Đường dẫn truy cập

Bắt khai báo tài khoản xã hội khi xin visa vào Mỹ là vi phạm nhân quyền?


Các ứng viên xin visa tại Tòa Đại sứ Mỹ ở thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc
Các ứng viên xin visa tại Tòa Đại sứ Mỹ ở thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc

Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đang đối mặt vụ kiện về quy định buộc những người xin thị thực vào Mỹ phải tiết lộ tài khoản truyền thông xã hội của họ - bao gồm cả những tài khoản dưới tên giả.

Tuy nhiên, một luật sư di trú nói với VOA rằng cho đến giờ, quy định này vẫn còn rất mơ hồ và không nói rõ nó sẽ được thực hiện như thế nào nên không có cơ sở cho rằng nó vi phạm những quyền cơ bản theo Hiến pháp Mỹ.

Hôm 5/12, hai hãng phim tài liệu là Doc Society, có trụ sở tại Brooklyn và Hiệp hội phim tài liệu quốc tế, có trụ sở tại Los Angeles – những nơi tổ chức các hội nghị và hội thảo có sự tham gia của các nhà làm phim và các nhà hoạt động xã hội nước ngoài vốn phải xin thị thực để đến Mỹ, đã đứng ra kiện chính quyền Donald Trump về quy định này, New York Times đưa tin.

Vụ kiện được hai cơ quan là Viện Knight về Tu chính án thư nhất thuộc Đại học Columbia và Trung tâm Tư pháp Brennan thuộc trường Luật Đại học New York vốn đại diện cho hai hãng phim tài liệu nói trên đồng đệ đơn.

Gây nguy hiểm cho ứng viên xin visa

Quy định này xuất phát từ lời hứa trong chiến dịch tranh cử của Tổng thống Trump là ‘kiểm tra hết mức’ người nhập cư cũng như các sắc lệnh hành pháp vào đầu nhiệm kỳ của ông vốn cấm công dân từ một số quốc gia Hồi giáo đến Mỹ.

Đơn kiện lập luận rằng buộc người dân ở các quốc gia độc tài phải tiết lộ tên giả mà họ dùng để thảo luận về các vấn đề nhạy cảm về chính trị có thể đặt họ vào tình thế nguy hiểm với rủi ro là những thông tin này có thể rơi vào tay chính quyền nước sở tại. Hậu quả là, những người này nói rằng, sẽ ít có khả năng họ bày tỏ ý kiến trên mạng xã hội hoặc xin thị thực vào Mỹ.

“Nhiều người sử dụng tên giả trên mạng xã hội để họ có thể che giấu danh tính khi nói về các vấn đề nhạy cảm hoặc gây tranh cãi, và vì vậy họ có thể bảo vệ bản thân, gia đình hoặc cộng sự trước sự trả thù từ phía nhà nước hoặc cá nhân,” đơn kiện được New York Times dẫn lời viết. “Yêu cầu này trên thực tế cột khả năng được cấp thị thực với sự sẵn sàng của họ để chấm dứt ẩn danh trên mạng.”

Chính quyền Trump đã công bố quy định này hồi năm 2018 và đã bắt đầu thực thi nó trong năm nay. Bộ Ngoại giao đã thay đổi mẫu đơn xin thị thực theo hướng yêu cầu người nộp đơn cung cấp tất cả các danh tính mà họ đã sử dụng trên bất kỳ 20 nền tảng truyền thông xã hội nào trong 5 năm qua, bao gồm Twitter, Facebook và Instagram. Quy tắc này ảnh hưởng đến khoảng 14,7 triệu người nộp đơn xin thị thực vào Mỹ mỗi năm, theo New York Times.

Đơn kiện này, nộp lên Tòa án Liên bang tại Quận Columbia, kiện cả Bộ Ngoại giao, nơi xử lý các hồ sơ xin thị thực và Bộ An ninh Nội địa, vốn sử dụng các dữ liệu xin thị thực cho các mục đích khác, bao gồm quản lý luật nhập cư.

Trong một dòng tweet, Twitter đã phản đối quy định này của Bộ Ngoại giao Mỹ, nói rằng quy định này làm hạn chế ngôn luận tự do: “Twitter cam kết nuôi dưỡng quyền tự do bày tỏ ý kiến và thảo luận công khai cho mọi người - bao gồm bảo vệ quyền được nói chuyện ẩn danh mà không sợ bị trả đũa hay trả thù”.

“Thu thập danh tính tài khoản mạng xã hội từ những người xin thị thực, bao gồm tài khoản Twitter của họ, sẽ có tác dụng đè nén quyền thảo luận đó. Vì những lý do này, chúng tôi phản đối mạnh mẽ các quy định khai báo tài khoản mạng xã hội của Bộ Ngoại giao Mỹ.”

‘Vi phạm Hiến pháp’

Đơn kiện nói rằng các quan chức chính quyền đã xây dựng quy định này không đúng quy tắc và lập luận rằng họ không thể trưng ra bằng chứng rằng nó sẽ hiệu quả và cần thiết và rằng nó vi phạm Hiến pháp bằng cách làm suy yếu quyền tự do ngôn luận và hội họp.

Những ứng viên xin thị thực ‘phải xem xét nguy cơ quan chức Mỹ sẽ diễn dịch sai phát ngôn của họ trên mạng xã hội, áp đặt lời nói của người khác vào miệng của họ, hoặc khiến họ bị dò xét kỹ hơn hoặc chậm được xử lý hồ sơ vì những quan điểm mà họ hoặc các liên hệ bạn bè của họ đã thể hiện,” đơn kiện được New York Times dẫn lời viết.

Việc này cũng dẫn đến nguy cơ các chính quyền độc tài, bao gồm cả một số đồng minh của Mỹ, có thể sử dụng dữ liệu này để vạch trần những người bất đồng chính kiến ẩn danh, cũng theo đơn kiện.

“Những người sử dụng nhân dạng giả phải tính đến việc họ sẽ phải khai báo danh tính giả của họ cho các quan chức Mỹ khi họ nộp đơn xin thị thực và họ cũng phải xem xét rủi ro phía Mỹ sẽ tiết những danh tính giả này cho các chính phủ nước ngoài hoặc không giữ kín được những danh tính này trước các bên thứ ba vốn có thể tiếp cận một cách bất hợp pháp,” cũng theo đơn kiện.

Trong khi hầu hết những người bị ảnh hưởng bởi quy định mới này là người nước ngoài, đơn kiện cũng lưu ý rằng quy định này cũng tác động tới những người có quan hệ đáng kể với Mỹ chẳng hạn như sinh viên nước ngoài và người nước ngoài có giấy phép làm việc ở Mỹ phải xin gia hạn thị thực khi ở bên ngoài nước Mỹ.

Hai hãng phim tài liệu đứng nguyên đơn cho biết một số đối tác và thành viên của họ đang phải tự kiểm duyệt, bao gồm xóa các bài viết cũ mang tính chỉ trích chính sách của chính quyền Trump. Những người khác thì ‘không nộp đơn xin thị thực vào Mỹ nữa và do đó bỏ đi các cơ hội cá nhân, giáo dục và nghề nghiệp’ vì họ sợ hậu quả của việc tiết lộ tài khoản mạng xã hội.

“Chính quyền đơn giản là không có lợi ích chính đáng trong việc thu thập loại thông tin nhạy cảm này ở quy mô lớn, và Tu chính án Thứ nhất không cho phép làm như vậy,” ông Jameel Jaffer, giám đốc điều hành của Viện Knight cho biết.

‘Sẽ không đi tới đâu’

Trao đổi với VOA, ông Khanh Phạm, luật sư di trú ở Houston, Texas, nhận định rằng ‘vụ kiện này sẽ không đi tới đâu’.

“Phía chính quyền không nêu rõ họ sẽ dùng những thông tin được cung cấp như thế nào,” ông giải thích. “Nếu sở di trú và hải quan nói trước tòa rằng họ không làm gì hết thì quan tòa có thể sẽ phán quyết rằng quy định này sẽ không ảnh hưởng gì.”

Tuy nhiên, ông cho biết quan tòa có thể yêu cầu các cơ quan di trú phải làm rõ là sau này họ sẽ những dụng những thông tin về mạng xã hội như thế nào.

“Nói chung quy định đưa ra không nói rõ là làm như thế nào. Khi áp dụng trên thực tế thì hải quan và tòa lãnh sự sẽ làm,” ông nói và cho biết một cách dùng khả dĩ là các viên chức lãnh sự sẽ xem trên tài khoản mạng xã hội của ứng viên có thông tin liên quan đến hồ sơ xin thị thực hay không, chẳng hạn như hồ sơ đi dưới dạng cưới hỏi thì trên mạng xã hội có đăng những hình về kết hôn hay không.

Còn về lập luận cho rằng quy định này vi phạm Tu chính án Thứ nhất về quyền tự do ngôn luận, ông Khanh cho rằng quan tòa có thể phán quyết là do ứng viên xin thị thực chưa vào nước Mỹ nên không nằm trong phạm vi áp dụng của quyền tự do ngôn luận theo Hiến pháp Mỹ.

Tuy nhiên, ông Khanh thừa nhận rằng quy định này ‘có tác dụng phụ vì trong thời gian chuẩn bị xin thị thực (vào Mỹ) thì ứng viên không thể nói những gì có thể gây hại đến hồ sơ của mình’.

Ông nói ông có biết sau khi quy định này đi vào hiệu lực, đã có trường hợp ứng viên từ Iran bị từ chối cấp thị thực vì ‘nhân viên lãnh sự quán Mỹ cho biết họ có thấy bài đăng của họ trên mạng xã hội có nói về chính quyền (Mỹ) này nọ’.

Khi được hỏi về mục đích ‘extreme vetting’ (kiểm tra cực gắt gao) của quy định này có nghĩa là kiểm tra về điều gì, ông Khanh cho rằng ‘kiểm tra về an ninh’.”

“Thuật ngữ ‘extreme vetting’ theo cách dùng của ông Trump là muốn nói tới những người có nguy cơ đối với an ninh quốc gia, chủ yếu là những người đến từ Trung Đông,” luật sư Khanh giải thích.

Ông Khanh nói ông ‘chưa nghe qua trong giới luật sư có đề cập đến trường hợp nào bị kiểm tra khắt khe vì những phát ngôn mang tính chống đối chính quyền của Tổng thống Donald Trump’.

Luật sư Khanh cho biết quy định này áp dụng với các đơn xin thị thực trên toàn cầu, trong đó có Việt Nam, bất kể cho mục đích định cư hay không định cư.

VOA Express

XS
SM
MD
LG