Đường dẫn truy cập

Bầu cử Mỹ 2020: Một cuộc bầu cử không giống cuộc bầu cử nào khác


Cử tri Mỹ đi đầu phiếu sớm ở Atlanta, bang Georgia, Hoa Kỳ, ngày 12/10/2020. REUTERS/Chris Aluka Berry
Cử tri Mỹ đi đầu phiếu sớm ở Atlanta, bang Georgia, Hoa Kỳ, ngày 12/10/2020. REUTERS/Chris Aluka Berry

Tại thời điểm còn một tuần nữa là tới ngày bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2020, giữa lúc hai ứng cử viên Tổng thống còn đang ráo riết vận động, thì hàng chục triệu cử tri đã đi bỏ phiếu sớm, báo hiệu cuộc bầu cử có tính cách quyết định này sẽ đạt tỷ lệ cử tri đi đầu phiếu cao kỷ lục.

Theo Dự án Bầu cử Mỹ, môt cơ sở dữ liệu chuyên thu thập thông tin về tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu do Giáo sư Michael McDonald /Đại học Florida điều hành, số phiếu bầu sớm năm nay vượt xa số phiếu bầu sớm năm 2016.

Giáo sư McDonald nói:

“Chúng ta tiếp tục chứng kiến số phiếu bầu sớm tăng nhanh chưa từng thấy. Chưa gì số liệu này đã vượt qua số phiếu bầu sớm của bất cứ cuộc bầu cử nào trong lịch sử.”

Ông nêu lên quan tâm rằng những phiếu bầu gửi qua đường bưu điện có thể được gửi đi hàng loạt vào lúc sắp kết thúc giai đoạn bầu cử sớm, làm các quan chức bị quá tải. Vì vậy việc cử tri chọn đi bầu trực tiếp nhưng sớm hơn giúp trải dài công việc của các giới chức bầu cử, giảm bớt gánh nặng khi công việc bị dồn lại trong cùng một lúc.

“Đây là một tin vui, bởi vì chúng tôi rất lo lắng về làm thế nào để tổ chức một cuộc bầu cử giữa trận đại dịch.”

Năm 2019, Giáo sư McDonald tiên đoán khoảng 150 triệu người sẽ đi đầu phiếu trong cuộc tổng tuyển cử năm 2020, tượng trưng cho tỷ lệ 65%, con số cao nhất tính từ năm 1908.

Nhưng bây giờ, ông công nhận rằng con số 150 triệu được dự báo có thể là một con số quá thấp và vào cuối tuần này, ông sẽ phải nâng cao số dự báo.

Tỷ lệ cử tri đi bầu có triển vọng phá kỷ lục

Tại Texas chẳng hạn, tính cho tới ngày Chủ nhật 25/10, gần 7,4 triệu phiếu bầu sớm đã được ghi nhận, đánh dấu 82% tổng số phiếu bầu của bang này vào năm 2016.

Giáo sư McDonald đơn cử trường hợp bang Washington là ví dụ cho thấy rõ nhất những thay đổi trong hành vi của cử tri trong cuộc bầu cử năm nay bởi vì bang này tổ chức bầu cử hầu hết qua đường bưu điện trong cả cuộc bầu cử 2016 và 2020. Cho tới nay, tiểu bang Washington báo cáo đã nhận được hơn 2 triệu phiếu bầu qua bưu điện, gấp 3 lần tỷ lệ bỏ phiếu năm 2016.

Tại quận Miami-Dade của bang Florida, một giới chức bầu cử cho biết 42% đã bỏ phiếu, cao gần gấp 3 tỷ lệ đi bầu năm 2016.

Ông Rodriguez nói với đài NPR:

“Thông thường một cuộc bầu cử Tổng thống đạt tỷ lệ từ 68% tới 73%. Năm nay, chúng tôi dự kiến tỷ lệ cử tri đi bầu sẽ đạt 80%, dựa trên con số người đi bầu vừa nhận được.

Trong số các tiểu bang báo cáo số liệu bầu cử, cử tri yêu cầu 87 triệu phiếu bầu qua đường bưu điện, theo Giáo sư McDonald, ước lượng sơ khởi 41 triệu phiếu bầu đã được gửi qua đường bưu điện.

Hiện nay, phe Dân chủ dẫn trước với tỷ lệ 2/1 trên các phiếu bầu gửi qua đường bưu điện. Nhưng Giáo sư McDonald cảnh báo rằng các số liệu ban đầu không vẽ ra một bức tranh toàn cảnh.

“Thông thường câu chuyện về một cuộc bầu cử tiêu biểu trong những năm gần đây là kiểm phiếu giai đoạn đầu thường ngả về Đảng Dân Chủ và các phiếu bầu trong ngày bầu cử ngả về Đảng Cộng hòa,” ông nói, “và mặc dù theo các dâu hiệu bề ngoài, câu chuyện năm nay có thể cũng vậy, nhưng chúng ta phải chờ xem điều gì sẽ xảy ra trong ngày bầu cử trước khi chúng ta có thể đoan chắc điều gì sẽ xảy ra.”

Tỷ lệ cử tri trẻ đi bầu tăng vọt

Giới trẻ từ 18 tới 29 tuổi đi bầu sớm đông đảo chưa từng thấy.

Theo các dữ liệu của một trung tâm nghiên cứu của Đại học Tufts, con số cử tri trẻ tuổi đi bầu sớm tăng vọt, đặc biệt tại các bang thiết yếu đối với ông Biden và ông Trump, như Michigan, Florida và North Carolina.

Tính cho tới ngày 21/10, gần 258.000 cử tri trẻ tuổi ở Florida đã đi bầu, 214.000 người nhiều hơn số cử tri trẻ đi bầu vào cùng thời điểm năm 2016.

Tại Texas, gần 500.000 người từ 18 tới 29 tuổi đã đi bầu. Tuy nhiên tại bang này, không có dữ liệu từ 2016 để có thể so sánh tỷ lệ đi bầu trong giới trẻ.

Giới trẻ có thể nắm trong tay quyền lực chính trị đáng kể. Millenials- sinh từ năm 1980 tới 1995, và một số từ Thế hệ Z –năm 1996 tới 2012/2015, tổng cộng chiếm tới 37% số cử tri hội đủ điều kiện đi bầu, tương đương với thế hệ Baby Boomers (1946-1964) và thể hệ lớn tuổi hơn, Viện Brookings phân tích dựa trên các dữ liệu của cuộc kiểm tra dân số.

Trong nhiều thập niên, giới trẻ tỏ ra lơ là với bầu cử, nhưng năm nay, các nhóm vận động cử tri tham gia bầu cử đã tăng cường nỗ lực để thay đổi con số thống kê này.

Cảnh sát, Vệ binh Quốc gia và Quân đội chuẩn bị cho Ngày Bầu cử

Trong một nền dân chủ tôn trọng lá phiếu của người dân như là “ý trời”, thì cảnh sát mặc quân phục thường không được lảng vảng quanh các địa điểm bỏ phiếu, và Ngũ Giác Đài tuyệt đối không muốn phải dính líu trong ngày bầu cử. Thế mà năm nay, các lực lượng này phải chuẩn bị cho tình huống xấu, phòng hờ tình hình có thể vuột tầm kiểm soát, nguy cơ bạo động xảy ra.

Thông thường nhân viên phòng phiếu là tuyến phòng thủ đầu tiên nếu xảy ra xung đột giữa các cử tri, mặc dù họ được sự hậu thuẫn của nhân viên an ninh tư nhân. Quận King ở bang Washington cho biết đã sắp xếp một số nhân viên để canh gác các thùng phiếu mà mọi năm không cần được canh gác.

Một số đơn vị bầu cử không có kế hoạch huy động cảnh sát mặc quân phục tại các phòng phiếu bởi vì truyền thống và luật pháp địa phương không muốn sự hiện diện của cảnh sát hay binh sĩ mặc quân phục có thể được diễn giải như để hăm dọa cử tri.

Xét những căng thẳng đã xảy ra trong năm nay, sau một số trường hợp người dân không vũ trang bị ngược đãi, sự hiện diện của cảnh sát tại các địa điểm bỏ phiếu đã trở thành một vấn đề gây tranh cãi.

Tại Miami, các thành viên Đảng Dân Chủ khiếu nại về vụ một nhân viên cảnh sát mặc quân phục, mang khẩu trang in ảnh ông Trump, xuất hiện tại một địa điểm bầu cử sớm. Họ cho rằng đây là một động thái có tính trấn áp tinh thần cử tri ngay tại phòng phiếu. Nhân viên cảnh sát trong cuộc đang đối mặt với biện pháp kỷ luật từ các cấp chỉ huy.

Sự hiện diện của cảnh sát mặc quân phục cũng là đề tài tranh cãi theo phe phái, tại các bang New Jersey và North Carolina khi Hội đồng Bầu cử ra thông tư nhắc nhở nhân viên cảnh sát mặc quân phục nên tránh xa phòng phiếu, một số thành viên Đảng Cộng hòa đã phản đối.

Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa tại tiểu bang, ông Paul Newton, nói rằng Hội đồng Bầu cử vốn do Đảng Dân Chủ kiểm soát, đã “vượt quá quyền hạn” của mình, ông cho rằng hội đồng này không có quyền ra lệnh cho cảnh sát.

Một vấn đề khác đã được nêu lên tại Michigan, về liệu công dân có quyền công khai mang vũ khí vào phòng phiếu hay quanh địa điểm bỏ phiếu hay không. Luật cho phép tư nhân công khai mang vũ khí được áp dụng tại tiểu bang này, nhưng Tổng thư ký bang Michigan Jocelyn Benson ra chỉ thị cấm mang vũ khí một cách lộ liễu tại các phòng phiếu và các văn phòng bầu cử khác trong năm nay.

Các sở cảnh sát đang có kế hoạch chuẩn bị để tăng cường đội ngũ cảnh sát túc trực trong ngày bầu cử, đặc biệt tại các thành phố nơi đã xảy ra nhiều bất ổn trong năm nay.

Vai trò của quân đội?

Các thành viên của Lực lượng Vệ binh Quốc gia trên khắp nước sẽ tham gia các hoạt động bảo vệ an ninh cho cuộc bầu cử, kể cả an ninh mạng, hỗ trợ các giới chức địa phương chống lại sự can thiệp của các chính quyền nước ngoài toan can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ.

Nhưng quân đội hiện dịch không muốn trực tiếp tham gia công tác bảo vệ an ninh tại các phòng phiếu.

Các quan chức quân sự nói với đài NPR rằng quân đội muốn duy trì lập trường phi đảng phái, không tham gia tranh cãi chính trị phe phái, và rằng binh sĩ mặc quân phục xuất hiện ở các phòng phiếu có thể khiến quân đội bị quy là thiên vị một ứng cử viên, chống lại ứng cử viên nọ.

Nhưng khi được yêu cầu, các binh sĩ thuộc Lực lượng Vệ binh Quốc gia sẽ đến giúp các tiểu bang trong tư cách là nhân viên phòng phiếu- mặc thường phục, và thực hiện các nhiệm vụ bình thường của nhân viên phòng phiếu.

Dịch Covid-19 đã khiến các phòng phiếu thiếu nhân viên làm việc, vì thông thường nhân viên phòng phiếu là những người cao niên, và trong đại dịch, họ không thể tiếp xúc với nhiều người vì sợ bị lây nhiễm.

Các quan chức quân đội không dự kiến sẽ xảy ra xung đột tại các phòng phiếu, nhưng họ nói sau một chiến dịch vận động tranh cử cay đắng, các cuộc biểu tình và sự xuất hiện của các nhóm vũ trang, bạo động có thể xảy ra sau bầu cử, bất chấp ứng cử viên nào đắc cử.

Tổng Thống Trump đã làm tăng lo ngại khi ông nhiều lần ngỏ ý ông có thể không chấp nhận kết quả bầu cử “trừ phi nó công bằng”. Lời phát biểu này dẫn tới đồn đại rằng Tổng Thống Trump có thể cố bám víu lấy quyền hành nếu ông thất cử, và quân đội có thể được huy động.

Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hoa Kỳ, Đại tướng Mark Milley, mạnh mẽ bác bỏ ý tưởng đó trong cuộc phỏng vấn với đài NPR.

“Nếu bầu cử bị thách thức, vấn đề này sẽ được các tòa án và quốc hội giải quyết theo đúng quy trình. Quân đội không có vai trò nào trong việc xác định kết quả bầu cử. Hoàn toàn không có bất cứ vai trò nào”.

VOA Express

XS
SM
MD
LG