Đường dẫn truy cập

Đại học Berkeley: tâm điểm của tự do phát biểu


Không được vào sân trường nên đoàn biểu tình tụ họp trước cổng trên đường Bancroft. (Ảnh: Bùi Văn Phú)
Không được vào sân trường nên đoàn biểu tình tụ họp trước cổng trên đường Bancroft. (Ảnh: Bùi Văn Phú)

Bùi Văn Phú

Hơn nửa thế kỷ trước Phong trào Tự do Phát biểu (Free Speech Movement, FSM) được khai sinh từ Đại học Berkeley và đã lan tỏa đến khắp các sân trường đại học Mỹ.

Cùng thời điểm, chiến tranh tại Việt Nam leo thang cường độ với sự tham gia chiến đấu của lính Mỹ nên đã đưa đến những cuộc biểu tình rầm rộ phản đối cuộc chiến từ sân trường đại học này.

Phim tài liệu “Berkeley in the Sixties” có nhiều cảnh Sproul Plaza với hàng nghìn sinh viên biểu tình đã bị cảnh sát và vệ binh quốc gia dùng hơi cay giải tán.

Liên quan đến Việt Nam, từ năm 1963 có Madame Nhu, phu nhân của cố vấn Ngô Đình Nhu, em trai của Tổng thống Ngô Đình Diệm, đã đến đây nói chuyện vào tháng 8 nhằm giải độc dư luận cho rằng chính quyền của ông Diệm đàn áp tôn giáo. Khi bà Nhu diễn thuyết trong thao trường Harmon, bên ngoài có nhiều người biểu tình phản đối.

Chiến tranh Việt Nam chấm dứt với sự rút lui của người Mỹ vào tháng 4 năm 1975. Từ đó những sôi động của sinh viên cũng lắng xuống, tuy sân trường vẫn có những cuộc biểu tình phản đối Hoa Kỳ can dự quân sự hay viện trợ cho các chính phủ độc tài ở Nam Mỹ như El Salvador, Chile, Nicaragua, hay ở Trung Đông như Iran, nhưng không đông và cường độ không thường xuyên hay sôi nổi như thời còn chiến tranh Việt Nam.

Đầu năm 1983 Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc, dưới thời Tổng thống Ronald Reagan, là Jeane Kirkpatrick, đã bị sinh viên phản đối khi bà đến nói chuyện về chính sách của Hoa Kỳ ở châu Mỹ Latinh nói chung và cuộc chiến ở El Salvador nói riêng. Tổ chức sinh viên có tên “Students Against Intervention in El Salvador” đã la ó, sỉ vả bà làm náo động cả thính đường Wheeler khiến bà phải tạm ngưng nhiều phút và sau đó hủy bỏ một buổi diễn thuyết khác cũng do nhà trường tổ chức.

Vùng Vịnh San Francisco được biết đến là khu vực có khuynh hướng chính trị tự do phóng khoáng nhất nước Mỹ (the most liberal), có thể gọi là cực tả. Các vị dân cử ở đây hầu hết theo Đảng Dân chủ và thường nhận được trên dưới 70% phiếu bầu trong các cuộc bầu cử từ cấp tiểu bang đến liên bang.

Tuy đa số ủng hộ Đảng Dân chủ nhưng tiếng nói của Đảng Cộng hòa không vì thế mà bị ngăn cấm vì đó là tinh thần sinh hoạt dân chủ.

Nhưng từ khi Donald Trump lên làm Tổng thống, vấn đề tự do phát biểu quan điểm lại được đặt ra, với tâm điểm là Đại học Berkeley vì trong nửa năm qua đã có nhiều bạo động khi những diễn giả cực hữu (alt Right) đến diễn thuyết đã bị thành phần cực tả kéo đến tấn công.

Đáng chú ý nhất là diễn giả Milo Yiannopoulos, với quan điểm cực kỳ bảo thủ, được Hội Sinh viên Cộng hòa (Berkeley College Republicans) của trường mời nói chuyện hôm 1/2/1017 và đã xảy ra bạo động, đốt phá ngay tại Sproul Plaza do một nhóm người mặc đồ đen, bịt mặt gây ra khiến buổi diễn thuyết bị hủy vào phút chót.

Đoàn biểu tình giơ tay hô to những khẩu hiệu phản đối chính sách của Tổng thống Trump. (Ảnh: Bùi Văn Phú)
Đoàn biểu tình giơ tay hô to những khẩu hiệu phản đối chính sách của Tổng thống Trump. (Ảnh: Bùi Văn Phú)

Sau vụ bạo động là đôi lần nữa có biểu tình nữa mà cảnh sát không can thiệp khi có tấn công nhắm vào người ủng hộ chính sách của Tổng thống Trump, cùng với việc hủy bỏ buổi nói chuyện của nhà bình luận bảo thủ Ann Coulter vào tháng Tư, vì thế đã có chỉ trích cảnh sát và lãnh đạo trường đã không làm nhiệm vụ bảo vệ quyền tự do phát biểu của người dân, của sinh viên.

Quyết thể hiện quyền tự do phát biểu, Hội Sinh viên Cộng hòa đã mời diễn giả Ben Shapiro đến nói chuyện vào lúc 7 giờ tối ngày 14/9. Tức thì có phản đối từ phe tả và lời kêu gọi biểu tình chống Ben Shapiro.

Chiều ngày 13/9, một ngày trước buổi diễn thuyết, ngay lối vào trường đã có những áp-phích lớn được dựng lên và tờ rơi được phát với cáo buộc Ben Shapiro và những diễn giả Milo Yiannopoulos, Ann Coulter, Steve Bannon là theo chủ trương phát-xít. Những tài liệu này do một tổ chức mới ra đời từ khi Trump thắng cử là refusefascism.org bảo trợ in ấn.

Refuse Fascism được thành lập bởi Sunsara Taylor, một người có khuynh hướng chính trị Mao-ít và là thành phần lãnh đạo của Đảng Cách mạng Cộng sản Mỹ.

Ben Shapiro tốt nghiệp Đại học U.C. Los Angeles 2004 và trường luật Đại học Harvard 2007. Ông là cựu biên tập viên của báo mạng Breitbart News với khuynh hướng bảo thủ do Steve Bannon lập ra.

Hiện nay Ben có diễn đàn mạng riêng. Ông không ủng hộ phá thai và gọi những người phụ nữ đã làm việc này là “kẻ giết trẻ thơ”, một quan điểm của những người Mỹ bảo thủ.

Ben cho rằng môi trường đại học Mỹ thường nghiêng về cánh tả và có khuynh hướng truyền đạt cho sinh viên những tư tưởng và sinh hoạt chính trị phóng khoáng (liberal) của Đảng Dân chủ, trong khi những quan điểm bảo thủ bị ngăn cấm.

Theo dự định, tiếp theo buổi diễn thuyết của Ben Shapiro, sẽ có “Free Speech Week” từ ngày 24 đến 27/9. Hội sinh viên Berkeley Patriot đứng ra tổ chức sự kiện này và đã mời các diễn giả bảo thủ đến nói chuyện, trong số đó có Milo Yiannopoulos, Ann Coulter và chiến lược gia của Tổng thống Donald Trump là Steve Bannon.

Sinh hoạt này đã gặp phản đối của một số nhân viên nhà trường. Theo báo sinh viên Daily Californian, trên 130 giáo sư và nhân viên đã ra thư ngỏ tẩy chay “Free Speech Week” và kêu gọi sinh viên không đến lớp trong tuần lễ có sự kiện.

Tân Hiệu trưởng Carol Christ, với ba thập niên làm việc cho trường, đã có quyết tâm bảo vệ quyền tự do phát biểu tại Đại học Berkeley sau những thất bại và thiếu sót của người tiền nhiệm trong những tháng đầu năm nay.

Tiếp xúc với sinh viên và ban giảng huấn bà đã hứa sẽ làm mọi cách để bảo vệ quyền tự do phát biểu tại đại học này. Trả lời phỏng vấn của báo Los Angeles Times, đăng trong số báo ra ngày 14/9, Hiệu trưởng Christ phát biểu: “Tôi tin tưởng sâu xa vào quyền được diễn thuyết trong khuôn viên trường của Ben Shapiro, dù không đồng ý với ông. Thực ra tôi có bất đồng sâu sắc với ông. Nhưng ông ấy được một hội đoàn sinh viên mời đến nói chuyện theo đúng luật lệ của trường. Đó thật sự là một tình huống khó xử.”

Theo lời bà, trong những biến cố gần đây trường đã phải chi ra khoảng 800 nghìn đôla để ngăn chặn gây rối và bảo đảm an ninh cho diễn giả.

Địa điểm diễn thuyết của Ben Shapiro cũng đã là kết quả tranh đấu của Hội Sinh viên Cộng hòa. Lúc đầu nhà trường chỉ định ở thính đường Wheeler, với khoảng 700 chỗ. Ban tổ chức muốn có nơi rộng hơn và được chuyển qua Zellerbach Hall, với 2.000 chỗ, nhưng vì lý do an ninh nhà trường chỉ cho tầng dưới, với sức chứa khoảng 1.000 người.

Vé nghe diễn thuyết đã được phân phối hết ngay chỉ trong vòng chưa đến một giờ đồng hồ, theo ban tổ chức cho biết.

Từ chiều ngày 14/9 cảnh sát đã đưa ra các phương án ngăn chặn bạo động. Khu vực bao quanh Zellerbach Hall bị phong toả bằng những khối chắn bê tông và đội hình cả trăm cảnh sát.

Chỉ những ai có vé mới được vào thính đường, sau khi qua trạm dò vũ khí và kiểm soát an ninh. Cảnh sát cũng cho giữ một khoảng cách chừng 50 mét giữa đoàn biểu tình và những người xếp hàng vào nghe diễn thuyết.

Nơi có thể tụ họp biểu tình, cảnh sát không cho mang vào gậy hay những vật dụng có thể dùng để tấn công. Những người đeo mặt nạ hay bịt mặt cũng không được phép vào khu vực biểu tình.

Đối diện với những chỉ trích gần đây, ban điều hành trường cũng như giới chức thành phố Berkeley đã có quyết tâm để nơi đây không phải mang tiếng là nôi sinh của phong trào tự do phát biểu quan điểm mà lại không bảo vệ được quyền tự do biểu đạt của sinh viên và của người dân.

Trong phiên họp tối thứ Ba 12/9, hội đồng thành phố cũng đã biểu quyết cho phép cảnh sát dùng hơi cay để khống chế những kẻ chủ trương gây bạo động.

Với tất cả những biện pháp phòng ngừa được triển khai và với sự vắng mặt của thành phần Antifa và Black Clad, buổi nói chuyện của Ben Shapiro đã diễn ra tốt đẹp, trong tinh thần tôn trọng tự do phát biểu vốn là truyền thống của Đại học Berkeley.

Để bảo đảm cho sự kiện được diễn ra trong ôn hòa, tốn phí nhà trường đã phải chi ra là 600 nghìn đôla. Không rẻ.

  • 16x9 Image

    Bùi Văn Phú

    Tác giả dạy đại học cộng đồng và hiện sống tại vùng Vịnh San Francisco, California. Các bài viết của Bùi Văn Phú là bài viết cá nhân và được đăng tải với sự đồng ý của đài VOA nhưng không phản ánh quan điểm chính thức của chính phủ Hoa Kỳ.

XS
SM
MD
LG