mới của Hoa Kỳ đang quyết liệt đấu tranh chống lại các hành vi thương mại không công bằng, bảo vệ ngành sản xuất trong nước.”

VOA Express

XS
SM
MD
LG