Đường dẫn truy cập

Một bài thơ đa phương tiện tiên phong


Một bài thơ cụ thể của Guillaume Apollinaire (1880 – 1918)
Một bài thơ cụ thể của Guillaume Apollinaire (1880 – 1918)

Thơ, cho đến gần đây, hầu như chỉ sử dụng một phương tiện truyền thông duy nhất: hoặc là tiếng nói (ca dao), hoặc là chữ viết (thơ trong cái gọi là văn học thành văn nói chung), hoặc chữ viết kết hợp với hình ảnh (concrete poetry) hay thơ tạo hình (visual poetry). Gần đây, với sự phát triển của kỹ thuật, người ta thấy xuất hiện một hình thức thơ mới: thơ đa phương tiện (multimedia poetry), trong đó có sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa ba yếu tố: chữ viết, hình ảnh và âm thanh.

Cái mới trong thơ đa phương tiện không phải chỉ ở sự kết hợp mà còn ở từng yếu tố một. Ví dụ, hình ảnh. Thơ tạo hình (visual poetry) trước đây cũng có hình ảnh. Nhưng đó thường là hình ảnh bất động, nằm chết dí trên trang giấy. Hình ảnh trong thơ đa phương tiện lại khác: chúng đa dạng và không ngừng chuyển động trong môi trường ảo của internet. Âm thanh cũng vậy. Trong thơ truyền khẩu, nói đến âm thanh chủ yếu chỉ là nói đến tiếng nói. Trong thơ đa phương tiện, âm thanh có thể bao gồm cả âm nhạc cũng như vô số các loại âm thanh tự nhiên khác từ tiếng gió đến tiếng sóng, tiếng lá reo, tiếng đạn bom gầm thét, v.v… Bất cứ là âm thanh gì. Ngay cả chữ viết, trong thơ đa phương tiện, cũng khác. Chữ viết, nói chung, thuộc phạm trù không gian: Đọc chữ, người thì đọc từ trái qua phải; người, ngược lại, đọc từ phải qua trái (như trong chữ Hán); mọi người đều phải đọc từ trước ra sau và từ trên xuống dưới. Tất cả đều mang tính không gian. Chữ viết trong thơ đa phương tiện còn mang tính thời gian: Chúng có thể xuất hiện từ từ. Để hoà điệu với hình ảnh và âm thanh trong cả bài thơ.

Sự kết hợp của tất cả các yếu tố ấy làm một bài thơ đa phương tiện không giống một bức tranh, kể cả tranh hoạt hoạ, cũng không giống âm nhạc, kể cả âm nhạc minh hoạ, và cũng không giống thơ theo nghĩa truyền thống. Thơ đa phương tiện là một thể loại mới gắn liền với sự phát triển của các kỹ thuật truyền thông hiện đại, chủ yếu là máy vi tính và mạng internet. Hiệu quả nghệ thuật của bài thơ, do đó, cũng là sự tổng hợp của tất cả các yếu tố cấu thành bài thơ. Thưởng thức một bài thơ đa phương tiện, cũng do đó, là thưởng thức chữ nghĩa, âm thanh và hình ảnh cùng lúc và trong sự vận động của chúng. Xin lưu ý chữ “cùng lúc” và chữ “vận động”. Bỏ qua hai yếu tố ấy, chúng ta rất dễ bị lọt ra ngoài quỹ đạo mỹ học của thơ đa phương tiện.

Bàn về mỹ học của thơ đa phương tiện là một chuyện thú vị nhưng lại quá phức tạp trong khuôn khổ một bài viết trên blog. Nó cần được đào xới trong một bài tiểu luận dài, nghiêm chỉnh và nặng tính học thuật hơn. Bây giờ chỉ xin mời bạn đọc thưởng thức một bài thơ đa phương tiện của Thận Nhiên (với sự hợp tác của Hoàng Ngọc-Tuấn và Mynh) “Giả thiết về cánh tay phải của Chúa Giê-Su” đăng trên Tiền Vệ:

Khi vào được trang Tiền Vệ ở trên, xin bấm vào hình ảnh ở trang đầu và bài thơ sẽ dần dần hiện lên và kéo dài trong khoảng hơn ba phút.

Một bài thơ đa phương tiện tiên phong
Một bài thơ đa phương tiện tiên phong


Mời bạn vào xem và cho biết bạn nghĩ gì nhé.

  • 16x9 Image

    Nguyễn Hưng Quốc

    Nhà phê bình văn học, nguyên chủ bút tạp chí Việt (1998-2001) và đồng chủ bút tờ báo mạng Tiền Vệ (http://tienve.org). Hiện là chủ nhiệm Ban Việt Học tại trường Đại Học Victoria, Úc. Đã xuất bản trên mười cuốn sách về văn học Việt Nam.

Đường dẫn liên quan

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG