Đường dẫn truy cập

Những tiến bộ của Afghanistan sau 4 năm


Chuyên gia Đinh Xuân Quân (trái), Thống đốc Herat (tỉnh lớn thứ 2 của Afghanistan) và giám đốc kinh tế Herat
Chuyên gia Đinh Xuân Quân (trái), Thống đốc Herat (tỉnh lớn thứ 2 của Afghanistan) và giám đốc kinh tế Herat

Trong bài phỏng vấn kỳ này, kinh tế gia Đinh Xuân Quân, cố vấn cho bộ trưởng kinh tế Afghanistan, qua chương trình của Cơ quan Phát triển Quốc tế của Hoa Kỳ (USAID) sẽ trình bày về những nỗ lực của cơ quan này qua các chương trình gia tăng viện trợ dân sự để cải tổ guồng máy hành chính và mọi lãnh vực trong đời sống xã hội cho người dân Afghanistan.

Theo chuyên gia Ðinh Xuân Quân, các chương trình viện trợ của USAID dành cho Afghanistan rất rộng lớn. Về giáo dục, USAID có các chương trình để xây dựng trường ốc và đào tạo giáo chức. Đây là một đóng góp rất lớn của USAID. Ngoài giáo dục, USAID còn giúp trong lãnh vực y tế. Ông nói:

"Y tế thì không những xây dựng bệnh viện mà còn phải nâng cấp các bác sỹ, đào tạo các bà mụ (cô đỡ), đào tạo các nữ y tá. Đây cũng là một chương trình rất thành công vì họ tạo cơ hội cho phụ nữ tham gia kinh tế."

Ngoài ra còn rất nhiều lãnh vực khó khăn mà USAID cố gắng giúp thiết lập hoặc cải thiện như hệ thống ngân hàng, hệ thống viễn thông, đặt đường dây cáp quang cho internet, cho điện thoại. USAID cũng tiếp tay trong các lãnh vực xây dựng hệ thống đường sá, cầu cống, hệ thống điện, cải tổ luật pháp và tư pháp. Lẽ dĩ nhiên ngoài USAID, các cơ quan quốc tế khác như Ngân Hàng Thế Giới, Ngân Hàng Á châu, các quốc gia khác cũng tiếp tay vào những chương trình này. Tổng cộng có đến trên 40 quốc gia tham gia vào công cuộc xây dựng và phát triển cho Afghanistan.

Khi được hỏi về hệ thống luật pháp và tư pháp của Afghanistan, nơi mà luật Hồi giáo khắc nghiệt Sharia vẫn được áp dụng, chuyên gia Đinh Xuân Quân cho biết :

"Trước đây tôi đã tham gia vào chương trình cải cách đại học Kabul. Tại đây họ có 2 trường luật, một trường chỉ dạy Sharia thôi. Và một trường dạy luật pháp bình thường như quốc tế hiểu. Lẽ dĩ nhiên là qua việc cải cách đó, số người được đào tạo luật pháp theo tiêu chuẩn quốc tế nhiều hơn. Chúng ta cũng đừng quên là có đến 75% các ông quan tòa, các ông được gọi là thẩm phán không có trình độ lớp 12. Do vậy có dùng Sharia thì họ cũng không dùng đúng được vì hiểu biết của họ rất thấp. Bình thường Sharia không đến nỗi quá khích lắm đâu, trừ trường hợp khi những người áp dụng Sharia thất học, ít học, và là thành phần Hồi giáo quá khích thì sẽ đi tới chỗ cực đoan."

Theo chuyên gia Quân, có rất nhiều nước Hồi giáo như Indonesia, Malaysia, ở đó không những có các chỗ thờ phượng của Hồi giáo mà có cả Thiên chúa giáo, Phật giáo nữa. Tại sao? Vì tổ chức của các nước đó tương đối cởi mở. Ngược lại như Saudi Arabia, họ cấm tiệt, không được xây dựng nhà thờ Thiên chúa giáo. Trong khi tại các nước tân tiến như ở Roma, trung tâm của Thiên chúa giáo, vẫn có các đền thờ Hồi giáo. Chúng ta phải hiểu rằng người bên phía Hồi giáo chưa được cởi mở lắm. Chưa cởi mở mà lại đặt trong môi trường ít học, như Taliban lại còn quá khích nữa, thì dĩ nhiên sẽ đi tới những chỗ quá mức.

Qua nhiều chương trình đào tạo luật pháp do USAID hoặc do Liên Hiệp Quốc thực hiện, một số thẩm phán được tái đào tạo. Điều đầu tiên là đào tạo lại các ông giáo sỹ Hồi giáo, để, ví dụ, muốn cho phụ nữ được tham gia chương trình kế hoạch hóa gia đình, phải đào tạo cho các ông giáo sỹ Hồi giáo hiểu biết hơn, và dùng chính kinh Koran để giải thích cho họ thấy là không có vấn đề Hồi giáo cấm kế hoạch hóa gia đình.

Còn về thái độ của người dân Afghanistan đối với sự hiện diện của người Mỹ tại nước họ, chuyên gia Đinh Xuân Quân cho biết, vụ một mục sư Mỹ dọa đốt kinh Koran đã gây phản ứng mạnh trong dân chúng; họ giận dữ xuống đường biểu tình. Nhưng bình thường người dân nước này, tuy nghèo nhưng rất hòa nhã, hiếu khách. Ông lưu ý là trên 50% dân nước này dưới 25 tuổi. Họ rất hiếu học. Cách nay 4, 5 năm tìm ra được một người nói được tiếng Anh hay biết máy vi tính rất khó, nhưng sau 4 năm trở lại ông thấy sinh viên ai cũng nói được tiếng Anh. Chuyện đầu tiên là họ học tiếng Anh, thứ hai, học vi tính. Ai cũng muốn sang Mỹ du học. Đó là thái độ của giới trẻ.

Còn đối với những người lớn tuổi, trong chiến tranh, thể nào cũng có những chuyện như thả bom lầm hoặc các trận đụng độ gây chết người thì lẽ dĩ nhiên là có xô xát.

Đối với thời biểu rút quân của Hoa Kỳ, người dân nước này lo ngại hay vui mừng? Chuyên gia Đinh Xuân Quân nhận xét:

"Thật ra thì không có ai vui cả, và cũng không có ai tin là việc rút quân là thật. Mấy tháng trước đây trong một cuộc họp quốc tế gọi là Kabul Conference, chính phủ Afghanistan hứa sẵn sàng lãnh trách nhiệm, không những về an ninh mà còn về phát triển kinh tế vào năm 2014. Họ yêu cầu các nước cố gắng giúp cho đến khi chính phủ có thể đủ sức lãnh trách nhiệm. Tại đây ai cũng muốn là phải có thời gian thì quân đội Mỹ mới nên rút để Afghansitan có thời giờ dào tạo thêm quân đội, cảnh sát và các bộ có thể tự lo liệu được. Bản thân tôi làm trong chương trình gọi là cố gắng dào tạo và nâng cấp bộ kinh tế để họ có thể tự lo cho họ."

Vừa rồi là một số nhận xét của chuyên gia đinh Xuân quân, cố vấn cho bộ trưởng Kinh Tế Afghanistan qua chương trình viện trợ phát triển của Hoa Kỳ.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG