Đường dẫn truy cập

Afghanistan: Biden bỏ cuộc


TT Biden nói chuyện tại Tòa Bạch Ốc hôm 14 tháng Tư về quyết định rút quân số còn lại của Mỹ ở Afghanistan. (AP Photo/Andrew Harnik, Pool)
TT Biden nói chuyện tại Tòa Bạch Ốc hôm 14 tháng Tư về quyết định rút quân số còn lại của Mỹ ở Afghanistan. (AP Photo/Andrew Harnik, Pool)

Nước Mỹ tham dự Đại Chiến Thứ Nhất vào tháng Tư năm 1917, một năm rưỡi trước khi chiến tranh chấm dứt. Mỹ bước vào Đại Chiến Thứ Hai sau khi chiến tranh bắt đầu hơn hai năm, và ba năm sau đã kết thúc. Tướng George Marshall, Tham mưu trưởng thời đó, đã nói phải tiêu diệt quân địch rất nhanh, vì “một nước dân chủ không thể dự một cuộc chiến tranh dài quá bảy năm.” Quân Mỹ bắt đầu rút khỏi Việt Nam bảy năm sau ngày thủy quân lục chiến đổ bộ vào Đà Nẵng.

Cuộc chiến Afghanistan đã kéo dài 20 năm. Chi phí tổng cộng tới 2 ngàn tỷ mỹ kim. Nhưng không có một phong trào phản chiến nào cả. Hầu như dân Mỹ đã quên. Có lẽ vì trong 20 năm chỉ có 800,000 người Mỹ đã qua Afghanistan rồi về, chưa bằng một phần tư của một phần trăm dân số. Chỉ có 2,448 người đã tử thương, bằng số người bị bắn chết trong khoảng 6 tuần lễ ở nước Mỹ trong năm 2020 – con số trong cuộc chiến Việt Nam là 58,000 người. Hiện nay, quân đội Mỹ còn lại chỉ có 2,500 người, nhiều nhất là 3,500 người, có lúc lên tới 140,000 trong năm 2011.

Chính vì con số 2,500 quân quá nhỏ cho nên phải ngạc nhiên tại sao lại phải rút hết về, ngay trong năm nay? Có địa điểm nào trên thế giới đang cần tăng viện thêm 2,500 quân hay không? Năm ngoái ông Donald Trump đã hẹn rút vào đầu tháng 5, giờ ông Joe Biden triển hạn đến 11 tháng Chín. Nói đến ngày 9/11 mọi người mới nhớ nguyên nhân vì sao Mỹ tấn công Afghanistan năm 2001.

Năm đó dân Mỹ hoan nghênh quyết định đánh của Tổng thống George W. Bush, để truy tầm lãnh tụ nhóm Al Qaeda chủ mưu cuộc tàn sát gần 3,000 người Mỹ ở New York. Các đồng minh trong khối NATO ủng hộ, nhiều nước giờ còn tham dự. Quân Mỹ đã lật đổ Taliban, một đảng cực đoan và tàn bạo nắm chính quyền từ năm 1996 nhờ đắc thắng trong cuộc nội chiến sau khi quân Nga nhục nhã kéo về nước.

Mục tiêu đầu tiên đã đạt được. Nhóm Al Qaeda tan tác, mấy năm sau lãnh tụ Osama bin Laden bị biệt kích Mỹ giết chết tại nơi ẩn trú ở Pakistan. Nhưng tại sao lúc đó Mỹ không tuyên bố chiến thắng rồi rút quân về?

Bởi vì Tổng thống Bush còn mục tiêu khác. Cuộc hành quân được ông Bush đặt tên là “Enduring Freedom,” Tự Do Lâu Bền. Ông tuyên bố nước Mỹ có bổn phận “không những bảo vệ quyền tự do quý báu của chính mình mà cả quyền tự do của mọi người ở tất cả mọi nơi (everywhere) được sống và nuôi con cái họ mà không sợ hãi.” Hai năm sau, ông còn tấn công Iraq, bắt, giết lãnh tụ Saddam Hussein, cũng trong mục tiêu cao cả đó.

Nhưng thực tế cho thấy rất khó thực hiện mục tiêu lý tưởng này. Cuộc cờ chính trị cả vùng Trung Đông và Nam Á đã đảo lộn, chuyển sang các tình huống mà bộ tham mưu của ông Bush không tiên liệu được. Và họ cũng đọc kỹ lịch sử nước Afghanistan, lịch sử chiến tranh nói chung. Trong lịch sử Afghanistan, nhiều đạo quân ngoại quốc đã vào chiếm đóng, kể cả quân Mông Cổ, quân Ba Tư, các hoàng đế Ấn Độ, rồi đến Anh quốc và Nga. Nước này chưa bao giờ sống tự do dân chủ, chỉ có súng đẻ ra chính quyền.

Iran bành trướng ảnh hưởng của khối Hồi Giáo Shi A trong cả vùng này sau khi kẻ thù số một của họ là Saddam Hussein theo phái Sun Ni bị treo cổ. Thắng trận nhanh chóng rồi, Mỹ ra lệnh giải ngũ tất cả quân lính Iraq. Hàng trăm ngàn người bỗng dưng mất việc, được các giáo sĩ cực đoan, thuộc khối Hồi Giáo Sun Ni tuyển mộ, gia nhập đạo quân khủng bố ISIS. Họ còn dữ hơn Al Qaeda, có lúc đã chiếm vùng đất bao trùm cả Iraq và Syria. Cuộc nội chiến ở Syria khiến Mỹ phải đem quân vào, nhưng sau cùng Nga được lợi nhất. Hiện giờ Nga và Iran đóng vai cầm chịch quyết định tương lai xứ Syria.

Chiếm được Afghanistan, Mỹ tổ chức bầu cử, thành lập một nước Cộng Hòa Hồi Giáo. Đảng Taliban thu thập tàn quân chạy qua Pakistan, rồi quay về tái lập lực lượng, tấn công quân chính phủ, càng ngày càng mạnh hơn. Quân đội Mỹ có thể tiêu diệt những đạo quân chính quy nhưng lúng túng đối phó với những toán quân nổi dậy có nơi trú ẩn dưỡng quân ở bên Pakistan. Chính quyền ở thủ đô Kabul vẫn còn tham nhũng, chia rẽ, bất lực, chưa chinh phục được lòng dân.

Bốn đời tổng thống Mỹ bị cầm chân ở Afghanistan. Viễn ảnh lý tưởng của ông Bush chưa thấy đâu cả. Ông Obama đã tính kế rút, ông Trump vẫn tiếp tục. Và bây giờ ông Biden nói dứt khoát sẽ kéo quân về.

Nhưng sau khi quân Mỹ ra đi thì Afghanistan sẽ ra sao? Ai cũng nhớ đến quyết định rút khỏi Việt Nam của Tổng thống Richard Nixon. Tổng thống Ashraf Ghani hiện có từ 20 ngàn tới 30 ngàn quân. Họ không liều chết như lính Taliban, cầm cự được là nhờ máy bay Mỹ yểm trợ. Mỹ viện trợ quân sự khoảng $4 tỷ đô la một năm. Sau khi ông Biden công bố ngày hẹn rút quân, ngoại trưởng Mỹ đã bay tới Kabul trong khi đang ở Âu châu. Ông Blinken nói những gì với ông Ghani? Ông hứa hẹn sẽ tiếp tục yểm trợ những gì? Nếu không được Mỹ giúp, không biết họ sẽ cầm cự được bao lâu. Tình báo Mỹ đoán rằng có thể được vài ba năm.

Taliban chắc chưa chiếm ngay được Kabul để thiết lập chế độ Hồi Giáo cực đoan, vì ngoài quân chính phủ họ sẽ còn phải chống cự cả những người thiểu số, với những lãnh tụ hùng cứ một phương như trước đây khi họ được Mỹ giúp vũ khí. Trong mấy năm tới, Afghanistan sẽ trở lại tình trạng nội chiến, như thời 1990 sau khi quân Nga bỏ chạy. Chính quyền Ashraf Ghani sẽ cầm cự bao lâu tùy thuộc viện trợ quân sự, kinh tế và được Mỹ chia sẻ tin tức tình báo. Họ có đoàn kết được với nhau trước mối nguy lớn hay không? Quân đội và cảnh sát của chính phủ Afghanistan có cảm thấy mạng sống của chính họ và gia đình họ bị đe dọa nếu Taliban trở về, nên nức lòng chiến đấu hơn không? Dân chúng, nhiều người ra đời sau khi chế độ Taliban bị lật đổ, có lo sợ sẽ mất hết những quyền tự do mà họ đang hưởng hay không? Những quyền tự do nho nhỏ, như đàn ông có thể cạo râu, lâu lâu được uống rượu bia, muốn chửi nhà nước tha hồ chửi, được đọc sách, báo không do chính phủ in, phụ nữ được đi học, ra đường không phải trùm mặt, về nhà không lo bị chồng dánh đập. Người ta có sẵn sàng liều chết vì những quyền tự do nhỏ nhoi đó hay không?

Nhưng đó là chuyện của người Afghanistan. Đối với nước Mỹ, mối lo được nhắc tới nhiều nhất là các nhóm al Qaeda có cơ hội tái xuất hiện và sẽ tổ chức những cuộc khủng bố nhắm vào người Mỹ, nếu không phải vào chính nước Mỹ như 20 năm trước. Hôm Thứ Năm, Tòa Bạch Ốc đã trấn an, nói rằng sau khi rút quân về chính phủ Mỹ dư sức theo dõi các hoạt động của al Qaeda ở Afghanistan. Hy vọng có thể là sự thật, vì hiện nay al Qaeda rất yếu. Nhóm Taliban, đã rút kinh nghiệm, cũng không muốn dung dưỡng những tay khủng bố khác trong nhà mình, vừa cạnh tranh ảnh hưởng mà lại chỉ thêm gây rắc rối. Còn lực lượng ISIS, năm 2019 đã bị đánh bật ra khỏi chiến khu ở miền Đông Afghanistan. Taliban chắc cũng không hoan nghênh những người ngoại quốc gốc từ Iraq và Syria đến xứ mình lộng hành.

Nhưng hậu quả của việc rút quân Mỹ không phải chỉ có thế. Trong khi trình bày quyết định rút quân, ông Biden đã nói chính phủ Mỹ cần tập trung vào việc đối phó với Trung Cộng. Nghe có vẻ hợp lý, trừ hai sự kiện.

Thứ nhất, Trung Quốc nằm sát Afghanistan còn Mỹ ở rất xa. Thế kỷ thứ 7, Đường Tam Tạng đã đi qua biên giới hai nước trên đường qua Ấn Độ. Trung Cộng sẽ chỉ cho các nước khác trong vùng thấy nước Mỹ là một đồng minh không đáng tin cậy, chỉ nghĩ đến những vấn đề ngắn hạn, bốn năm lại thay đổi chính sách. Đây là một hình ảnh thất bại thê thảm của nước Mỹ.

Sự kiện thứ hai là nước Mỹ hiện nay còn đang cạnh tranh với cả Nga và Iran trong vùng Trung Đông. Nếu lãnh đạo các nước này nghĩ rằng nước Mỹ đang trên đường đi xuống, họ sẽ làm ẩu. Quân Mỹ đóng ở đó là một dấu hiệu cảnh cáo, mà không quá tốn kém. Hiện nay chỉ có khoảng 6,000 quân Mỹ đóng tại ba nước Iraq, Afghanistan và Syria. Duy trì một số quân nhỏ, với chi phí không bao nhiêu, là một thứ “bảo hiểm” tránh các tai họa có thể xảy ra – nếu rút hết về.

Ông Biden còn nói rằng không thể chờ đến lúc có các điều kiện toàn hảo mới rút quân, vì sẽ phải chờ đợi không biết đến bao giờ. Nhưng mục tiêu của nước Mỹ ở Afghanistan, từ lâu rồi, không còn là “toàn hảo” nữa. Không ai nghĩ sẽ theo đuổi giấc mộng của Tổng thống W. Bush.

Không biết ông Joe Biden còn tiếp tục giúp Afghanistan những gì sau khi rút quân. Nhưng ông cần hiểu rằng Afghanistan không phải chỉ là một thử thách về sức mạnh quân sự. Đó là một thử thách chính trị quốc tế, thế giới sẽ đánh giá uy tín của nước Mỹ. Còn ai muốn đóng vai đồng minh của Mỹ hay không?

  • 16x9 Image

    Ngô Nhân Dụng

    Ngô Nhân Dụng là bút hiệu của Đỗ Quý Toàn khi phụ trách mục Bình Luận trên Nhật báo Người Việt, từ năm 1995 khi ông về định cư tại Quận Orange, California, cho tới Tháng Hai năm 2020. Trước đó ông dạy môn Tài chánh học (Finance) ở các Đại học McGill và UQAM tại Montréal, Canada là nơi gia đình ông tới tị nạn từ năm 1975. Năm 1989, trước khi bức Tường Berlin sụp đổ, ông xuất bản cuốn Đổi Mới Kinh Tế dưới bút hiệu Vương Hữu Bột, kể kinh nghiệm thay đổi cơ cấu nền kinh tế cộng sản ở các nước từ Hungary, Trung Quốc, tới Nga và các nước Đông Âu. Cuốn sách xuất bản gần đây nhất, ký tên Ngô Nhân Dụng, là Đứng Vững Ngàn Năm – Nhờ đâu nước Việt vẫn còn sau ngàn năm Bắc thuộc?

    Cuốn sách đầu tiên ký tên Đỗ Quý Toàn xuất bản ở California là Yêu Con Dạy Con Nên Người Việt, do nhà Văn Nghệ ấn hành, năm 1979. Ông cũng đã in nhiều tập thơ từ năm 1965 và tập tiểu luận Tìm Thơ Trong Tiếng Nói do Thanh Văn xuất bản năm 1992.

    Trong blog này Ngô Nhân Dụng sẽ viết tiếp những bài Bình Luận về các vấn đề thời sự thuộc các lãnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, dưới mắt nhìn của một người Việt sống xa quê hương.

    Đây là một blog cá nhân được đăng tải trên Đài VOA nhưng không nhất thiết tương đồng với quan điểm của đài và của chính phủ Hoa Kỳ.

VOA Express

XS
SM
MD
LG