Đường dẫn truy cập

Thiếu hụt phi công đe dọa ngành hàng không châu Á


Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế cho biết, khu vực Châu Á chỉ có thể đào tạo và huấn luyện khoảng 35% con số phi công cần thiết mỗi năm
Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế cho biết, khu vực Châu Á chỉ có thể đào tạo và huấn luyện khoảng 35% con số phi công cần thiết mỗi năm

Sau đợt suy thoái trong ngành hàng không toàn cầu hai năm trước, các hãng máy bay Á châu lại tăng cường hoạt động, mở thêm các chặng bay mới cũng như mua thêm máy bay. Nhưng có một điều thiếu hụt, đó là phi công. Thông tín viên VOA Heda Bayron tường thuật từ Hong Kong.

Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế cho biết so với cùng kỳ năm ngoái, số hành khách đi lại bằng đường hàng không đã tăng gần 80% trong chín tháng đầu năm nay.

Chẳng những thị trường hành khách hàng không nóng bỏng, mà thị trường việc làm dành cho các các phi công cũng vậy.

Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế cho biết, khu vực này chỉ có thể đào tạo và huấn luyện khoảng 35% con số phi công cần thiết mỗi năm.

Riêng Trung Quốc cần tới hàng nghìn phi công trong vòng vài năm tới.

Tháng trước, China Southern Airlines, hãng hàng không lớn nhất của nước này, thông báo sẽ bắt đầu chương trình huấn luyện phi công ngắn ngày. Thay vì bốn năm, nay việc đào tạo chỉ mất hai năm rưỡi.

Ông Andrew Herdman là tổng giám đốc của Hiệp hội Các hãng hàng không châu Á – Thái Bình Dương, đại diện cho 17 hãng hàng không quốc tế.

Ông Herdman nói: "Một số hãng hàng không, đặc biệt là tại Trung Quốc và một số nơi khác, đang phát triển với tốc độ hai con số. Họ đang tuyển dụng nhiều phi công. Nhưng cùng lúc, cũng có một số hãng hàng không phát triển nhanh ở Trung Đông, và các hãng này có nhiều đơn đặt hàng máy bay với số lượng lớn, và cũng là các thị trường tuyển dụng phi công."

Trong vòng gần hai thập kỷ nữa, Ấn Độ dự kiến sẽ trở thành thị trường hàng không lớn thứ ba trên thế giới.

Thế nhưng, ngành hàng không Ấn Độ giờ cũng đã chật vật tìm kiếm phi công. Air India Express, hãng hàng không giá rẻ là công ty con của hãng hàng không quốc gia thuộc sở hữu của nhà nước, phải ngừng bay tới Trung Đông hồi tháng Chín vì thiếu phi công.

Một số chuyên gia về an toàn hàng không cho biết, việc thiếu hụt vừa kể có thể sẽ dẫn tới nhiều nguy cơ về an toàn vì các phi công bị buộc phải bay nhiều tuyến hơn và các tân phi công không đủ kinh nghiệm bay. Hồi tháng Chín, giới chức Trung Quốc đã phát hiện hơn 200 phi công đã khai gian kinh nghiệm công tác trong khoảng thời gian từ năm 2008 tới năm 2009.

Ông Herdman cho hay, phải mất vài năm để đào tạo một phi công thương mại.

Ông Herdman nói tiếp: "Quí vị có thể học lái máy bay cá nhân chỉ trong vòng vài tháng, nhưng để có được một bằng phi công thương mại để lái các máy bay loại lớn thì rõ ràng phải mất vài năm. Nhìn chung, thời gian đào tạo các phi công đủ điều kiện lái các máy bay thương mại lớn thường phải mất vài năm."

Tháng trước, một cuộc điều tra của chính phủ Ấn Độ cho thấy, một phi công phụ đã để cho một chiếc máy bay của Air India rơi tự do một lúc lâu vì hoảng sợ sau khi tình cờ bấm vào bàn điều khiển. Viên phi công 26 tuổi chỉ có gần 1.000 giờ bay. Tại Hoa Kỳ, các tân phi công tại các hãng hàng không lớn thường phải có kinh nghiệm khoảng 4.000 giờ bay.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG