Đường dẫn truy cập

Bắc Kinh ‘sẽ thay đổi’ cách bổ nhiệm, bãi nhiệm lãnh đạo Hong Kong


Ông Trầm Xuân Diệu tại một cuộc họp báo hồi tháng 3/2018 (ảnh tư liệu)
Ông Trầm Xuân Diệu tại một cuộc họp báo hồi tháng 3/2018 (ảnh tư liệu)

Ông Trầm Xuân Diệu (Shen Chunyao), quan chức cao cấp quốc hội Trung Quốc, nói với phóng viên hôm thứ Sáu 1/11 rằng Bắc Kinh "sẽ cải thiện hệ thống và cơ chế liên quan đến cách thức chính quyền trung ương bổ nhiệm và bãi nhiệm các trưởng đặc khu và các quan chức chính yếu khác" ở Hong Kong và Macao.

Ông nói rằng quyết định này được đưa ra trong một hội nghị của cơ quan ra quyết sách hàng đầu thuộc Đảng Cộng sản, họp ở Bắc Kinh trong tuần này.

Ông Trầm không đi vào chi tiết là những thay đổi đó có thể tác động gì đến Trưởng đặc khu đương nhiệm của Hong Kong, bà Carrie Lam, hoặc khi nào thay đổi sẽ diễn ra.

Phải đến năm 2022 bà Lam mới kết thúc nhiệm kỳ hiện tại.

Cùng ngày, ông Trầm cũng công bố các biện pháp khác liên quan đến Hong Kong và Macao đã được phê duyệt trong hội nghị của các nhà lãnh đạo hàng đầu trong đảng cộng sản, là dịp họ đặt ra các chính sách cho những năm tới.

Ông Trầm nói rằng Bắc Kinh sẽ cải thiện hệ thống pháp luật và tăng cường "thực thi pháp luật" ở hai đặc khu hành chính, cũng như "tăng cường" giáo dục tại hai thành phố đó.

Cụ thể, cải cách giáo dục sẽ tập trung vào giới trẻ “để đồng bào Hong Kong và Macao sẽ củng cố kiến thức về dân tộc và lòng yêu nước". Nỗ lực đưa các bài giảng "giáo dục yêu nước" bắt buộc vào các trường học ở Hong Kong hồi năm 2012 đã dẫn đến các cuộc biểu tình rộng khắp mà cuối cùng đã làm cho kế hoạch bị hoãn lại.

Những người biểu tình ở Hong Kong lên kế hoạch biểu tình bằng cách nhảy flash mob ở các trung tâm mua sắm vào ngày 1/11 sau một đêm đụng độ ở một khu trung tâm nhiều quán bar, cùng lúc với việc nhà hoạt động dân chủ nổi tiếng Joshua Wong kêu gọi 100.000 người xuống đường vào thứ Bảy 2/11.

Hôm 29/10, anh Wong bị loại khỏi cuộc bầu cử cấp quận sắp tới, một động thái mà anh nói rằng rõ ràng là “có động cơ chính trị”.

“Chúng tôi đã cho cộng đồng quốc tế thấy cuộc bầu cử ở Hong Kong bị Bắc Kinh thao túng như thế nào”, anh Wong nói với các phóng viên hôm 1/11. “Nếu ngày càng có nhiều người, không chỉ là vài nghìn mà nếu hơn 100.000 người Hong Kong xuống đường vào ngày mai 2/11, việc làm đó có thể cho cả thế giới biết về cách thức người dân Hong Kong đấu tranh cho một cuộc bầu cử tự do”.

(CNN, Reuters)

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG