Đường dẫn truy cập

Bầu cử thị trưởng Bangkok có thể ảnh hưởng đến chính sự Thái Lan


Hình thị trưởng đương nhiệm Sukhuumbhand Paribatra tại một trạm xe buýt ở Bangkok.
Hình thị trưởng đương nhiệm Sukhuumbhand Paribatra tại một trạm xe buýt ở Bangkok.
Cử tri ở Bangkok đi bỏ phiếu vào chủ nhật này để bầu một thị trưởng mới cho thủ đô Thái Lan với dân số 10 triệu người. Cuộc tranh cử xít xao được nhiều chuyên gia cho là một điểm mốc quan trọng cho bối cảnh chính trị Thái Lan đã bị chia rẽ kể từ sau cuộc tổng tuyển cử năm 2011. Từ Bangkok, thông tín viên VOA Ron Corben gửi về bài tường thuật sau đây.

Tại một cuộc tụ họp chính trị ở trung tâm Bangkok, những nguời ủng hộ đảng Dân chủ của thị trưởng Bangkok đương nhiệm Sukhuumbhand Paribatra, tung hô ứng cử viên của họ trong tuần lễ cuối vận động trước khi diễn ra cuộc bầu cử vào ngày 3 tháng 3.

Ông Sukhumbhand, một cựu thứ trưởng ngoại giao, đã giữ chức vụ từ năm 2009 nhưng đang phải đối mặt với một cuộc tranh đua gay go với một cựu tướng lãnh cảnh sát là Pongsaphat Pongchareon.

Ông Pongsaphat được sự hậu thuẫn của đảng đương quyền Pheu Thai dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Yingluck Shinawatra; đảng này đã thắng trong cuộc tổng tuyển cử vào tháng 7 năm 2011.

Ðằng sau hầu hết cuộc thăm dò công luận, ông Sukhumbahand thừa nhận rằng ông đang phải đối đầu với một cuộc tranh đua gay go. Bangkok vốn là một cứ địa lâu ngày của đảng Dân chủ bảo thủ.

Ông Sukhumbahand nói: “Kỳ này gay go hơn kỳ trước bởi vì phe đối lập mạnh hơn. Có nghĩa là tôi phải vận động ráo riết hơn và hiện tôi không đóng vai trò lãnh đạo nên không có gánh nặng lãnh đạo, và tôi hiểu rất rõ rằng trong lịch sử, các cuộc bầu cử sớm luôn luôn có khuynh hướng bất lợi cho chúng tôi.”

Khoảng 20 ứng cử viên đang nhắm vào chức vụ thị trưởng. Các lời hứa lúc vận động gồm từ việc lập các lối đi cho xe đạp cho đến việc cải thiện quản lý giao thông, rác rưới, và gồm cả việc mở rộng các hệ thống chuyên chở công cộng.

Nhưng các quyền hành phần lớn chịu trách nhiệm về cơ sở hạ tầng của thành phố nằm trong tay chính phủ trung ương ở các bộ giao thông và công chánh.

Ông Pongsaphat thuộc đảng Pheu Thai nói một thắng lợi cho ông sẽ đem lại mối quan hệ công tác chặt chẽ hơn với chính phủ trung ương.

Ông Pongsaphat nói: “Lợi thế của đảng Pheu Thai chỉ có một điểm, đó là Thủ tướng Yingluck là người thuộc đảng này. Do đó nếu chúng ta có một điểm nào có thể hợp tác chặt chẽ thì chúng ta có thể thay đổi Bangkok rất nhiều bởi vì rất nhiều dự án to lớn cần phải có thêm tiền, chúng ta có thể liên kết với nhau. Quyền hành của đô trưởng Bangkok và ngân sách rất nhỏ. Chúng ta cần sự trợ giúp của chính phủ để đem lại mọi thay đổi.”

Bangkok từng là điểm nóng của bi kịch chính trị Thái Lan trong những năm gần đây. Trong năm 2011, lụt lội tai hại đã làm rúng động lòng tin vào chính phủ do đảng Pheu Thai lãnh đạo. Một năm trước đó, thành phố là trung tâm của những cuộc tụ tập chính trị chống lại đảng Dân chủ đôi khi đi đến đổ máu.

Thủ tướng Yingluck Shinawatra là người thuộc đảng Pheu Thai.
Thủ tướng Yingluck Shinawatra là người thuộc đảng Pheu Thai.
Một số chuyên gia phân tích cho rằng thắng lợi của đảng Pheu Thai tại một thành phố đã nằm dưới sự thống trị của đảng Dân chủ sẽ mang những ý nghĩa rất rộng lớn.

Ông Chris Baker, một tác giả và bình luận gia về chính sự Thái Lan, cho biết:

“Đây sẽ là thước đo đầu tiên của giới cử tri kể từ cuộc tổng tuyển cử lần trước và cả hai bên đều nhìn thấy đó tương tự như một loại đo lường của cách thức công chúng đã thay đổi hoặc phản ứng kể từ cuộc bầu cử lần trước, hoặc đối với những gì mà chính phủ của bà Yingluck đã làm được. Cả đảng Dân chủ lẫn đảng Pheu Thai đều muốn có một kết quả mà họ có thể diễn dịch và quảng bá về những mặt đó.”

Những người chống đối đảng Pheu Thai lâu nay vẫn cáo buộc đảng này là tìm cách để cho cựu thủ tướng Thaksin Shinawatra trở về Thái Lan. Ông này đang sống lưu vong để tránh án tù về tội tham nhũng.

Một số người coi cuộc chạy đua ở Bangkok như một câu hỏi trắc nhiệm cho việc trở lại của ông Thaksin. Những người khác cho rằng nếu thành phố bỏ phiếu cho ứng viện của đảng Pheu Thai, thì thành phố này sẽ cho phép chính phủ trung ương xúc tiến các nỗ lực hòa giải các chia rẽ chính trị còn rất sâu xa ở Thái Lan.

Các cuộc thăm dò công luận đã cho thấy tình hình xít xao thêm trong cuộc chạy đua trong những ngày cuối vào lúc có thể các cử tri còn do dự sắp đi đến quyết định chung cuộc.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG