Đường dẫn truy cập

Hầu hết người Ả Rập có thái độ tiêu cực đối với Mỹ


1 phần của cuộc thăm dò ý kiến hàng năm do trường đại học Maryland và tổ chức Zogby International thực hiện
1 phần của cuộc thăm dò ý kiến hàng năm do trường đại học Maryland và tổ chức Zogby International thực hiện

Một cuộc thăm dò công luận tại Trung Đông cho thấy hầu hết người Ả Rập có thái độ tiêu cực đối với Mỹ cũng như chính sách của Mỹ tại Trung Đông. Cuộc thăm dò được tiến hành trên 4000 người sống tại Ai Cập, Ả Rập Xê-út, Libăng, Jordan, Marốc và các Tiểu vương Ả Rập Thống nhất. Thông tín viên Mohamed Elshinnawi tường trình thêm chi tiết.

Cuộc thăm dò ý kiến hàng năm, được trường đại học Maryland và Tổ chức Zogby International thực hiện trong tháng 7 vừa qua cho thấy 63% những người trả lời có cái nhìn không thuận lợi đối với Hoa Kỳ.

Giáo sư Shibley Telhami trường đại học Maryland, người điều tra chính trong cuộc thăm dò, ghi nhận rằng chỉ mới một năm trước đây, hơn một nửa những người trả lời trong cuộc thăm dò tương tự của Zogby hy vọng về chính sách của Mỹ tại Trung Đông. Cuộc thăm dò năm nay cho thấy chỉ có 15% người Ả Rập hy vọng như vậy. Giáo sư Telhami nói cuộc thăm dò cũng tiết lộ thêm là tỉ lệ không chấp nhận Tổng thống Barack Obama trong số các người Ả Rập từ 23% trong năm 2009 lên đến 62% trong tháng qua.

Giáo sư Telhami nói: “Người Ả Rập bất bình vì vấn đề định cư của người Israel Tổng thống Obama nêu lên trước đây chỉ đưa đến kết quả là chỉ ngưng lại một phần thay vì ngưng hoàn toàn. Họ cũng bất bình vì cho tới nay, những cuộc thương thuyết để giải quyết vấn đề tình trạng cuối cùng tại Trung Đông không diễn tiến như công luận mong muốn và tôi nghĩ là nếu đạt được một thỏa thuận, công luận sẽ hoàn toàn thay đổi.”

Cuộc thăm dò của Zogby International cho thấy 61% công chúng Ả Rập xem cuộc tranh chấp Israel-Palestine là nỗi thất vọng lớn nhất của họ, so với 27% đối với vấn đề Iraq. Dù rằng người Ả Rập bi quan đối với một thỏa thuận hòa bình Israel-Palestine, nhưng 86% những người được thăm dò nói họ chuẩn bị chấp nhận một giải pháp 2 quốc gia căn cứ trên biên giới năm 1967. Tuy nhiên con số những người Ả Rập tin rằng Israel sẽ không bao giờ chấp nhận một giải pháp như vậy tăng từ 45% năm 2009 lên đến 56% trong năm nay.

Ông Kenneth Pollack, giám đốc Trung tâm Saban về chính sách Trung Đông tại Định chế Brookings, tin là con số người Ả Rập mất tin tưởng vào Hoa Kỳ và Tổng thống Barack Obama ngày càng tăng vì có sự cách biệt giữa những lời hứa của ông trong năm qua với việc ông giải quyết trong hiện tại cuộc xung đột Palestine-Israel.

Ông Pollack nói: “Một trong những điều rõ rệt Tổng thống Barack Obama có thể làm được là cố gắng nhiều hơn nữa trong nỗ lực trung gian hòa giải giữa Israel và Palestine, cố gắng đưa họ đến với nhau, nỗ lực thúc đẩy hai bên và tìm cách thu ngắn những khác biệt và đưa tiến trình hòa bình thực sự tiến lên.”

Ông Pollack nói là phương thức tiến dần dần Tổng thống Barack Obama theo đuổi trong năm qua không đưa được tiến trình hòa bình tiến tới một cách nhanh chóng như người Ả Rập trong vùng mong muốn. Một sự thay đổi có ý nghĩa trong cuộc thăm dò dư luận tại Trung Đông năm nay là 77% người Ả Rập hiện nay tin là Iran có quyền phát triển khả năng hạt nhân và không phải chịu áp lực chấm dứt chương trình này.

Giáo sư Telhami giải thích: “Người Ả Rập không xem Iran như là mối đe dọa lớn nhất và họ lo ngại Israel cũng như về chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ nhiều hơn khi được yêu cầu cho biết tên hai quốc gia đe dọa nhiều nhất đối với họ. Do đó Iran được đánh giá trong khuôn khổ hai mối đe dọa lớn nhất. Khi người Ả Rập lạc quan đối với chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ họ có thái độ cứng rắn hơn đối với Iran. Vào năm 2009 khi đa số người Ả Rập lạc quan đối với chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ tại Trung Đông, chỉ có 29% nói là việc Iran có vũ khí hạt nhân sẽ có ảnh hưởng tích cực đối với Trung Đông.”

Giáo sư Telhami nói chỉ có 20% người Ả Rập được thăm dò xác nhận thái độ của Hoa Kỳ đối với Hồi Giáo làm cho họ hài lòng.

Được hỏi nhà lãnh đạo thế giới nào được hâm mộ nhất, lần đầu tiên những người trả lời nói đó là Thủ tướngThổ Nhĩ Kỳ Recep Erdogan.

Giáo sư Telhami nói: “Đó là vì thái độ của Thủ tướngThổ Nhĩ Kỳ ủng hộ người Palestine trong cuộc chiến Gaza và sau biến cố về đoàn tàu chở hàng cứu trợ đến dải Gaza. Vì lý do đó Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ tiến lên hàng đầu. Do đó tất cả những lựa chọn thực sự là hành động của người nào mà họ cho là đóng một vai trò lớn nhất trong những vấn đề họ quan tâm nhất.”

Ngay cả tên của Tổng thống Barack Obama cũng không có trong danh sách những nhà lãnh đạo được hâm mộ nhất trong năm.

Cuộc thăm dò của trường đại học Maryland và tổ chức Zogby International cũng xem xét đến khuynh hướng theo dõi các cơ quan truyền thông của người Ả Rập. Cuộc thăm dò cho thấy việc sử dụng Internet tiếp tục tăng trong vùng. 40% những người trả lời nói họ sử dụng Internet vài lần một tuần nhưng đa số, 73% truy cập chính yếu vào các trang mạng Ả Rập.

Đài truyền hình Aljazeera có trụ sở tại Qatar tiếp tục dẫn đầu khán giả của thế giới Ả Rập như là nguồn tin đáng tin cậy chính.

Ông Kenneth Pollack thuộc Định chế Brookings ghi nhận là từ khi có cuộc tấn công khủng bố 11 tháng 9 năm 2001, những nhà hoạch định chính sách Mỹ chú trọng nhiều hơn vào những làn sóng ngầm trong thế giới Ả Rập và ông tin là những người này hiểu những bất bình được ghi nhận trong cuộc thăm dò mới này có thể có ảnh hưởng thực sự và đáng kể đối với an ninh quốc gia Hoa Kỳ. Tuy nhiên ông Pollack tin là công luận Ả Rập chỉ là một mãnh của những yếu tố phức tạp các giới chức Hoa Kỳ cần phải cân nhắc trong việc hoạch định chính sách của Hoa Kỳ tại Trung Đông.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG