Đường dẫn truy cập

Ấn Ðộ dự tính tăng cường giao thương với các nước Nam Á


Ngoại trưởng Ấn Độ Sushma Swaraj (trái) hội đàm cùng Ngoại trưởng Bangladesh Abul Hassan Mahmood Ali tại Bộ Ngoại giao ở Dhaka, Bangladesh, 26/6/14
Ngoại trưởng Ấn Độ Sushma Swaraj (trái) hội đàm cùng Ngoại trưởng Bangladesh Abul Hassan Mahmood Ali tại Bộ Ngoại giao ở Dhaka, Bangladesh, 26/6/14

Tân chính phủ Ấn Ðộ đang xúc việc tăng cường các quan hệ đầu tư và thương mại với các nước láng giềng. Theo tường trình của thông tín viên VOA Anjana Pasricha từ New Delhi, Nam Á vẫn là một trong những khu vực ít hòa nhập kinh tế nhất trên thế giới.

Trước khi kết thúc chuyến viếng thăm Bangladesh hôm thứ Sáu, ngoại trưởng Ấn Ðộ Sushma Swaraj đã loan báo nhiều nhượng bộ: New Delhi sẽ nới lỏng các yêu cầu về thị thực, cung cấp thêm điện năng cho nước láng giềng và gia tăng đầu tư để giải quyết tình trạng mất quân bình mậu dịch nghiêng về Ấn Ðộ.

Bà Swaraj nêu ra điểm Ấn Ðộ sẽ không thể theo đuổi chương trình phát triển mà không có sự đồng hành của các nước láng giềng nhỏ hơn.

Ðây là một thông điệp lớn hơn từ phía chính quyền mới được vài tháng tuổi của Ấn Ðộ vào lúc chính quyền hứa sẽ củng cố thương mại và đầu tư với các nước như Nepal, Bangladesh, Sri Lanka và Bhutan.

Phát ngôn viên bộ ngoại giao Ấn Ðộ, ông Syed Akbaruddin, cho biết các mục tiêu kinh tế đứng đầu trong nghị trình làm việc:

“Ưu tiên hàng đầu của Ấn Ðộ là tăng quy mô và tăng tốc độ phát triển quốc gia toàn diện và chúng tôi sẽ cố gắng đề ra các biện pháp mà các nhà ngoại giao trong khu vực có thể tham gia vào nỗ lực toàn quốc đó.”

Nam Á đã là vấn đề chính được nhắc đến trong tháng ở các văn phòng Bộ ngoại giao Ấn Ðộ kể từ khi Thủ tướng Narendra Modi làm một việc chưa từng có trước đây là mời những người đứng đầu các quốc gia láng giềng đến tham dự lễ tuyên thệ của ông. Sau đó, ông đã thực hiện chuyến thăm Bhutan vào giữa tháng Sáu.

Các nhà phân tích nói tăng cường hoạt động ngoại giao một phần nhắm mục đích hạn chế phạm vi ảnh hưởng của Trung Quốc ở Nam Á. Nhưng điều quan trọng không kém là dành thêm ưu tiên cho thương mại trong một khu vực mà sự nghi ngờ và thù nghịch chính trị đã gây trở ngại cho hội nhập kinh tế.

Nam Á - một khu vực đông dân với hai tỉ người – tụt hậu so với các khu vực khác trên thế giới về thương mại khu vực. Các nhà kinh tế so sánh tỷ lệ 5% thương mại ít ỏi trong khối này với tỷ lệ khoảng 25% của các nước thuộc Hiệp Hội Ðông Nam Á.

Thương mại xuyên biên giới đã bị hạn chế giữa hai quốc gia lớn hhất trong vùng là Ấn Ðộ và Pakistan vì mối quan hệ thù địch. Một hiệp định năm 2005 để đưa khu vực này trở lại với khu vực mậu dịch tự do đã không mang lại kết quả nào đáng kể. Hàng rào thuế quan cao vẫn là một trở ngại.

Kinh tế gia Rajiv Kumar của Trung tâm Nghiên cứu Chính sách ở New Delhi nói loại trừ sự nghi kỵ là chìa khóa cho việc hội nhập kinh tế tốt hơn.

Ông tỏ ra lạc quan. Ông Kumar cho rằng tân chính phủ đã tỏ dấu hiệu sẽ có hành động giúp cho hàng hóa, con người và dịch vụ lưu thông tự do hơn. Ông nói:

“Vào lúc này, các xe tải của Bangladesh không được phép vào Ấn Ðộ và bất cứ nơi nào họ muốn, hoặc chúng tôi không cho phép các xe tải của Pakistan bang ngang qua để vào Bangladesh, v.v… Tất cả tình trạng ấy có thể thay đổi nếu Ấn Ðộ có các quan điểm hào phóng hơn hoặc nhìn xa trông rộng hơn, rằng nền thương mại như thế này sẽ chỉ có lợi cho chúng tôi và việc mở cửa các biên giới và các thị trường cho các nước láng giềng. Ðiều quan trọng nhất là Ấn Ðộ trở nên cởi mở hơn, cấp tiến hơn và cho phép các nước láng giềng của chúng ta được hưởng lợi từ sự phát triển và thị trường lớn của mình”

Ấn Ðộ cam kết xây dựng đường sá mới và mạng lưới đường sắt trong khu vực và cải thiện cơ sở hạ tầng ở các điểm thương mại biên giới.

Chẳng hạn, bà Swaraj nói Ấn Ðộ sẵn sàng gia tăng tần suất của dịch vụ xe lửa nối kết với Bangladesh và sẽ thăm dò khả năng khởi sự một một dịch vụ xe buýt giữa hai quốc gia. Một con đường nối Ấn Ðộ với Miến Ðiện dự kiến sẽ được khai trương vào tháng Mười.

Các nhà phân tích nói hồi sinh quan hệ kinh tế ở Nam Á có thể đem lại những lợi ích lớn cho khu vực đang chống chọi với nạn nghèo đói ở mức cao.

VOA Express

VOA có ứng dụng mới

Xem tin tức VOA trực tiếp trên điện thoại và máy tính bảng! Ứng dụng VOA có thiết kế mới và cải thiện khả năng truy cập tin tức. Các tính năng mà bạn yêu thích trước đây được tích hợp cùng các công cụ vượt tường lửa để truy cập tin tức VOA bằng 22 ngôn ngữ.

Tải ứng dụng VOA trên App StoreGoogle Play!

XS
SM
MD
LG