Đường dẫn truy cập

Bầu cử Mỹ 2020: Quan sát viên quốc tế gặp trở ngại


Cử tri Mỹ đi bỏ phiếu ngày 27/10/2020 tại Brooklyn, New York.
Cử tri Mỹ đi bỏ phiếu ngày 27/10/2020 tại Brooklyn, New York.

Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ từ lâu đã mời các quan sát viên quốc tế đến để xem nền dân chủ của nước này vận hành như thế nào. Một phát ngôn viên của Bộ nói rằng việc quan sát nền dân chủ Mỹ diễn ra trong thực tế sẽ truyền cảm hứng cho các quốc gia khác. Tuy nhiên, các quan sát viên quốc tế nói với VOA rằng cuộc bầu cử 2020 có những thách thức vô cùng lớn: một số bang bất ngờ không cho quan sát viên quốc tế đến, quan ngại về dịch bệnh, phương pháp bỏ phiếu mới, và các cáo buộc gian lận bầu cử.

Bà Ursula Gacek, Giám đốc phái bộ quan sát bầu cử tại Hoa Kỳ thuộc Tổ chức An ninh và Hợp tác Châu Âu (OSCE), nói với VOA qua điện thoại rằng cuộc bầu cử Mỹ 2020 khác với 9 cuộc bầu cử trước đó mà OSCE đã từng quan sát. “Có nhiều lý do khiến bầu cử năm nay khác,” bà Gacek cho biết sau khi công bố báo cáo của bộ phận bầu cử của tổ chức này vào tuần vừa rồi về các điều kiện trước ngày bầu cử Mỹ.

Giảm số lượng quan sát viên

Rõ ràng nhất, bà Gacek nói, là đại dịch COVID-19, buộc Văn phòng Tổ chức Dân chủ và Nhân quyền (ODIHR) của OSCE phải cắt giảm đáng kể số lượng quan sát viên được cử đến Hoa Kỳ. Trước đó, văn phòng ODIHR lên kế hoạch cử 500 người đến Mỹ, nhưng trong tình hình đại dịch COVID-19 như hiện nay, văn phòng đành phải cử có 30 quan sát viên.

Bà Ursula Gacek, nguyên Đại sứ, Thượng Nghị sĩ Ba Lan, và Nghị viên EU, cho biết thêm rằng dịch COVID-19 “đã khiến cuộc sống của mọi người trở nên khó khăn, nó ảnh hưởng đến cách thức tiến hành các chiến dịch vận động tranh cử, ảnh hưởng đến việc quản lý cuộc bỏ phiếu và khối lượng công việc mà các cơ quan tổ chức bầu cử phải giải quyết. Còn đối với cử tri, cái khó là phải quyết định xem việc có bỏ phiếu trực tiếp hay không, đi bỏ phiếu sớm hay gửi lá phiếu qua đường bưu điện.

Nhóm của bà Gacek đã đến Hoa Kỳ vào đầu tháng 10/2020 và chia nhau theo từng nhóm nhỏ mỗi nhóm hai người làm việc trên khắp nước Mỹ. Nhiệm vụ của họ là trao đổi với các cơ quan tổ chức bầu cử, đánh giá mức độ phủ sóng của phương tiện truyền thông, kiểm tra công nghệ bỏ phiếu và hiểu được bầu không khí chính trị địa phương ở những nơi mà chính quyền địa phương chào đón họ.

Một cử tri bỏ phiếu ở New York, ngày 27/10/2020.
Một cử tri bỏ phiếu ở New York, ngày 27/10/2020.

18 bang cấm quan sát viên quốc tế

Có đến 18 bang của Hoa Kỳ từ chối không cho quan sát viên của OSCE quyền tiếp cận. Bà Gacek cho VOA biết các nhà quan sát không cố gắng đến những bang mà luật không cho phép.

Ủy ban Bầu cử bang North Carolina từ chối các quan sát viên quốc tế tiếp cận các địa điểm bỏ phiếu trong Ngày Bầu cử 3/11 này, một quyết định khiến các thành viên của phái đoàn OSCE bất ngờ khi họ chuẩn bị đến bang này, trang Impact 2020 cho biết hôm 27/10.

Trước đây, chính quyền bang North Carolina cho phép các quan sát viên bầu cử giám sát các địa điểm bỏ phiếu của họ, nhưng họ quyết định từ chối trong cuộc bầu cử này, buộc nhóm OSCE vào phút chót phải hủy bỏ chuyến công tác của các quan sát viên.

Người dân xếp hàng bỏ phiếu ở thành phố Durham, North Carolina, 15/10/2020.
Người dân xếp hàng bỏ phiếu ở thành phố Durham, North Carolina, 15/10/2020.

Ông Nat Parry, phát ngôn viên của OSCE cho biết nhóm xem quyết định của North Carolina, một trong những bang chiến trường, là “vi phạm cam kết” và hy vọng sẽ đưa vấn đề này vào báo cáo sắp tới về cuộc bầu cử ngày 3/11.

“Trong khi chính phủ Hoa Kỳ có các nghĩa vụ quốc tế đối với OSCE, các bang riêng lẻ thì không,” ông Parry nói thêm, lưu ý rằng Hoa Kỳ đã phải rất khó khăn để đảm bảo rằng các bang tuân thủ các cam kết được đưa ra ở cấp liên bang. Ông nói: “Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ thì rất hợp tác và hữu ích.”

Từ trước đến nay, một số bang, chẳng hạn như Texas, liên tục từ chối không cho các quan sát viên từ nước ngoài tiếp cận, nhưng đối với North Carolina, đây là lần đầu tiên, cũng theo trang Impact 2020.

Theo báo cáo của OSCE, các bang khác không cho quan sát viên quốc tế tiếp cận bầu cử là: Alabama, Alaska, Arizona, Connecticut, Delaware, Florida, Georgia, Indiana, Kentucky, Mississippi, Minnesota, New Jersey, Louisiana, Oklahoma, Ohio và Pennsylvania.

Phức tạp và thiếu thốn

Sau một tháng làm việc qua điện thoại, họp trực tuyến và đi thực tế, nhóm của bà Gacek đã đưa ra báo cáo tạm thời, tập trung vào các điều kiện trước bầu cử.

Báo cáo ngày 22/10 ghi nhận sự phức tạp của việc điều hành một cuộc bầu cử quốc gia diễn ra ở 50 bang, mỗi bang có các quy định và thiết bị bỏ phiếu khác nhau. Nhìn chung, với khoảng 10.500 khu vực bầu cử trên toàn quốc, thì việc quản lý đã phức tạp, nay thêm tình hình dịch COVID-19 thì vấn đề còn thêm nan giải. Riêng các giải pháp bỏ phiếu được đưa ra trong năm nay đã vấp phải sự phản kháng không hề nhỏ.

Báo cáo lưu ý rằng có hơn 365 vụ người dân đâm đơn kiện tại 44 tiểu bang và thủ đô Washington DC liên quan đến cách thức bỏ phiếu và khi nào phiếu bầu của họ có thể được kiểm đếm.

Mọi thứ phức tạp hơn, đại dịch đã dẫn đến tình trạng thiếu hụt cả kinh phí và nhân sự. Quốc hội Hoa Kỳ thông qua ngân quỹ tài trợ khẩn cấp cho các bang vào tháng 3 để giúp chi trả cho các biện pháp bất thường đang được thực hiện nhằm mang lại cho mọi người một cách thức bỏ phiếu an toàn - nhưng những khoản tiền đó, theo báo cáo, “phần lớn được xem là không đủ.” Hơn nữa, thiếu nhân viên có kinh nghiệm làm việc tại các điểm bỏ phiếu, vì nhiều người trong số những người có kinh nghiệm nhất cũng có nguy cơ về sức khỏe cao do tuổi tác. Nhiều người trong số họ không tham gia vào cuộc bầu cử này.

Đường phố Houston, Texas trước ngày bầu cử.
Đường phố Houston, Texas trước ngày bầu cử.

Các khó khăn khác đang tiếp diễn

Có sự khác biệt giữa các khu vực bầu cử trong công nghệ bỏ phiếu. Mối quan ngại đặc biệt là một số khu vực bầu cử sử dụng máy bỏ phiếu nhưng không xuất cùi phiếu, điều này có thể gây ra trở ngại trong trường hợp cần kiểm phiếu lại. Có sự khác biệt giữa các bang về việc những người bị kết án có được phép bỏ phiếu hay không. Các nhà quan sát kết luận rằng có khoảng 5,2 triệu công dân Hoa Kỳ bị tước quyền bầu cử do bị kết án hình sự. Báo cáo còn lưu ý rằng những hạn chế như vậy ảnh hưởng không nhỏ đến các sắc tộc thiểu số.

Báo cáo của ODIHR cho biết “nhiều nhà quan sát” bày tỏ lo ngại nghiêm trọng rằng tính hợp pháp của cuộc bầu cử sẽ bị nghi ngờ khi mà Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump “nhiều lần cáo buộc về gian lận trong quy trình bầu cử,” đặc biệt liên quan đến bỏ phiếu qua thư. Tổng thống Trump đã nhiều lần tuyên bố, dù không có bằng chứng, rằng việc sử dụng rộng rãi các lá phiếu gửi qua đường bưu điện sẽ dẫn đến gian lận bầu cử. Ông cũng tuyên bố rằng Cơ quan Bưu chính Hoa Kỳ (USPS) không thể cáng đáng gánh nặng ngày càng tăng trong việc chuyển các lá phiếu qua đường bưu điện.

Một vấn đề khác là tài chính trong bầu cử. Các nhà quan sát của bà Gacek lưu ý rằng Ủy ban Bầu cử Liên bang (FEC), cơ quan giám sát việc chi tiêu các chiến dịch vận động tranh cử , hiện không thể đưa ra quyết định hoặc đưa ra ý kiến tư vấn bởi vì, kể từ tháng 7, FEC thiếu số thành viên tối thiểu để đưa ra quyết định về các hoạt động của tổ chức này.

Sau nhiều năm thiếu nhân sự, hiện ủy ban FEC có hàng trăm trường hợp tồn đọng cần điều tra.

Không có cuộc bầu cử nào hoàn hảo

Cuối cùng, báo cáo lưu ý rằng bối cảnh truyền thông đang phân cực, cả trên truyền thông truyền thống và mạng xã hội. Bất chấp những hành động của các quản trị viên mạng xã hội nhằm chống lại những thông tin sai lệch, nhiều nhà quan sát cho biết họ vẫn lo ngại về những thông tin sai sự thật đang lan tràn trên mạng.

Nhóm của bà Gacek sẽ đánh giá cuộc bỏ phiếu vào ngày 3/11 và lưu lại Hoa Kỳ thêm khoảng một tuần để quan sát bất kỳ điều gì xảy ra tiếp theo. Sau đó, từ châu Âu, họ sẽ dành hai tháng nữa để tập hợp một báo cáo cuối cùng và sẽ công bố báo cáo này vào khoảng tháng 1/2021 — ngay khoảng thời gian tân Tổng thống của Hoa Kỳ tuyên bố nhậm chức.

Bà Katya Andrusz, phát ngôn viên của ODIHR có trụ sở tại Warsaw cho biết, dù kết quả bầu cử Mỹ như thế nào đi nữa, báo cáo của các quan sát viên có ý nghĩa hữu ích chứ không chỉ trích hay vì mục đích chỉ trích.

Bà Andrusz nói với VOA trong một cuộc phỏng vấn gần đây: “Đôi khi tôi có cảm giác rằng mọi người có ý nghĩa này rằng những người quan sát. . . đi đến các điểm bỏ phiếu, vẫy ngón tay lên xuống và nói rằng quý vị thực hiện bầu cử không tốt.”

Bà cho biết các nhóm quan sát luôn đề nghị được quay trở lại sau khi viết xong báo cáo để trình bày các khuyến nghị và giúp đỡ việc thực hiện, nếu được yêu cầu.

Bà nói, mục tiêu là cải thiện quy trình bầu cử trong thời gian tới.

“Không có cuộc bầu cử nào là hoàn hảo,” bà nói. “Chúng tôi không đến đó để chỉ trích, mà để giúp các quốc gia và chính quyền cải thiện quy trình bầu cử vì lợi ích của công dân của mình.”

Logo của tổ chức OSCE và ODIHR
Logo của tổ chức OSCE và ODIHR

OSCE và Hoa Kỳ

Kể từ sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2000 - khi ấy quyết định kết quả thắng cuộc giữa hai ứng viên George W. Bush và Al Gore phải đưa đến Tòa án Tối cao giải quyết - cho đến nay, Hoa Kỳ liên tiếp mời các quan sát viên OSCE đến quan sát. Hoa Kỳ, đồng thời cũng là một thành viên của OSCE.

Sau cuộc bầu cử 2000, theo lời mời của chính phủ Hoa Kỳ, OSCE đã cử các nhóm quan sát cho mọi cuộc bầu cử tổng thống và giữa nhiệm kỳ của Hoa Kỳ kể từ năm 2002 cho đến nay.

OSCE gồm nhóm 57 quốc gia thành viên đến từ Bắc Mỹ, châu Âu và Nam Á, trong đó có 4/5 thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an LHQ (Anh, Mỹ, Nga, Pháp), được thành lập từ năm 1975, với tên gọi ban đầu là Hội nghị về An ninh và Hợp tác Châu Âu (CSCE), và từ năm 1994 đổi tên thành Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) như ngày nay.

OSCE là một tổ chức hợp tác toàn diện về an ninh khu vực, trong đó có ngăn ngừa xung đột, giải quyết khủng hoảng và tái thiết hậu xung đột. LHQ trao quy chế quan sát viên cho OSCE và ký Thỏa thuận khung Hợp tác và Phối hợp với OSCE năm 1993. HĐBA LHQ nghe báo cáo của Chủ tịch OSCE lần đầu tiên năm 2004 và duy trì cơ chế định kỳ hàng năm.

OSCE đã theo dõi các cuộc bầu cử của Hoa Kỳ trong gần hai thập kỷ. Nhiệm vụ của OSCE là đánh giá xem các cuộc bầu cử có được tổ chức theo các cam kết của OSCE mà Hoa Kỳ là một thành viên từ năm 1975 và các nghĩa vụ và tiêu chuẩn quốc tế khác về bầu cử dân chủ hay không, cũng như các cuộc bầu này phù hợp với luật pháp quốc gia.

Trong bức thư mời OSEC quan sát cuộc bầu cử Hoa Kỳ 2020, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ nói rằng trách nhiệm tổ chức bầu cử phần lớn thuộc về các chính quyền địa phương và chính quyền bang, do đó, Bộ sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các phái đoàn quan sát bầu cử của OSEC và sẽ hỗ trợ ODIHR trong nỗ lực liên hệ với các quan chức bầu cử cấp bang và địa phương để họ tạo điều kiện tốt hơn.

Bức thư viết: “Hoa Kỳ đánh giá cao công việc quan trọng của OSCE nhằm thúc đẩy các cuộc bầu cử tự do và công bằng trong toàn khu vực OSCE. Chúng tôi hoan nghênh việc OSCE theo dõi các cuộc bầu cử của chúng tôi như một cơ hội để thể hiện sự tôn trọng của Hoa Kỳ đối với các nghĩa vụ quốc tế liên quan và các cam kết của OSCE.”

VOA Express

XS
SM
MD
LG