Đường dẫn truy cập

AU nói không có hồ sơ mật sau tin cho biết TQ cài thiết bị do thám


Chủ tịch Ủy ban Liên minh Châu Phi Moussa Faki Mahamat (trái) bắt tay Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị trước cuộc hội kiến ở Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 8 tháng 2, 2018.
Chủ tịch Ủy ban Liên minh Châu Phi Moussa Faki Mahamat (trái) bắt tay Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị trước cuộc hội kiến ở Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 8 tháng 2, 2018.

Liên minh Châu Phi (AU) không có bất kỳ hồ sơ mật nào và không có gì để do thám, một quan chức phát biểu hôm thứ Năm tại Bắc Kinh, bác bỏ một bài báo trên tờ Le Monde của Pháp nói rằng Bắc Kinh đã cài thiết bị do thám tại trụ sở của khối này tại Addis Ababa.

Le Monde, dẫn các nguồn tin AU ẩn danh, tháng trước loan tin dữ liệu từ các máy tính trong tòa nhà do Trung Quốc xây dựng đã được chuyển sang các máy chủ của Trung Quốc mỗi đêm trong suốt năm năm.

Sau khi vụ xâm nhập bị phát hiện một năm trước, hệ thống công nghệ thông tin của tòa nhà bao gồm các máy chủ đã được thay đổi, theo Le Monde. Trong một vụ rà soát thiết bị nghe lén sau vụ phát hiện, các micro giấu trong bàn làm việc và trong các bức tường cũng được phát hiện và tháo bỏ, tờ báo của Pháp đưa tin.

Phát biểu trước báo giới với Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đứng bên cạnh, người đứng đầu Ủy ban Liên minh Châu Phi Moussa Faki Mahamat nói các cáo buộc trong bài báo là sai trái.

"Tôi có thể bảo đảm với quý vị rằng mối quan hệ giữa Trung Quốc và Châu Phi, như tôi đã mô tả, là không suy suyển. Không có sự theo túng nào kiểu như thế này có thể làm chúng tôi xao lãng khỏi mục tiêu của chúng tôi," ông Faki nói.

"Liên minh Châu Phi là một tổ chức chính trị quốc tế. Nó không xử lý hồ sơ mật. Chúng tôi là một chính quyền và tôi không thấy có gì đáng quan tâm đối với Trung Quốc để đề nghị xây một tòa nhà thế này và sau đó do thám," ông nói.

"Vì vậy đây là những cáo buộc hoàn toàn sai trái và tôi tin rằng chúng tôi hoàn toàn phớt lờ chúng."

Trụ sở trị giá 200 triệu đôla Mỹ này được Trung Quốc tài trợ trọn gói và xây dựng và đã khai trương rầm rộ vào năm 2012. Nó được xem là biểu tượng cho nỗ lực tìm kiếm ảnh hưởng của Bắc Kinh ở Châu Phi, và sự tiếp cận tài nguyên thiên nhiên của lục địa này.

Ông Vương nói rằng ông đánh giá cao phát biểu của ông Faki, và gọi trụ sở này là biểu tượng cho tình hữu nghị Trung Quốc-Châu Phi.

"Nó không thể bị làm lu mờ bởi bất kỳ người nào hay thế lực nào," ông Vương nói.

Mối quan hệ giữa Trung Quốc và Châu Phi đã vượt qua được những thăng trầm và những thay đổi trên trường quốc tế, ông nói.

"Có lẽ một số người hoặc một số thế lực không muốn tự mình giúp đỡ Châu Phi và cảm thấy cay cú về những thành tựu của sự hợp tác của Trung Quốc với Châu Phi.

"Bất cứ tin đồn nào cũng đều vô dụng, và bất kỳ việc gieo rắc bất hòa nào cũng sẽ không thành công."

Cũng như ở thủ đô của Ethiopia, đầu tư của Trung Quốc vào cơ sở hạ tầng đường bộ và đường sắt hiển hiện khắp lục địa này. Tại hội nghị thượng đỉnh năm 2015 ở Nam Phi, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã cam kết viện trợ và đầu tư tới 60 tỉ đôla cho lục địa này, nói rằng họ sẽ tiếp tục xây dựng đường bộ, đường sắt và hải cảng.

Trong một diễn biến riêng, ông Vương loan báo Trung Quốc sẽ tổ chức một hội nghị thượng đỉnh với các nhà lãnh đạo Châu Phi vào tháng 9 ở Bắc Kinh.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG