Đường dẫn truy cập

VN sẽ sớm bang giao với Vatican?


Chỉ cách đây có 10 năm, giáo dân Cơ đốc bị xách nhiễu, hành hạ và chịu đựng mọi hình thức phân biệt đối xử tại Việt Nam. Nhưng cùng với những cải cách kinh tế trong nước, chính phủ đã nới lỏng các điều kiện cho hàng triệu tín đồ, nhất là tín đồ Thiên chúa giáo. Ngày thứ năm, thủ tướng Việt Nam, ông Nguyễn Tấn Dũng thực hiện chuyến viếng thăm lịch sử để hội kiến Đức giáo hoàng Benedicto 16. Liệu việc bình thường hóa bang giao với Tòa Thánh Vatican có sớm được thực hiện hay không? Trưởng ban Việt ngữ VOA Michael Mathes đã đi thăm các nhà thờ và nói chuyện với các giới chức tôn giáo hồi cuối năm ngoái tại Hà Nội và ghi lại các nhận xét trong bài tường thuật sau:

Cụ bà Nguyễn Kim Liên đã đến nhà thờ thánh Giu-se ở Hà Nội từ mấy chục năm nay. Gần suốt cuộc đời bà, nhà nước đã kiểm soát tôn giáo một cách chặt chẽ. Nhà nước cũng đã bị cộng đồng quốc tế chỉ trích vì những hành động vi phạm quyền tự do tín ngưỡng.

Nhưng ngồi phía sau giáo đường chật ních người trong lúc các tín đồ được một vị giám mục ban phép lành, bà Liên nói rằng đã có nhiều thay đổi trong những năm gần đây.

Trong khi vẫn còn những hạn chế, Việt Nam đã khoan dung hơn đối với việc hành giáo. Một bộ luật về tôn giáo ban hành năm 2004 quy định việc bảo vệ quyền của các tín đồ, ủng hộ việc đăng ký các giáo hội và những nơi thờ phương đã từng bị coi là bất hợp pháp, và đề nghị đình chỉ việc ép buộc từ bỏ tín ngưỡng.

Chính phủ Hoa Kỳ đã nhận thấy những cải thiện, và vào tháng 11 đã gạt tên Việt Nam ra khỏi danh sách các nước vi phạm tự do tôn giáo trầm trọng. Sau đó, Tổng thống George W. Bush đã đến cầu nguyện với giáo dân Việt Nam tại một nhà thờ ở Hà Nội.

Đối với người công giáo, sự kiện này có ý nghĩa như một sự hồi phục của đạo giáo, có thể sẽ đi tới cao điểm là bình thường hóa bang giao giữa chính quyền cộng sản và Tòa Thánh Vatican.

Các nhà lãnh đạo công giáo và giới quan sát cho rằng có nhiều phần chắc thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ đề cập đến vấn đề này khi hội kiến giáo hoàng.

Bà Liên hy vọng sự kiện đó sẽ đưa đến việc Đức Giáo hoàng đến thăm Việt Nam.

Tại chủng viện ngay sát nhà thờ, tổng giám mục giáo phận Hà Nội, Đức Cha Giu-se Ngô Quang Kiệt, chuẩn bị thánh lễ sáng chủ nhật với các chủng sinh. Ông nói với một phóng viên bằng tiếng Anh rằng các điều kiện đã liên tục được cải thiện, nhưng ngụ ý rằng căng thẳng vẫn có lâu nay giữa giáo hội và nhà nước.

Đức Ông Kiệt nói rằng đó là một câu chuyện dài. Tình hình nay đã cải thiện. Ông tỏ lòng biết ơn và cho rằng đã đến lúc phải có thay đổi.

Đối với Việt Nam, nơi đã có các truyền thống Phật giáo và thần giáo lâu đời, Thiên chúa giáo phần nào tiêu biểu cho sự can thiệp của thực dân Pháp từ bên ngoài.

Cộng đồng công giáo đã lên tới 6 triệu, và là khối giáo dân lớn nhất ở Đông nam châu Á, chỉ sau có Philippin, nhưng đã trải qua một thế kỷ xáo trộn và nửa thế kỷ để phát triển. Trong thập niên vừa qua, các giám mục công giáo bộc trực đã bị bắt hay giam giữ; các giáo hội Tin Lành ở vùng tây nguyên đã bị đóng cửa hay có khi còn bị phá hủy, và có tin là giáo dân Tin Lành ở vùng tây bắc đã bị buộc phải cải đạo.

Tiến sĩ Nguyễn Thanh Xuân đã làm việc cho Ủy ban Tôn giáo hơn 20 năm, và hiện là phó trưởng ban Tôn Giáo Chính phủ.

Nhưng trong khi ca ngợi sự tiến bộ, thì tổng giám mục giáo phận Huế, Nguyễn Như Thế, mới đây nói với VOA rằng còn nhiều việc phải làm.

Tuy nhiên, tiến sĩ Xuân lập luận rằng Hà Nội cần phải duy trì ít nhất một vài quyền đối với việc bổ nhiệm các chức sắc của Tòa Thánh Vatican.

Các đoàn thể tôn giáo khác kể ra những khó khăn. Việc đăng ký các Hội Thánh Tin Lành tại gia vẫn chậm chạp. Các Hội Thánh này có thời đã bị nhục mạ. Hai nhân vật chính của Giáo hội Phật giáo Thống Nhất bị cấm hoạt động, Hòa thượng Thích Huyền Quang và Hòa Thượng Thích Quảng Độ vẫn còn bị quản thúc trong chùa. Khi đề cập đến trường hợp của các vị này, tiến sĩ Xuân coi họ là những kẻ vi phạm luật pháp.

Ông Bùi Thiện Huệ, một tín đồ Hòa Hảo đã chạy trốn khỏi Việt Nam sau khi bị ở tù và quản thúc tại gia, đã ra điều trần trước Quốc hội Mỹ vào tháng trước, và nói rằng việc chính quyền địa phương sách nhiễu các tín đồ Hòa Hảo vẫn tiếp tục. Ông nói rằng Việt Nam hiện còn đang giam giữ hàng trăm tù nhân tôn giáo. Hà Nội bác bỏ lời cáo buộc này.

Nhưng giám đốc Văn phòng Tự do Tôn giáo Quốc tế thuộc bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, ông Stephen Liston, nói rằng chính phủ Mỹ vẫn tin tưởng là Hà Nội đang có biện pháp cải thiện môi trường cho các tín đồ ở Việt Nam.

“Chúng tôi chưa nhìn thấy điều gì, xét về mặt thiếu quan tâm, khi bàn đến những vấn đề này. Tôi cho rằng tiến bộ luôn luôn có một mức độ khác nhau ở những khu vực khác nhau trong nước... nhưng chúng tôi chưa thấy có sự lơi là. Và trên thực tế, nhà nước Việt Nam tiếp tục khẳng định sự quan tâm trong khi giải quyết những vấn đề này, và tiếp tục có tiến bộ trong các vấn đề này. Vì thế những sự kiên đang xảy ra là điều rất khích lệ đối với chúng tôi.”

Ông Liston bác bỏ những mối quan ngại cho rằng sau khi được gạt tên ra khỏi danh sách các nước vi phạm tự do tôn giáo và gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới, Hà Nội sẽ đi ngược lại những cam kết.

Mời quí vị bấm vào đường dẫn ở trên để theo dõi toàn bộ bài tường trình:

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG