Đường dẫn truy cập

Biển Đông: Đề tài nóng nhất tại thượng đỉnh ASEAN


Ngoại trưởng Mỹ Hillary Rodham Clinton (trái) và Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Dương Khiết Trì trong cuộc hộp bên lễ diễn đàn khu vực ASEAN tại Phnom Penh, ngày 12/7/2012
Ngoại trưởng Mỹ Hillary Rodham Clinton (trái) và Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Dương Khiết Trì trong cuộc hộp bên lễ diễn đàn khu vực ASEAN tại Phnom Penh, ngày 12/7/2012
Hoa Kỳ và Trung Quốc ngày 12/7 tỏ ý sẵn sàng hợp tác về các vấn đề nhạy cảm, một động thái nhằm xoa dịu căng thẳng giữa các bên có tuyên bố chủ quyền tại lãnh hải giàu tài nguyên và ngày càng được quân sự hóa, Biển Đông.

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton trong ngày đã gặp Ngoại trưởng Dương Khiết Trì của Trung Quốc tại Campuchia bên lề hội nghị thượng đỉnh ASEAN.

Ngoại trưởng Trung Quốc nói quan hệ Mỹ-Trung tiếp tục có tiến bộ trong năm nay và đôi bên nhất trí tăng cường đối thoại và tiếp tục phát huy những điểm chung.

Ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì tuyên bố Bắc Kinh sẵn sàng hợp tác với Washington để giải quyết hợp lý những khác biệt trong các vấn đề nhạy cảm và thúc đẩy quan hệ song phương.

Ông Dương nói sự hợp tác đó đề ra đường hướng cho mối quan hệ Mỹ-Trung hiện tại và trong tương lai.

Giới chức Mỹ cho biết tại cuộc gặp này Ngoại trưởng Trung Quốc cũng thận trọng tỏ ý cho thấy Bắc Kinh sẵn sàng tham gia đàm phán với các nước láng giềng về một bộ quy tắc ứng xử để giải quyết các tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông. Các cuộc đàm phán này dự kiến sẽ khởi sự sớm nhất là vào tháng 9 năm nay.

Ngoại trưởng Hoa Kỳ đánh giá cao tầm quan trọng của sự hợp tác giữa Washington và Bắc Kinh với các nước Đông Nam Á và nói rằng hai nước Mỹ- Trung không chỉ có thể, mà sẽ cùng hợp tác với nhau tại Châu Á.

Trước đó, Ngoại trưởng Clinton đã kêu gọi các bên tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông tránh sử dụng võ lực hay đe dọa và đồng thời cổ võ cho một giải pháp đa phương cho vấn đề, trong khi Trung Quốc nhất mực đòi giải quyết tranh chấp thông qua các cuộc đối thoại song phương với từng bên liên quan.

Ngoại trưởng Mỹ ngày 12/7 nhấn mạnh việc Trung Quốc khăng khăng mưu tìm giải pháp theo đường lối song phương có thể dẫn tới những sự nhập nhằng và thậm chí là đối đầu vì các vấn đề như quyền tự do hàng hải và quyền được phép khai thác tài nguyên biển một cách hợp pháp liên quan tới một khu vực rộng lớn.

Bà Clinton kêu gọi các nước Đông Nam Á và Trung Quốc nên minh định các tuyên bố chủ quyền theo luật quốc tế và xét tới việc hợp tác thăm dò cac trữ lượng tài nguyên dồi dào trong Biển Đông. Ngoại trưởng Hoa Kỳ đề nghị các bên hợp tác để nhanh chóng soạn ra và tuân thủ bộ quy tắc ứng xử nhằm tránh xung đột tại Biển Đông.

Các nước Đông Nam Á bao gồm Việt Nam đang tìm cách đạt được một bộ quy tắc ứng xử Biển Đông trước khi đưa ra thảo luận với Trung Quốc nhưng Bắc Kinh chưa cam kết sẽ tham gia vào tiến trình này.

Người đứng đầu ngành ngoại giao Trung Quốc ngày 11/7 tuyên bố bộ quy tắc ứng xử Biển Đông tùy thuộc vào việc tất cả các bên thực thi bản tuyên bố ứng xử Biển Đông mà ASEAN và Trung Quốc thông qua cách đây 10 năm. Ông Dương Khiết Trì nói khi nào tới thời điểm, các bên ký kết bản tuyên bố sẽ xúc tiến việc thảo luận về Bộ quy tắc ứng xử. Ông Dương nhấn mạnh thêm rằng để tạo điều kiện cho các cuộc thảo luận trong tương lai về một bộ quy tắc ứng xử thì bản tuyên bố về cách ứng xử Biển Đông phải được tất cả các bên thực thi.

Trung Quốc đã tìm cách để vấn đề tranh chấp Biển Đông không nằm trong nghị trình thảo luận của 5 ngày họp cấp cao ASEAN tại Campuchia, đưa ra những lời lẽ hòa giải trong khi vẫn tăng cường luận điệu dọa dẫm xưa nay tại Bắc Kinh. Tờ Nhân dân Nhật báo của nhà nước Trung Quốc ngày 10/7 đăng bài bình luận nói rằng các nỗ lực của Việt Nam và Philippines tại thượng đỉnh ASEAN liên quan đến vấn đề Biển Đông có thể dẫn tới những tai họa đáng tiếc. Tờ báo này cũng tố cáo Mỹ có một âm mưu mờ ám đằng sau việc thúc đẩy dân chủ ở Châu Á.

Bất chấp nỗ lực của Trung Quốc, căng thẳng Biển Đông vẫn là vấn đề lớn nhất tại Diễn đàn Khu vực Châu Á đang diễn ra tại Campuchia. Ngoài căng thẳng với Việt Nam và Philippines, Trung Quốc ngày 11/7 phát sinh thêm tranh cãi ngoại giao với Nhật Bản khi 3 tàu tuần tra của Bắc Kinh tiến tới quần đảo có tranh chấp Senkaku mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư Đài. Tokyo đã buộc tàu Trung Quốc phải lập tức rời khỏi khu vực đồng thời triệu tập đại sứ Trung Quốc để phản đối.

Ngoại trưởng Philippines Albert Rosario cho rằng Trung Quốc đang ngày càng tỏ ra gây hấn trong việc dành chủ quyền ở Biển Đông.

Ông Rosario nói: "Tới hôm nay 12/7, ASEAN vẫn chưa thống nhất về văn kiện đúc kết cho cuộc họp năm nay vì bất đồng giữa các nước trong khối về việc văn kiện này có nên đề cập đến tranh cãi gần đây giữa Việt Nam, Philippines với Trung Quốc tại Biển Đông hay không."

Các căng thẳng sôi sục bấy lâu tại Biển Đông năm nay bỗng trở nên nóng bỏng hơn khi 6 bên có tuyên bố chủ quyền tại đây tăng cường thăm dò tài nguyên trong lúc củng cố lực lượng hải quân và tăng cường đồng minh quốc phòng tại vùng biển này.

Các nhà phân tích cho rằng Mỹ đang tìm cách cân bằng giữa sự ủng hộ các đồng minh Nhật Bản và Philippines cũng như Việt Nam với các nỗ lực hợp tác với Trung Quốc. Cả Manila, Hà Nội, và Tokyo đang bất bình trước các hành động của Bắc Kinh trong thời gian gần đây tại Biển Đông.

Tại thượng đỉnh Châu Á hồi năm 2010 Mỹ đã làm Trung Quốc tức giận khi Ngoại trưởng Clinton tuyên bố Hoa Kỳ có lợi ích quốc gia tại Biển Đông.


Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG