Đường dẫn truy cập

Bão lớn trong Quan hệ Úc-Trung


Quầy bày bán rượu do Úc sản xuất tại Triển Lãm Hàng nhập khẩu ở Thượng Hải, ảnh chụp ngày 5/11/2020. Trung Quốc tăng áp lực lên Úc vì bất bình về lập trường của Úc, ủng hộ một cuộc điều tra vào nguồn gốc của virus Covid-19.
Quầy bày bán rượu do Úc sản xuất tại Triển Lãm Hàng nhập khẩu ở Thượng Hải, ảnh chụp ngày 5/11/2020. Trung Quốc tăng áp lực lên Úc vì bất bình về lập trường của Úc, ủng hộ một cuộc điều tra vào nguồn gốc của virus Covid-19.

Quan hệ giữa nước Úc và Trung Quốc vốn đã căng thẳng bấy lâu nay, thình lình “tuột dốc xuống tận đáy”, sau khi phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên tải lên trang Twitter của ông một tấm ảnh ngụy tạo, dàn dựng cảnh một binh sĩ Úc kề dao vào cổ một đứa trẻ Aghanistan, gây ra một trận bão ngoại giao lớn giữa hai nước.

Tấm ảnh dàn dựng được đưa lên Twitter vài ngày sau khi các công tố viên Úc mở cuộc điều tra đối với 19 binh sĩ Úc bị cáo buộc phạm tội chiến tranh tại Afghanistan trong thời gian từ 2005 đến 2016.

Thủ tướng Úc Scott Morrison lập tức lên tiếng yêu cầu Trung Quốc xin lỗi. Ông nói:

”Đây là một hành vi có tính cách xúc phạm sâu sắc. Chính phủ Trung Quốc nên cảm thấy hổ thẹn về chuyện này.”

Phản ứng giận dữ của nhà lãnh đạo Úc, 45 phút sau khi tấm ảnh được tải lên trang Twitter của ông Triệu Lập Kiên, được sự tán thành của đa số dân chúng và sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế, theo một bài báo đăng trên tờ The Australian ngày 4/12.

Nhưng Trung Quốc khước từ, không chịu xin lỗi. Bắc Kinh thường xuyên bị chỉ trích về những hành động vi phạm nhân quyền và coi sự bất bình của Úc khi bị chỉ trích là một ví dụ về “tiêu chuẩn kép” của các nước phương Tây.

Vụ kèn cựa mới nhất giữa Úc và đối tác thương mại lớn nhất của nước này cho thấy tình trạng tồi tệ của các quan hệ song phương đã xuống cấp tới mức nào. Trong mấy tháng gần đây, Bắc Kinh đã dựng lên các rào cản đối với hàng xuất khẩu của Úc, chẳng hạn như áp thuế 212% đối với rượu Úc, gây tổn thất nặng nề cho các nhà sản xuất.

Quan hệ Úc-Trung

Từ ngày Thủ tướng Gough Whitlam của Úc đặt chân lên đất Trung Quốc trong những năm đầu của thập niên 1970 để thiết lập quan hệ bang giao với nước này, Bắc Kinh và Úc đã tìm thấy nơi nhau một đối tác lý tưởng, đôi bên cùng hưởng lợi.

Úc cung cấp nguyên liệu thô và quặng mỏ, thiết yếu để Trung Quốc phát triển, giúp biến đổi một nước cộng sản nghèo bị cô lập thành một cường quốc “tư bản đỏ” trong vòng vài thập niên.

Về phần Úc, sự phát triển của các hoạt động khai thác quặng mỏ và nguyên liệu thô khác cung cấp một nguồn tài chánh dồi đào cho ngân khố quốc gia. Ngoài ra, du khách và du học sinh Trung Quốc đua nhau tới Úc, mang lại những nguồn lợi rất lớn, giúp nền kinh tế Úc liên tục tăng trưởng trong nhiều thập niên.

Bên cạnh những món lợi đó, nước Úc còn có một động cơ khác. Trong tư cách là một quốc gia dân chủ với những giá trị Tây phương truyền thống, Úc cũng như các nước phương Tây, đều hy vọng rằng mở rộng vòng tay chào đón Trung Quốc tham gia các tổ chức thương mại và các định chế ngoại giao toàn cầu có thể khích lệ nước này tự do hóa kinh tế, và biết đâu, cả hệ thống chính trị.

Nhưng thực tế đã chứng minh, trong khi Bắc Kinh tỏ ra rất năng động trong các hoạt động kinh doanh với các nước phương Tây, lãnh đạo và đảng cộng sản Trung Quốc vẫn duy trì quyền lực và không có ý định nới lỏng gọng kềm quyền lực của họ. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình là một ví dụ điển hình, một mặt ông củng cố quyền lực ở trong nước, mặt khác tìm cách bành trướng ảnh hưởng của Trung Quốc trên thế giới.

Ảnh hưởng càng lớn mạnh, Trung Quốc càng nhạy cảm hơn khi bị chỉ trích và sẵn sàng tấn công nếu Bắc Kinh cho rằng quyền lợi của họ bị đe dọa.

Trung Quốc áp thuế 212% trên rượu vang Úc vì những bất đồng giữa hai bên
Trung Quốc áp thuế 212% trên rượu vang Úc vì những bất đồng giữa hai bên


Nước Úc đang là mục tiêu Bắc Kinh nhắm tấn công trong lúc này, khi Bắc Kinh dựng lại các rào cản hạn chế đối với hàng tỷ đôla hàng xuất khẩu của Úc như lúa mạch, thịt bò, than, đồng, gỗ, và áp đặt mức thuế quan 212% trên rượu Úc.

Danh sách 14 khiếu nại của Trung Quốc

Sau đó, nhà ngoại giao cao cấp thứ 2 của Trung Quốc ở Úc, Wang Xining, công bố một danh sách 14 điều khiếu nại mà theo ông, đã “đầu độc mối quan hệ song phương”, trong đó có cáo buộc cho rằng Úc đã truyền bá thông tin sai lạc về nỗ lực của Trung Quốc trong cuộc chiến chống dịch Covid-19.

Ở Úc, danh sách này được coi như những đòi hỏi của Bắc Kinh đối với Canberra, buộc Úc phải nhượng bộ trước khi Bắc Kinh tháo gỡ các hạn chế trên hàng loạt hàng xuất khẩu của Úc.

Ông Wang nói Thủ tướng Úc đã “phản ứng quá đà” về tấm ảnh trên trang Twitter của ông Triệu Lập Kiên. Thủ tướng Scott Morrison mô tả động thái đó là "đáng ghê tởm, không thể chấp nhận được".

Trong một cuộc phỏng vấn với báo chí Úc, ông Wang nói tại sao một nguyên thủ quốc gia lại có những quan điểm mạnh mẽ như vậy về một “tác phẩm nghệ thuật” của một nghệ sĩ trẻ ở Trung Quốc?

Ông Wang nói ông chờ đợi hành động cụ thể từ phía Úc để xây dựng một một bầu không khí tích cực hơn để hai chính phủ có thể hợp tác hầu tiến tới một mục đích chung.

Sau cuộc khẩu chiến, Thủ tướng Úc hôm thứ Năm tuần trước nói ông để ngỏ cánh cửa đối thoại, nhưng tuyên bố sẽ không bao giờ nhượng bộ các giá trị của Úc.

Theo báo The Australian, tấm ảnh ngụy tạo đã đoàn kết dân chúng Úc, và rõ rệt là sự cố này đã có tác dụng ngược, làm xấu đi hình ảnh của Trung Quốc trong con mắt của người dân Úc.

Nhưng một số nhà phân tích, trong đó có cựu Thủ tướng Kevin Rudd, cho rằng khi phản ứng tức thời, dựa trên xúc cảm, Thủ tướng Morrisson đã “lọt bẫy” Trung Quốc, rằng ông đưa ra những đòi hỏi mà ông biết sẽ không khả thi, đồng thời khích lệ tinh thần dân tộc cực đoan, bài ngoại với hệ quả tiêu cực.

Giữa hai nước từ lâu đã có nhiều đợt sóng ngầm vì những bất đồng đã đẩy quan hệ song phương ngày càng gần hơn tới bờ vực, nhưng có lẽ quan hệ bắt đầu tuột dốc sau khi Canberra yêu cầu tiến hành cuộc điều tra quốc tế về nguồn gốc đại dịch Covid-19 ở Vũ Hán, một đề tài vô cùng 'nhạy cảm' đối với Bắc Kinh.

Cũng cần nhắc lại là từ giữa năm 2018 thời ông Malcolm Turnbull còn là Thủ tướng, Úc là nước đầu tiên cấm mua thiết bị 5G do Huawei, tập đoàn viễn thông khổng lồ của Trung Quốc, sản xuất, mở đường cho nhiều nước khác cấm các thiết bị của Huawei, làm Trung Quốc phẫn nộ.

Nhưng trải qua nhiều sóng gió, mậu dịch song phương cuối cùng vẫn nở rộ, bởi vì nền kinh tế Trung Quốc vẫn cần tới các nguyên vật liệu do Úc xuất khẩu.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG