Đường dẫn truy cập

Biểu diễn nghệ thuật TQ trùng dịp tưởng niệm Hoàng Sa gây phẫn nộ


Hình ảnh được cho là vé buổi biểu diễn của một đoàn TQ ở HN trùng dịp tưởng niệm hải chiến Hoàng Sa, 19/1/2018
Hình ảnh được cho là vé buổi biểu diễn của một đoàn TQ ở HN trùng dịp tưởng niệm hải chiến Hoàng Sa, 19/1/2018

Nhiều người Việt Nam chia sẻ trên mạng xã hội thông tin cho hay một chương trình biểu diễn nghệ thuật của Trung Quốc sẽ được tổ chức trùng vào dịp tưởng niệm cuộc hải chiến Hoàng Sa, và họ bày tỏ phẫn nộ về sự trùng hợp này.

Trong ngày 18/1, các nhà hoạt động vì dân chủ và những người có nhiều ảnh hưởng trên internet đã đăng trên Facebook tấm ảnh chụp vé của buổi biểu diễn gây nhiều tranh cãi.

Thông tin trên vé cho biết Bộ Văn hóa-Thể thao-Du lịch Việt Nam cùng Đại sứ quán Trung Quốc sẽ tổ chức chương trình biểu diễn của “đoàn nghệ thuật Nội Mông, Trung Quốc”, nhân dịp “kỷ niệm 68 năm” ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt-Trung, 18/1/1950.

Trong đúng cái ngày chúng ta mất Hoàng Sa vào tay Trung Quốc và 74 chiến sĩ ngã xuống, họ kết hợp với Trung Quốc làm cái buổi giao lưu văn nghệ đấy khiến tất cả mọi người cảm thấy căm phẫn. Không ai có thể chấp nhận được.
Nhà hoạt động Nguyễn Thúy Hạnh

Theo tấm vé, chương trình sẽ diễn ra vào tối 19/1 ở Nhà hát lớn ở trung tâm Hà Nội.

VOA đã gọi điện đến ông Nguyễn Thái Bình, Chánh văn phòng Bộ VH-TT-DL, vào chiều tối 18/1, đề nghị ông xác nhận thông tin về chương trình đó. Ông Bình trả lời:

“Tôi đang họp. Khoảng độ một lát nữa gọi lại cho tôi nhé”

Không lâu trước khi bài này được đăng, VOA đã cố liên lạc lại với ông Bình nhưng ông cho biết “vẫn đang họp”.

Một công dân ở Hà Nội chia sẻ với VOA rằng vào giữa buổi chiều 18/1 người này đã nhắn tin đến số điện thoại được cho là của Bộ trưởng VH-TT-DL Nguyễn Ngọc Thiện, để chất vấn về buổi biểu diễn. Tin nhắn đáp lại viết: “Việc này do Liên hiệp các tổ chức hữu nghị chủ trì. Tôi sẽ cho kiểm tra lại việc này”.

Các bài viết trên mạng xã hội phản ứng về buổi biểu diễn của Trung Quốc nhắc nhở rằng ngày 19/1/1974 đánh dấu một nỗi đau với việc quần đảo Hoàng Sa, thời đó do Việt Nam Cộng Hòa kiểm soát, bị Trung Quốc cưỡng chiếm sau một trận hải chiến làm 74 quân nhân VNCH tử trận.

Nhà hoạt động Nguyễn Thúy Hạnh nói với VOA:

“Trong đúng cái ngày chúng ta mất Hoàng Sa vào tay Trung Quốc và 74 chiến sĩ ngã xuống, họ kết hợp với Trung Quốc làm cái buổi giao lưu văn nghệ đấy khiến tất cả mọi người cảm thấy căm phẫn. Không ai có thể chấp nhận được”.

Bà Hạnh nói thêm nếu buổi biểu diễn vẫn diễn ra tối 19/1, bà và những người khác sẽ tiến hành “phản đối ôn hòa”.

Bộ Văn hóa phải dũng cảm, phải quyết đoán để mà sửa cái sai này. Cái hướng giải quyết tốt nhất là hoãn lại, chuyển sang một ngày khác. Bởi vì kỷ niệm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước là ngày 18 cơ mà.
Doanh nhân Trần Quốc Quân

Từ Ba Lan, doanh nhân Trần Quốc Quân, người thường có những bình luận sâu sắc về chính trị, xã hội Việt Nam, nói với VOA rằng buổi biểu diễn là “sự xúc phạm đến lòng tự trọng dân tộc”.

Tuy nhiên, ông Quân cho rằng có thể các quan chức hàng đầu của Bộ VH-TT-DL Việt Nam không nắm hết thông tin về buổi biểu diễn, trong khi các cấp thấp hơn “vô tình, kém hiểu biết” nên đã bị Đại sứ quán Trung Quốc “gài”.

Doanh nhân có nhiều ảnh hưởng trên mạng xã hội nói thêm rằng nhà chức trách Việt Nam vẫn có thể “sửa sai” vì chưa quá muộn:

“Bộ Văn hóa phải dũng cảm, phải quyết đoán để mà sửa cái sai này. Cái hướng giải quyết tốt nhất là hoãn lại, chuyển sang một ngày khác. Bởi vì kỷ niệm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước là ngày 18 cơ mà”.

Nhà hoạt động Nguyễn Thúy Hạnh không chỉ cho rằng cần dừng buổi biểu diễn mà Bộ VH-TT-DL còn phải “xin lỗi” người dân.

Trong lúc dư luận bày tỏ bất bình về lịch thực hiện buổi biểu diễn gây tranh cãi, bà Hạnh và 8 nhà hoạt động khác đã “bất ngờ” làm lễ tưởng niệm cuộc hải chiến Hoàng Sa ở Hà Nội vào chiều 18/1.

Bà cho biết phải làm như vậy vì dự đoán nhà chức trách sẽ ngăn chặn, như đã cấm đoán hoạt động vào ngày 14/3 năm ngoái để tưởng niệm sự kiện Việt Nam mất 2 đảo ở Trường Sa vào tay Trung Quốc năm 1988, với 64 quân nhân Việt Nam tử trận. Bà nói:

“Tôi nghĩ 19/1 năm nay họ cũng sẽ ngăn cấm triệt để chúng tôi đi thắp nhang tưởng niệm. Bởi lo lắng như vậy nên chúng tôi quyết định làm sớm. Chín người chúng tôi đã có mặt ở tượng đài Lý Thái Tổ như mọi năm, chỉ sớm ngày lên thôi, để chúng tôi thắp nén nhang, dâng hoa, tưởng niệm những người đã ngã xuống vì chủ quyền. Bởi vì họ [chính quyền] bất ngờ, nên chúng tôi đã làm thành công việc tưởng niệm đấy”.

Nhà hoạt động khẳng định bà và nhiều người khác vẫn có kế hoạch ra tượng đài Lý Thái Tổ bên hồ Hoàn Kiếm để tưởng niệm và dâng hương vào đúng ngày 19/1, dù có thể bị chặn từ ở nhà hoặc bị nhà chức trách “bắt” tại tượng đài.

VOA Express

XS
SM
MD
LG