Đường dẫn truy cập

Cựu Tổng thư ký LHQ: Quân đội Myanmar phải chủ động chấm dứt bạo lực trước


Cựu Tổng Thư ký LHQ Ban Ki Moon gặp thủ lĩnh quân đội Myanmar Min Aung Hlaing, 24/4/2023.
Cựu Tổng Thư ký LHQ Ban Ki Moon gặp thủ lĩnh quân đội Myanmar Min Aung Hlaing, 24/4/2023.

Cựu Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-Moon hôm thứ Ba 25/4 kêu gọi chấm dứt bạo lực ở Myanmar sau khi gặp nhà lãnh đạo của giới quân đội cầm quyền ở nước này. Ông nói rằng quân đội "phải có những bước đi trước".

Ông Ban đã gặp thủ lĩnh chính quyền quân sự Min Aung Hlaing và một cựu tổng thống theo đường lối cải cách, Thein Sein, trong tuần này trong hoạt động được coi là sứ mệnh kiến tạo hòa bình cho đất nước đang bị xung đột tàn phá.

Myanmar rơi vào khủng hoảng kể từ khi quân đội lật đổ chính phủ dân cử có người đứng đầu là khôi nguyên giải Nobel Hòa bình Aung San Suu Kyi hồi tháng 2/2021. Trong cuộc khủng hoảng này, các tướng lĩnh loay hoay củng cố quyền lực và chiến đấu trên nhiều mặt trận chống lại quân nổi dậy thuộc các sắc tộc thiểu số và phong trào vũ trang ủng hộ dân chủ.

"Tôi đến Myanmar để thúc giục quân đội chấm dứt bạo lực ngay lập tức và bắt đầu đối thoại mang tính xây dựng giữa tất cả các bên liên quan", ông Ban nói trong một tuyên bố của nhóm "Trưởng Lão" gồm các cựu lãnh đạo trên thế giới mà ông là phó chủ tịch.

Tờ báo Global New Light of Myanmar do nhà nước điều hành đưa tin rằng hai ông Ban và Min Aung Hlaing "đã trao đổi quan điểm về những tiến bộ mới nhất của Myanmar và thảo luận thân mật về vấn đề này với thái độ xây dựng".

Chuyến thăm bất ngờ diễn ra hôm 23/4 theo lời mời của quân đội. Ông Ban, người Hàn Quốc, đã kêu gọi các tướng lĩnh hành động theo thỏa thuận hòa bình đã được thống nhất vào năm 2021 với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).

Ông Ban "cảnh báo rằng nếu tổ chức bầu cử trong điều kiện hiện nay sẽ có nguy cơ gây ra bạo lực và chia rẽ hơn nữa, và kết quả không được người dân Myanmar, ASEAN và cộng đồng quốc tế rộng lớn công nhận".

Ông Min Aung Hlaing thông báo hồi tháng 2 rằng các cuộc bầu cử đa đảng phải được tổ chức "như người dân mong muốn", nhưng không đưa ra mốc thời gian.

Ông Ban đã thực hiện nhiều chuyến đi tới Myanmar trong khuôn khổ hoạt động của Liên Hiệp Quốc trước khi quá trình chuyển đổi thử nghiệm đã bắt đầu vào năm 2011 sau 5 thập kỷ đất nước chịu sự cai trị của quân đội. Cuộc chuyển đổi này ủng hộ các cải cách chính trị và kinh tế dưới thời tướng hồi hưu Thein Sein, nhưng các cải cách đó đã bị đảo ngược bởi cuộc đảo chính năm 2021.

Chưa có dấu hiệu nào cho thấy bạo lực sẽ lắng xuống ở Myanmar.

Hơn 100 người đã thiệt mạng hôm 11/4 trong một cuộc không kích của quân đội vào một ngôi làng, theo các nhà hoạt động đối lập và các phương tiện truyền thông.

Bà Suu Kyi đang thụ án 33 năm tù vì nhiều tội danh mà bà phủ nhận và đảng của bà đã bị giải tán.

(Reuters)

Diễn đàn

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG