Đường dẫn truy cập

30 năm sau thảm họa rò rỉ khí độc ở Ấn độ, vết thương vẫn chưa lành


Người biểu tình đốt hình nộm tượng trưng cho công ty hoá chất Dow Chemical mà họ cho là phải chịu trách nhiệm về thảm họa ở Bhopal 2/12/14
Người biểu tình đốt hình nộm tượng trưng cho công ty hoá chất Dow Chemical mà họ cho là phải chịu trách nhiệm về thảm họa ở Bhopal 2/12/14

Những người biểu tình tại Ấn Độ đã đánh dấu kỷ niệm 30 năm ngày xảy ra thảm họa rò rỉ khí độc tại thị trấn Bhopal ở miền trung Ấn Độ, giết chết hơn 3.000 người. Các nhà hoạt động nói rằng 25.000 người khác đã thiệt mạng tiếp theo sau thảm hoạ này, và nhiều người khác nữa vẫn tiếp tục chịu đựng hậu quả về thể chất cũng như tinh thần do ngộ độc gây ra. Thông tín viên Zlatica Hoke của Đài VOA tường thuật rằng những người biểu tình muốn công ty Union Carbide, bây giờ là một công ty con của Công ty hóa chất Dow, phải hoàn toàn chịu trách nhiệm trong thảm hoạ này.

Những người biểu tình hô khẩu hiệu và mang hình ảnh của các nạn nhân đã tuần hành ở Bhopal hôm thứ ba để đòi công lý. Họ đốt một hình nộm tượng trưng cho công ty hoá chất Dow Chemical, chủ sở hữu của Union Carbide, mà họ cho là phải chịu trách nhiệm về thảm họa này.

Ông Balkrishna Namdeo, một người tổ chức cuộc tuần hành, nói:

"Các công ty đa quốc không nên được phép làm ăn ở đây mà không phải chịu trách nhiệm về những gì họ làm. Việc chúng tôi đốt hình nộm hôm nay là một biểu tượng của sự giận dữ của chúng tôi."

Ngày 3 tháng 12 năm 1984, một nhà máy sản xuất thuốc trừ sâu tại Bhopal do công ty Union Carbide điều hành, đã làm khoảng 40 tấn khí độc chết người Methyl Isocyanate rò rỉ vào môi trường, tạo ra thảm họa công nghiệp tệ hại nhất trên thế giới. Những người sống sót và gia đình của các nạn nhân nói họ vẫn đang chờ để được bồi thường đầy đủ.

Một goá phụ tên Ansuyeval phát biểu:

"Cả gia đình tôi bị tác động nghiêm trọng. Chồng tôi qua đời trong vòng hai tháng sau thảm họa, tôi cũng bị tác động nặng nề, với rất nhiều vấn đề về sức khỏe. Chúng tôi lúc đó có hai con bò nuôi trong nhà- chúng cũng đã chết. Do đó sinh kế của tôi bị ảnh hưởng nặng nề. Các con tôi và tôi sống sót, nhưng chúng tôi chỉ được hưởng những dịch vụ chăm sóc sức khỏe tối thiểu."

Công ty Dow Chemical bác bỏ trách nhiệm. Họ nói rằng chính phủ Ấn Độ đã nắm quyền kiểm soát địa điểm này vào năm 1998. Tuy nhiên, nhiều nhà hoạt động vẫn đổ lỗi cho công ty Dow.

Quản trị viên của dưỡng đường Chingari, bà Rasheeda Bee nói:

"Chúng tôi muốn nói với chính phủ rằng họ nên mở mắt ra, và ít nhất là bắt công ty Dow Chemical phải chịu trách nhiệm trước Tòa án Tối cao, và buộc họ chịu trách nhiệm đã phá hoại thế hệ kế tiếp, yêu cầu họ phải chịu trách nhiệm trong nỗ lực phục hồi, chữa trị và phương kế sinh nhai của những người sống sót, để những người này có thể sống một cuộc sống tử tế."

8 cựu nhân viên của Union Carbide ở Bhopal đã bị kết tội bất cẩn gây chết người, và bị tuyên án hai năm tù giam. Các nạn nhân và giới hoạt động nói hình phạt đó là không đủ.

Ông Balkhrisna nói:

"Trong 30 năm qua chúng tôi đã đạt được một số điều, nhưng điều mà những nạn nhân vụ rò rỉ khí độc có quyền được hưởng, là công lý, thì chúng tôi chưa có. Cho đến nay, chính quyền trung ương đã không thực hiện bất kỳ hành động nào chống lại các công ty phải chịu trách nhiệm ."

Các nhà đấu tranh cho môi trường cảnh báo rằng thảm kịch Bhopal vẫn chưa kết thúc, bởi vì các chất độc hại đã gây ô nhiễm cho đất đai và nước ngầm, và tiếp tục là một mối đe dọa cho các khu dân cư.

Bà Dhingra, một nhà tranh đấu thuộc nhóm Thông tin và Hành động cho Bhopal, nói:

"Hiện vẫn còn vấn đề phải dọn sạch các chất thải độc hại, còn tồn tại bên ngoài nhà máy và đã làm ô nhiễm nguồn nước ngầm, tác động tới hơn 50.000 người. Hiện vẫn còn vấn đề phải cung cấp các dịch vụ phục hồi chức năng và theo dõi sức khỏe cho những trẻ em bị dị tật bẩm sinh do hậu quả của thảm họa rò rỉ khí độc, và các bậc cha mẹ cư ngụ trong các khu vực bị ô nhiễm nước."

Cư dân Bhopal hôm thứ Ba đã khánh thành một viện bảo tàng lịch sử truyền miệng có chứa những hình ảnh và vật dụng cá nhân của các nạn nhân, kèm theo những đoạn ghi âm do thân nhân của họ thâu thanh. Những người sống sót cũng thâu lại những lời chứng của mình cho viện bảo tàng này.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG