Đường dẫn truy cập

Quốc vương Charles và Vương hậu Camilla của Anh đăng quang trong buổi lễ lịch sử


Vua Charles III của Vương quốc Anh và Nữ hoàng Camilla vẫy tay chào đám đông từ ban công của Cung điện Buckingham sau lễ đăng quang ở London, ngày 6 tháng 5 năm 2023.
Vua Charles III của Vương quốc Anh và Nữ hoàng Camilla vẫy tay chào đám đông từ ban công của Cung điện Buckingham sau lễ đăng quang ở London, ngày 6 tháng 5 năm 2023.

Quốc vương Charles III đăng quang vào ngày thứ Bảy trong sự kiện mang tính nghi lễ lớn nhất của nước Anh trong bảy thập niên, phô bày sự lộng lẫy hoành tráng có lịch sử từ 1.000 năm trước.

Trước cử tọa gồm khoảng 100 nhà lãnh đạo thế giới và hàng triệu khán giả truyền hình, Tổng Giám mục Canterbury, nhà lãnh đạo tinh thần của Giáo hội Anh giáo, từ từ đội Vương miện Thánh Edward 360 tuổi lên đầu ông Charles khi ông tọa trên ngai có từ thế kỷ 14 tại Tu viện Westminster.

Loạt súng chào được bắn tại Tháp London và khắp thủ đô, đất nước, ở Gibraltar, Bermuda và trên các con tàu lênh đênh trên biển. "Chúa bảo hựu Vua Charles. Vua Charles vạn tuế. Cầu cho nhà vua sống đời," cử tọa tại tu viện nói sau khi dàn kèn cất lên.

Trong buổi lễ lịch sử và trang trọng kéo dài hai giờ, bắt nguồn từ thời William Người Chinh phạt năm 1066, người vợ thứ hai của ông Charles, Camilla, cũng lên ngôi vương hậu.

Dù có lịch sử lâu đời, buổi lễ - chỉ là lần thứ hai được truyền hình - cũng là một nỗ lực nhằm thể hiện một chế độ quân chủ hướng tới tương lai, với những người tham gia phản ánh một quốc gia đa dạng hơn và tất cả các tôn giáo của nó.

Trong khi đất nước đang chật vật tìm lối đi riêng trong vòng xoáy chính trị sau khi rời khỏi Liên minh Châu Âu và duy trì vị thế của mình trong một trật tự thế giới mới, những người ủng hộ chế độ quân chủ nói rằng hoàng gia thu hút sự quan tâm của quốc tế, là một công cụ ngoại giao quan trọng và là một phương tiện để giữ nước Anh trên vũ đài thế giới.

“Không một quốc gia nào khác có thể tổ chức một sự kiện lộng lẫy như vậy – những đám rước, sự kiện hoành tráng, nghi lễ và tiệc tùng đường phố,” Thủ tướng Rishi Sunak nói.

Quốc vương Charles III được đội Vương miện Thánh Edward trong lễ đăng quang tại Tu viện Westminster, London, ngày 6 tháng 5 năm 2023.
Quốc vương Charles III được đội Vương miện Thánh Edward trong lễ đăng quang tại Tu viện Westminster, London, ngày 6 tháng 5 năm 2023.
Vương hậu Camilla đội Vương miện của Nữ hoàng Mary trong lễ đăng quang ở Tu viện Westminster, London, ngày 6 tháng 5 năm 2023.
Vương hậu Camilla đội Vương miện của Nữ hoàng Mary trong lễ đăng quang ở Tu viện Westminster, London, ngày 6 tháng 5 năm 2023.
Quốc vương Charles III và Vương hậu Camilla rời Tu viện Westminster trong cỗ xe dát vàng sau lễ đăng quang tại London, ngày 6 tháng 5 năm 2023.
Quốc vương Charles III và Vương hậu Camilla rời Tu viện Westminster trong cỗ xe dát vàng sau lễ đăng quang tại London, ngày 6 tháng 5 năm 2023.
Đám đông tụ tập để xem Lễ đăng quang của Quốc vương Charles III và Vương hậu Camilla, ngày 6 tháng 5 năm 2023 tại London, Anh.
Đám đông tụ tập để xem Lễ đăng quang của Quốc vương Charles III và Vương hậu Camilla, ngày 6 tháng 5 năm 2023 tại London, Anh.
Quốc vương Thái Lan Maha Vajirusongkorn và Vương hậu Suthida đến dự lễ đăng quang của Quốc vương Charles và Vương hậu Camilla của Anh tại Tu viện Westminster, ở London, ngày 6 tháng 5 năm 2023.
Quốc vương Thái Lan Maha Vajirusongkorn và Vương hậu Suthida đến dự lễ đăng quang của Quốc vương Charles và Vương hậu Camilla của Anh tại Tu viện Westminster, ở London, ngày 6 tháng 5 năm 2023.

Lễ đăng quang diễn ra giữa một cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt và sự hoài nghi của công chúng, đặc biệt là giới trẻ, về vai trò và giá trị của chế độ quân chủ.

Sự kiện ngày thứ Bảy có quy mô nhỏ hơn so với sự kiện được tổ chức cho Nữ hoàng Elizabeth vào năm 1953, nhưng vẫn là một cảnh tượng ngoạn mục, với một loạt những phục sức mang tính lịch sử từ quả cầu vàng và thanh kiếm nạm đá quý cho đến vương trượng đính viên kim cương cắt không màu lớn nhất thế giới.

Charles, 74 tuổi, nghiễm nhiên kế vị thân mẫu của ông làm quốc vương sau khi bà qua đời vào tháng 9 năm ngoái, và lễ đăng quang không cần thiết nhưng được coi là một phương tiện để hợp thức hóa quốc vương một cách công khai.

Sau lễ đăng quang, ông Charles và bà Camilla, 75 tuổi, rời đi trên cỗ xe dát vàng nặng bốn tấn được chế tạo cho Vua George III, vị vua cuối cùng cai trị các thuộc địa Anh ở Mỹ, đến Cung điện Buckingham trong đoàn rước dài một dặm gồm 4.000 quân nhân từ 39 quốc gia.

Trong khi đó hàng trăm binh lính mặc quân phục đỏ tươi và đội mũ da gấu đen đứng dọc theo con đường The Mall, đại lộ lớn dẫn đến cung điện, trong sự kiện mang tính nghi lễ lớn nhất thuộc loại này ở Anh kể từ lễ đăng quang của mẫu thân ông Charles.

Hàng chục ngàn người bất chấp trời mưa như trút nước tập trung thành đám đông với độ dày hơn 20 người ở một số nơi để xem điều mà một số người coi là thời khắc lịch sử.

“Khi tôi còn bé, tôi đã có thể xem lễ đăng quang của Nữ hoàng Elizabeth trên truyền hình ở Hartford, bang Connecticut, tại nhà một người bạn vì chúng tôi không có TV,” Peggy Jane Laver, 79 tuổi, giáo viên người Mỹ đã nghỉ hưu, nói. “Vì vậy, tôi rất háo hức được đích thân đến đây dự lễ đăng quang.”

Diễn đàn

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG