Đường dẫn truy cập

Bài toán lãi suất của tân thống đốc Nguyễn Văn Bình


Bài toán lãi suất của tân thống đốc Nguyễn Văn Bình
Bài toán lãi suất của tân thống đốc Nguyễn Văn Bình

Từ khi nhậm chức hồi cuối tháng 7, 2011, một trong những thay đổi về chính sách lớn nhất mà tân Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Bình đưa ra là hạ lãi suất. Lập trường này đi ngược với quan điểm của người tiền nhiệm là ông Nguyễn Văn Giàu, vốn được coi là người đứng đằng sau câu chuyện thắt chặt tiền tệ.

Theo Thống đốc Bình, “từ tháng 9, lãi suất có thể giảm từ 17%-19% và ngay trong tháng 8 [chính phủ] sẽ tung ra một loạt các biện pháp kinh tế chứ không còn là các biện pháp hành chính đơn thuần như trước đây”.

Con số lãi suất 17%-19% mà Thống đốc Bình đưa ra là lãi suất cho vay thương mại. Mức lãi suất cho vay thương mại là lãi suất các ngân hàng áp dụng cho các khoản vay thương mại của doanh nghiệp và/hoặc hộ gia đình. Nó không phải là con số NHNN có thể ấn định. Vì thế về nguyên tắc NHNN chỉ có thể gián tiếp tác động đến nó.

NHNN có thể làm gì? NHNN có thể thực hiện nới lỏng tín dụng bằng cách (1) hạ lãi suất cơ bản, (2) hạ các lãi suất tái chiết khấu và lãi suất tái cấp vốn, (3) hoặc giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc.

Hạ lãi suất cơ bản?

Hiện nay lãi suất cơ bản vẫn đang ở mức 9%, không tăng kể từ đầu 2010. Theo Bộ luật Dân sự, lãi suất của mọi hoạt động thương mại không vượt quá 50% của lãi suất cơ bản do NHNN ấn định. Như vậy, với mức lãi suất cơ bản 9%, nếu đúng theo Bộ luật Dân sự, lãi suất huy động và lãi suất cho vay đều không thể vượt quá 13,5%. Tuy nhiên, chính NHNN hiện nay đã cho phép các ngân hàng thương mại (NHTM) huy động tiền gửi với lãi suất lên tới 14% còn lãi suất cho vay thương mại thì đang vượt quá mức 20%. Vì thế, trên nguyên tắc thì chính sách của NHNN vẫn đang vi phạm Bộ luật Dân sự.

NHNN có thể hạ lãi suất cơ bản, từ đó hạ trần lãi suất huy động của các NHTM xuống dưới mức 14%. Tuy nhiên có một thực tế là các NHTM hiện nay đều huy động tiền gửi với lãi suất vượt trần 14% rất nhiều (có thể lên tới 18%-20%) bất chấp quy định của NHNN về trần lãi suất tiền gửi. Cách “lách” luật của các NHTM thường là khách hàng đi gửi tiền nhận được lãi suất tiền gửi không quá 14% (đúng như quy định của NHNN) và đồng thời nhận được một phần “quà tặng” bằng tiền mặt.

Không có lí do gì các NHTM không tiếp tục lách luật giống như trước, ngay cả khi NHNN hạ lãi suất cơ bản xuống thấp hơn mức 9% hiện nay. Và vì thế không có lí do để hi vọng lãi suất cho vay sẽ thấp đi khi nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp vẫn rất cao và vẫn có các doanh nghiệp sẵn sàng trả lãi suất cao để vay vốn.

Vì thế, có lẽ chìa khóa ở đây không phải là hạ lãi suất cơ bản, mà là sử dụng biện pháp hành chính để xử lý các trường hợp lách luật của NHTM nhằm đảm bảo các NHTM này không huy động tiền gửi với lãi suất cao quá mức NHNN cho phép. Việc này trên nguyên tắc là có thể làm được, nhưng không dễ dàng.

Hạ các lãi suất tái chiết khấu và lãi suất tái cấp vốn

Hiện nay, lãi suất tái chiết khấu và lãi suất tái cấp vốn do NHNN quy định là 13% và 14%. Bản chất của tái chiết khấu là việc các NHTM đến NHNN thế chấp các chứng chỉ tài sản có giá (chủ yếu là trái phiếu chính phủ) để vay tiền từ NHNN. Tái cấp vốn về cơ bản cũng giống như tái chiết khấu nhưng các tài sản đem ra thế chấp không tốt bằng, vì thế lãi suất cao hơn (14% so với 13%).

Mức lãi suất tái chiết khấu và lãi suất tái cấp vốn hiện nay thấp hơn rất nhiều so với lãi suất huy động. Vì thế các NHTM có thể kiếm được tiền từ việc vay vốn của NHNN rồi cho vay lại. Đây là động cơ chính của các NHTM khi mua trái phiếu chính phủ. Tuy nhiên, không phải NHTM nào có trái phiếu chính phủ cũng có thể đến NHNN để vay vốn khi cần, và không phải có thể thế chấp hết được các trái phiếu này để vay vốn. Lý do là NHNN cần phải kiểm soát lượng tiền bơm vào nền kinh tế qua dạng nghiệp vụ này.

Việc giảm lãi suất tái chiết khấu và lãi suất tái cấp vốn, vì thế, có lợi cho những NHTM đang ôm trái phiếu chính phủ nhưng không trực tiếp dẫn tới câu chuyện giảm lãi suất cho vay trừ khi NHNN quyết định tăng lượng tiền bơm vào nền kinh tế. Vì thế, chìa khóa ở đây cũng không phải là việc hạ lãi suất tái chiết khấu và lãi suất tái cấp vốn, mà là tăng cung tiền hay không tăng cung tiền.

Vì việc tăng cung tiền trên nguyên tắc mâu thuẫn với nỗ lực kìm lạm phát của chính phủ trong năm 2011, khả năng NHNN bơm thêm tiền vào nền kinh tế thông qua các nghiệp vụ tái chriết khấu và tái cấp vốn gần như không thể có.

Giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc

Tỷ lệ dự trữ bắt buộc hiện nay là 3% đối với các khoàn tiền gửi không kỳ hạn hoặc có kỳ hạn dưới 12 tháng và 1% đối với các khoản gửi có kỳ hạn trên 12 tháng. Đây là tỷ lệ rất thấp được ấn định từ nhiều năm trước. Từ tháng 4, 2011 tới nay, có nhiều ý kiến bàn đến chuyện NHNN tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc nhưng rốt cuộc biện pháp này không được thực hiện vì nhiều quan điểm cho rằng tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc là quá sức đối với hệ thống ngân hàng của Việt Nam.

Tỷ lệ 3% và 1% là tỷ lệ quá thấp và không thể thấp hơn được nữa vì lý do an toàn của hệ thống ngân hàng, NHNN không thể hạ thấp tỷ lệ này được nữa. Do đó, giải pháp này trên nguyên tắc sẽ không khả thi.

Do đó, mặc dù Thống đốc Bình có quyết tâm hạ lãi suất, ông không có nhiều lựa chọn để thực hiện mong muốn này. Có nhiều khả năng ông sẽ phải dựa vào việc ép các NHTM hạ lãi suất huy động tiền gửi làm giải pháp chính để thực hiện mục tiêu của mình.

* Blog của Tiến sĩ Trần Vinh Dự là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

  • 16x9 Image

    Trần Vinh Dự

    Trần Vinh Dự chuyên nghiên cứu, tư vấn, và viết về các vấn đề kinh tế của Việt Nam, Hoa Kỳ và thế giới. Ngoài lĩnh vực sở trường này, ông cũng thường xuyên viết về các vấn đề quan hệ quốc tế liên quan tới Á Châu. Trần Vinh Dự tốt nghiệp tiến sĩ kinh tế tại Đại học tổng hợp Texas ở Austin, làm chuyên gia tư vấn kinh tế cho tập đoàn ERS Group Inc., đồng sáng lập và là cố vấn cho Quỹ nghiên cứu Biển Đông.

Đường dẫn liên quan

VOA Express

XS
SM
MD
LG