Đường dẫn truy cập

Bán vũ khí cho nước khác: Một câu chuyện hai mặt


Một báo cáo mới đây của Quốc hội Anh nói các công ty Anh có nhiều hợp đồng bán vũ khí cho 6 quốc gia mà chính phủ Anh đã chỉ định hoặc là có thành tích xấu về nhân quyền, hoặc là có những hành vi đáng ngờ.

Báo cáo này thể hiện thế tiến thoái lưỡng nan của các quốc gia xuất khẩu vũ khí.

Báo chí Anh dùng những lời lẽ rất mạnh để nói về tin này, họ gọi tiền lời của những vụ này là “đồng tiền máu,” và dùng những hình màu đỏ để minh họa các hợp đồng mua bán vũ khí với các nước như Iran, Zimbabwe và Tunisia.

Theo lời ông Jack McDonald, chuyên viên nghiên cứu chiến tranh tại King's College ở London, chuyện này đáng xấu hổ, nhưng không có gì ngạc nhiên. Ông nói:

“Vấn đề là nước Anh ở vào cái thế giống như các nước xuất khẩu vũ khí khác. Những nước mua vũ khí nhiều nhất thường là những nước chúng ta thấy có thành tích nhân quyền không đáp ứng các tiêu chuẩn của chúng ta,”

Trong những tháng gần đây, kế hoạch của các nước phương Tây muốn bán vũ khí cho phe nổi dậy ở Syria gây nhiều quan tâm, nhất là phe nổi dậy ngày càng mạnh lên. Cùng lúc, số vũ khí phòng không mà Nga bán cho chính phủ Syria gặp phải những chỉ trích của phương Tây và Israel.

Trung Quốc cũng đóng một vai trò quan trọng đối với các vụ buôn bán vũ khí trên thế giới, dù Phát ngôn viên Hồng Lỗi của bộ ngoại giao đã biện minh:

“Về vấn đề xuất khẩu vũ khí, Trung Quốc luôn luôn có một thái độ có trách nhiệm và thận trọng, tuân thủ các nghị quyết của Hội Đồng Bảo An và luật pháp quốc tế.”

Điều đáng quan tâm là Trung Quốc không xét đến thành tích nhân quyền của các nước muốn mua vũ khí trước khi quyết định bán hay không.

Sản xuất và xuất khẩu vũ khí rất quan trọng cho kinh tế và quốc phòng của nhiều nước. Số thu giúp các chương trình nghiên cứu tốn kém và phát triển thêm các loại vũ khí mới, và cũng giúp điều chỉnh cán cân thương mại của nước bán.

Các nước phương Tây nói rằng xuất khẩu vũ khí cho họ có thêm ảnh hưởng tại các khu vực rối ren của thế giới. Nhưng chuyên viên Jack McDonald nói chuyện này không đơn giản:

“Mặc dù bán vũ khí cho các nước đó mang lại cho chúng ta một vài ảnh hưởng với họ, nhưng tôi không nghĩ là các nước này sẽ thay đổi chính sách nhân quyền hoặc hiểu từ nhân quyền theo cách hiểu của chúng ta.”

Tóm lại, giữ được thăng bằng là một chuyện tế nhị, khi phải tính đến mạng sống con người và tương lai của các quốc gia.

Cuối cùng, các nước bán vũ khí luôn luôn ở vào thế tiến thoái lưỡng nan, và bị chỉ trích đối với hầu như bất kỳ quyết định nào mà họ đưa ra.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG