Đường dẫn truy cập

TT Biden ra lệnh hạn chế đầu tư công nghệ ở Trung Quốc; giới đầu tư tạm dừng, nghe ngóng


Tổng thống Mỹ Joe Biden ở Arizona, 8/8/2023.
Tổng thống Mỹ Joe Biden ở Arizona, 8/8/2023.
Tổng thống Joe Biden mới đây có động thái cấm một số loại hình đầu tư công nghệ của Hoa Kỳ vào Trung Quốc. Điều này được dự báo sẽ khiến các nhà đầu tư tạm dừng, nghe ngóng, họ lo ngại rằng sẽ còn có các biện pháp cứng rắn hơn nữa trong khi căng thẳng vẫn âm ỉ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Các nhà đầu tư bằng vốn cổ phần tư nhân và vốn mạo hiểm của Hoa Kỳ đã dừng đổ tiền vào các công nghệ nhạy cảm ở Trung Quốc từ thời của chính quyền Donald Trump, người tiền nhiệm của ông Biden, là khi mà quan hệ Mỹ-Trung xấu đi về các vấn đề từ công nghệ đến chính sách công nghiệp của Trung Quốc cho đến an ninh quốc gia.

Nhắm mục tiêu ngăn chặn vốn và bí quyết của Hoa Kỳ giúp Trung Quốc hiện đại hóa quân đội và gây tổn hại cho an ninh quốc gia của Hoa Kỳ, ông Biden ban hành một sắc lệnh hành pháp hôm thứ Tư 9/8 với quy mô hạn chế, chẳng hạn như nó chỉ áp dụng cho các khoản đầu tư mới.

Nhưng các biện pháp nhằm thắt chặt sự giám sát đối với các khoản đầu tư của Mỹ vào Trung Quốc chưa dừng ở đây, theo các nhà môi giới hợp đồng và các nhà phân tích. Hiện Trung Quốc đang chật vật phục hồi sau đại dịch COVID-19.

Sắc lệnh mới cho phép Bộ trưởng Tài chính cấm hoặc hạn chế đầu tư của Hoa Kỳ vào các công ty Trung Quốc trong lĩnh vực bán dẫn và vi điện tử, công nghệ thông tin lượng tử và một số hệ thống trí tuệ nhân tạo.

Weiheng Chen, cổ đông chiến lược cấp cao và là người đứng đầu bộ phận Trung Quốc Đại lục trong công ty luật Wilson Sonsini, cho rằng Quốc hội Mỹ có thể đưa ra luật có quy mô rộng hơn, phát triển từ các hạn chế của ông Biden.

Quả thực, các đảng viên Cộng hòa trong Quốc hội đã ngay lập tức chỉ trích sắc lệnh của ông Biden thuộc đảng Dân chủ là chưa đủ mạnh.

Những nhân vật diều hâu đối với Trung Quốc ở Washington phê phán các nhà đầu tư Mỹ về việc chuyển vốn và bí quyết có giá trị cho các công ty công nghệ Trung Quốc, có thể giúp nâng cao khả năng quân sự của Bắc Kinh. Về phần mình, Bắc Kinh đang tìm cách có thể tự lực giữa lúc các tranh chấp công nghệ đang leo thang.

Theo dữ liệu của Dealogic, các thương vụ của các công ty Mỹ mua lại các công ty Trung Quốc đã giảm gần 60% trong năm nay xuống còn 3,5 tỷ đô la từ mức 8,8 tỷ đô la cùng kỳ năm ngoái, trong khi giá trị các hợp đồng trong lĩnh vực công nghệ đã giảm từ 6,1 tỷ đô la xuống 815 triệu đô la.

Sắc lệnh hành pháp và khả năng dòng đầu tư bằng vốn cổ phần tư nhân sẽ tạm dừng đổ vào Trung Quốc trên diện rộng xuất hiện vào lúc Bắc Kinh tìm cách thu hút vốn để vực dậy nền kinh tế đang chậm lại.

Pan Yuan, một nhà nghiên cứu tại Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, một cơ quan cố vấn hàng đầu của chính phủ, cho rằng bất chấp những hạn chế của ông Biden, Trung Quốc sẽ duy trì chính sách mở cửa để thu hút vốn nước ngoài.

Pan nói rằng để đối phó với các hạn chế của Hoa Kỳ, Trung Quốc phải tập trung vào việc cải thiện năng lực công nghệ trong nước.

Đáp lại sắc lệnh hành pháp của ông Biden, Bộ thương mại Trung Quốc nói họ "quan ngại sâu sắc" và bảo lưu quyền thực hiện các biện pháp đối phó.

Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng Bắc Kinh không có nhiều phương án trả đũa và có ít khả năng là họ sẽ leo thang, đặc biệt là do đã có sự giám sát chặt chẽ về vấn đề này kể từ thời ông Trump.

Diễn đàn

VOA Express

XS
SM
MD
LG