Đường dẫn truy cập

Bất mãn sôi sục ở Thổ Nhĩ Kỳ sau các bản án gây tranh cãi


Người biểu tình Thổ Nhĩ Kỳ thách thức cảnh sát bên ngoài nhà tù Silivri, ngày 5/8/2013.
Người biểu tình Thổ Nhĩ Kỳ thách thức cảnh sát bên ngoài nhà tù Silivri, ngày 5/8/2013.
Bất mãn lại sôi sục ở Thổ Nhĩ Kỳ sau khi một tòa án ra phán quyết cho rằng các sĩ quan cao cấp, các chính trị gia, các nhà báo và những người khác phạm tội âm mưu lật đổ chính phủ. Những người ủng hộ 275 bị cáo nói rằng những bản án đó là một phần trong chiến dịch của Thủ tướng Recep Tayyip Erdogan nhằm tiêu diệt các đối thủ chính trị. Mời quí vị theo dõi thêm chi tiết qua bài tường thuật của thông tín viên đài VOA Zlatica Hoke.

Cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ hôm thứ hai đã dùng lựu đạn cay và vòi rồng để giải tán những người biểu tình tức giận khi phát giác các lực lượng an ninh đã phong tỏa con đường dẫn tới một tòa án ở Silivri, gần Istanbul.

Đại tướng hồi hưu Ilker Basbug, cựu tham mưu trưởng quân đội, đã bị tòa xét có tội vì dính líu tới âm mưu được đặt theo tên của quê hương trong thần thoại của người Thổ Nhĩ Kỳ là Ergenekon. Ông Basbug và ít nhất 5 sĩ quan cao cấp khác bị tuyên án tù chung thân.

Ông Akif Hamzacebi, một thành viên quốc hội thuộc đảng Cộng hòa Nhân dân, lên án phán quyết vừa kể.

"Đây là một sự đe dọa đối với quân đội của Cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ. Điều này không thể chấp nhận được. Nếu quí vị xét xử một người từng chỉ huy quân đội Thổ Nhĩ Kỳ về tội là thành viên của một tổ chức khủng bố, điều đó có nghĩa là quí vị đang xét xử quân đội của Cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ. Đất nước này sẽ không chấp nhận điều đó. Đảng Cộng hòa Nhân dân không chấp nhận điều đó."

Vụ xét xử kéo dài 5 năm dính líu tới 275 người đã gây chia rẽ trong công chúng. Những người chỉ trích tố cáo chính phủ lợi dụng vụ án này để làm im tiếng những người bất đồng chính kiến, trong khi những người ủng hộ thì nói rằng đây là một chiến thắng của dân chủ vì đã gạt quân đội ra khỏi chính trường. Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã lật đổ 4 chính phủ kể từ năm 1960.

Ông Bulent Arinc, phát ngôn viên chính phủ, hôm thứ hai đã lên tiếng kêu gọi dân chúng tôn trọng phán quyết của tòa án.

"Trong số những người này, có những người mà công chúng biết rõ tên tuổi. Có những người từng giữ chức tham mưu trưởng quân đội, một số người là hiệu trưởng, và thậm chí còn có một số người là những viên chức hành chánh cấp cao. Nhưng có một sự thật trong hệ thống tư pháp là không ai có quyền phạm tội. Tòa án đã dựa vào chính mình để đưa ra quyết định tốt nhất và chúng tôi đang chờ xem những giai đoạn kế tiếp. Chúng tôi không cảm thấy vui mừng hoặc vỗ tay hoan hô vì có người bị bắt, nhưng đã có một phán quyết và chúng ta phải tôn trọng phán quyết đó."

Những vụ biểu tình qui mô lớn đã diễn ra ở Thổ Nhĩ Kỳ kể từ tháng 6, bắt nguồn từ việc chính phủ quyết định phá bỏ một công viên ở Istanbul để xây một trung tâm thương mại. Nhiều người Thổ Nhĩ Kỳ cảm thấy lo ngại về điều mà họ cho là sự cai trị ngày càng độc đoán của ông Erdogan và Đảng Công lý và Phát triển của ông.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG