Đường dẫn truy cập

Nepal bị cô lập hẳn với thế giới bên ngoài


Nepal đã bị cô lập hẳn với thế giới bên ngoài sau khi quốc vương Gyanendra giải tán chính phủ của thủ tướng Sher Bahadur Deuba và nắm trọn quyền bính quốc gia.

Tất cả mọi chuyến bay đến thủ đô Kathmandu đã được chuyển hướng đi nơi khác và mọi phương tiện thông tin đều bị ảnh hưởng trầm trọng.

Lên tiếng trên cơ quan truyền thông nhà nước, quốc vương nói rằng ông sẽ thành lập một chính phủ để cai trị trong 3 năm sắp tới, nhưng bác bỏ tin nói rằng ông đã thực hiện một cuộc đảo chính.

Sau đó, cơ quan truyền thông nhà nước loan báo tình trạng khẩn trương được thực thi trên toàn quốc, tạm đình chỉ tất cả mọi quyền căn bản của các công dân, gồm tự do ngôn luận, tự do báo chí và tự do bày tỏ ý kiến.

Quốc vương đã chỉ trích chính phủ của thủ tướng Deuba đã không mở cuộc bầu cử quốc hội và không áp đặt các biện pháp an ninh để đối phó với quân nổi dậy theo chủ ngĩa Mao Trạch Đông từng giết hại sinh mạng của hàng ngàn người.

Thủ tướng bị bãi nhiệm nói với các phóng viên rằng hành động này vi phạm trắng trợn bản hiến pháp và đi ngược lại chế độ dân chủ.

Trước đây, quốc vương Nepal đã từng bãi nhiệm thủ tướng Deuba vào tháng 10 năm 2003.

Việc Quốc Vương Nepal Gyanendra quyết định nắm quyền lực đã gây quan ngại cho các quốc gia trên thế giới.

Hoa Kỳ tuyên bố quan ngại sâu sắc về sự thoái bộ rõ rệt của nền dân chủ tại Nepal.

Hôm thứ ba, một phát ngôn viên bộ Ngoại Giao nói rằng hành động của Quốc Vương Gyanendra gây phương hại cho cuộc đấu tranh với nhóm nổi dậy theo chủ nghĩa Mao tại Nepal.

Trong một tuyên bố do Liên Hiệp Quốc công bố, Tổng Thư Ký Kofi Annan nói rằng ông quan ngại sâu sắc về quyết định giải tán chính phủ, ban hành tình trạng khẩn trương và ngưng thực thi các quyền tự do dân sự của quốc vương Nepal.

Ông Annan nói rằng ông xem các việc làm vừa kể như một sự thoái bộ nghiêm trọng của Nepal.

Giới chức Anh Quốc cho biết đã mời đại sứ của Nepal tại London đến để bày tỏ mối quan ngại về vấn đề này.


Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG