Đường dẫn truy cập

Ấn Độ: Du khách giúp bảo tồn loài hổ


Một con hổ trong một công viên bảo tồn ở miền nam thành phố Bangalore, Ấn Độ
Một con hổ trong một công viên bảo tồn ở miền nam thành phố Bangalore, Ấn Độ
Sau khi nhà chức trách Ấn Độ đã dỡ bỏ lệnh cấm tạm thời không cho tham quan đến những khu bảo tồn hổ; hàng chục ngàn du khách đang đổ xô đến các khu bảo tồn động vật hoang dã để có dịp nhìn tận mắt giống thú hiếm qu‎ý này. Thông tín viên VOA Anjana Pasricha đã đóng vai du khách đến thăm một khu bảo tồn ở phía bắc Ấn Độ và ghi lại như sau.

Tất cả 63 căn phòng ở Riverview Retreat, một khu nghỉ mát tại Vườn quốc gia Corbett đều đã được đặt trước, và nhiều chiếc xe jeep đều trong tình trạng sẵn sàng để chở du khách đi thăm dã ngoại những con hổ.

Khu công viên này là khu bảo tồn động vật hoang dã lâu đời nhất của Ấn Độ, nằm tại chân dãy núi Himalaya thuộc bang Uttarakhand.

Trong những tuần gần đây, ông Pan Singh Bisht, người quản lý tại khu nghỉ dưỡng Riverview Retreat, đã phải ở lại quá giờ để có thể thu xếp cho một số lượng lớn du khách.

Ông nói rằng công viêc kinh doanh của khu nghỉ dưỡng đã gặp khó khăn trong 84 ngày qua, khi tòa án tối cao cấm kinh doanh du lịch tham quan hổ. Nhưng bây giờ đến mùa du lịch này, công việc kinh doanh đã phục hồi đầy đủ.

Lệnh cấm được đưa ra để đáp lại một khiếu nại cho rằng du khách đã phá hoại các nỗ lực bảo loài tồn hổ. Theo số liệu mới nhất, số lượng hổ đã giảm còn khoảng 1.700 con.

Lệnh cấm này đã được dỡ bỏ sau khi các nhà bảo tồn cho rằng thật tế thì ngược lại với khiếu nại vừa nêu. Họ nói rằng đe dọa thực sự đối với loài hổ là các tay săn trộm, chứ không phải khách du lịch. Họ nói rằng du khách tạo ra công ăn việc làm rất cần thiết cho cộng đồng địa phương, và du khách đã góp phần quan trọng cho sự tồn tại của các cộng đồng địa phương.

Tại Vườn quốc gia Corbett, điều này được chứng thực bởi người dân. Anh Chandan Kumar 35 tuổi, làm bồi bàn trong nhà hàng ở khu nghỉ dưỡng Riverview Retreat. Anh nói rằng tiền lương của anh được phụ thêm vào nguồn thu nhập ít ỏi do trang trại nhỏ bé của cha mẹ anh mang lại.

Kumar nói anh cảm thấy tuyệt vọng vì không tìm được việc làm sau khi nghỉ học. Tại vùng này, không có ngành công nghiệp tư nhân và anh cũng không thể đậu các kì sát hạch cần thiết để xin vào một số công việc hành chính ít ỏi ở thị trấn gần đó.

Nhưng giờ đây, Vườn quốc gia Corbett đã có gần 100 khu nghỉ dưỡng để phục vụ một lượng khách du lịch ổn định. Các khu nghỉ dưỡng này duy trì hàng ngàn công ăn việc làm, từ nhân viên khách sạn cho đến hướng dẫn viên du lịch, thợ thủ công, lái xe và nhân viên bán hàng.

Ông Sanjay Chimwal là một điều phối viên của một khu nghỉ dưỡng có động vật hoang dã. Ông sống ở đây từ nhỏ và đã chứng kiến một sự thay đổi lớn trong cách người dân làng nhận thức về các nỗ lực của quốc gia nhằm bảo tồn loài hổ.

Khoảng 25 năm trước đây, khi những gia đình như gia đình của ông Chandan Singh ngày càng có thêm miệng ăn, họ phụ thuộc hoàn toàn vào nông nghiệp, cho nên đã tìm cách lấn vào rừng, và làm tổn hại đến môi trường sống của loài hổ. Điều này đã khiến xảy ra xung đột giữa con người với loài hổ và các động vật ăn thịt khác.

Vì vậy, khi các nhóm săn trộm nhắm vào loài hổ để cung cấp cho thị trường thuốc ở châu Á sử dụng các bộ phận cơ thể của loài hổ, thì người dân địa phương vẫn thản nhiên.

Ông Chimwal nói điều đó đã thay đổi, khi nền kinh tế của các ngôi làng xung quanh công viên phát triển nhanh chóng. Sự thịnh vượng tăng lên đã khiến dân địa phương hợp tác trong cuộc chiến bảo tồn các loài động vât. Ông nói rằng không thể bảo vệ loài hổ một cách đơn độc. Ông giải thích:

"Nếu chúng ta không trông vào sự cảm tình của con người, đặc biệt là con người ở địa phương đang sống với các động vật này, chúng ta khó có thể thuyết phục họ hỗ trợ cho việc bảo tồn. Trước đó họ thấy việc bảo tồn này không có lợi gì cho họ. Hoa màu của họ đã bị trộm cắp. Gia súc gia cầm của họ thì bị giết chết. Bây giờ thì họ nhìn thấy được lợi ích. Bây giờ, mức sống của người dân, đặc biệt người dân trong khu vực, đã thực sự đi lên."

Không giống như một số khu bảo tồn loài hổ khác, đang có số lượng hổ suy giảm mạnh, khu bảo tồn Corbett là một trong những câu chuyện thành công của Ấn Độ, với quần thể hổ ngày càng tăng.

Dù có tăng nhưng không vì thế mà dễ phát hiện những con hổ hay lẩn sâu trong rừng.

Anh Harpreet Shergil 30 tuổi đã cùng bạn bè của mình đi từ New Delhi đến Corbett. Khi xe của anh đi trong một khu rừng rậm rạp trong bốn giờ đồng hồ, anh chỉ phát hiện một số con voi, hươu và khỉ. Không thấy hổ. Anh Shergil quyết tâm sẽ trở lại và ẩn nấp ở trong sâu của khu bảo tồn. Anh nói:

"Tôi không thấy một con hổ nào cả. Trên thực tế là tôi đã chờ khoảng 15-20 phút, tôi muốn đến đây một lần nữa. Tôi nóng lòng muốn xem con hổ như thế nào. Lần tới, tôi sẽ ở lại trong khu vực sâu hơn."

Có những ‎ý kiến cho rằng ngành du lịch cần phải được quy định nghiêm ngặt hơn. Tòa án tối cao Ấn Độ đã yêu cầu chính quyền tiểu bang chỉ cho kinh doanh du lịch ở mức 20% tại khu bảo tồn hổ quan trọng, có hổ di chuyển, sinh sản và săn mồi.

Các quan tâm đã xuất hiện bởi thu nhập người dân Ấn Độ gia tăng, nhiều người muốn đi du lịch và đổ về các khu bảo tồn với số lượng lớn.

Ông Chiwal Sanjay, điều phối viên động vật hoang dã, nói rằng ngành du lịch có thể làm hạn chế các loài động vật. Ông nói:

"Người ta hay nói là chuyện gì cũng có hai mặt. Với sự bùng nổ trong lĩnh vực du lịch, vấn đề giao thông đã phát triển và gây cản trở việc di chuyển của các loài động vật."

Các nhà bảo tồn cũng nói rằng các khu nghỉ mát tư nhân tại các công viên bảo tồn loài hổ giống như khu Corbett, cần phải chú ‎ tâm đến những gì mà chính quyền gọi là "du lịch cao nhưng tác động thấp."
Sở dĩ phải có sự chú tâm này là vì nhằm thúc đẩy kinh doanh, các khu nghỉ dưỡng tại Corbett không chỉ đón tiếp du khách muốn tìm đến tham quan loài hổ, mà còn tổ chức hội nghị doanh nghiệp và các đám cưới ồn ào, gây thất vọng cho nhiều người đam mê động vật hoang dã.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG