Đường dẫn truy cập

Chính sách một con của Trung Quốc


Những vấn đề liên quan tới chính sách một con của Trung quốc lại được dư luận quốc tế chú ý, sau khi có tin nói rằng hồi trung tuần tháng 9, chính phủ Bắc kinh đã cách chức và câu lưu nhiều viên chức chính quyền địa phương ở tỉnh Sơn Đông vì cưỡng bách phá thai hoặc triệt sản khoảng 120 ngàn phụ nữ. Trong khi đó, một cuộc nghiên cứu đăng tải trên một tạp chí y học ở Mỹ nói rằng chính sách một con của Trung quốc giờ đây đã lỗi thời và đang tạo ra nhiều vấn đề khó khăn về mặt kinh tế xã hội. Một số chi tiết liên quan tới vấn đề này sẽ do Duy Ái trình bày trong tiết mục Nhìn Về Á Châu sau đây. Xin mời quí vị cùng nghe.

Nhiều cặp vợ chồng trẻ Trung quốc đang vui đùa với con cái tại công viên Chiêu Dương ở Bắc kinh vào một ngày tiết trời ấm áp. Trong số này có vợ chồng bà Lâm Bình, một nữ kỹ sư 32 tuổi, đang ngồi sưởi nắng với đứa con trai 7 tuổi. Bà Lâm cho biết bà ao ước có thêm một đứa con, để con trai của bà được ‘có anh có em’ thay vì phải lẻ loi như bây giờ.


Tôi muốn có thêm một đứa con. Bây giờ tôi chỉ có một đứa con trai nên tôi muốn có thêm một đứa con gái. Tôi cảm thấy như thiếu thốn một cái gì đó. Dĩ nhiên, nhà có hai đứa con thì tốt hơn, vì như thế thì con trai tôi có em để chơi chung. Riêng tôi, tôi có một người chị và một người anh. Chúng tôi chơi đùa chung với nhau khi còn nhỏ và bây giờ lớn lên chúng tôi có người để nương tựa, giúp đỡ lẫn nhau.

Nỗi ao ước của bà Lâm có phần chắc sẽ không thành sự thực, vì theo quy định của chính sách một con - được thực hiện trong hơn 25 năm nay ở Trung quốc - hầu hết các gia đình chỉ được phép có một đứa con mà thôi.

Tuy nhiên, trong một bài tham luận mới được đăng tải trên Tại chí Y học New England ở Mỹ, các chuyên gia y tế cho rằng chính sách một con của Trung quốc nên được nới lỏng vì hiện nay xã hội Trung quốc đã cởi mởi hơn và giàu có hơn nhiều so với những năm cuối thập niên 1970, khi chính sách này bắt đầu được mang ra áp dụng.

Chính phủ ở Bắc kinh đã áp dụng chính sách này sau nhiều thập niên dân số tăng mạnh dưới thời Mao Trạch Đông, dựa theo chủ trương gọi là ‘người đông dễ làm việc’. Các chuyên gia dân số học ở Trung quốc cho rằng chính sách một con đã mang lại kết quả rất tốt đẹp –đó là dân số cả nước hiện nay chỉ ở mức 1 tỉ 300 triệu người, thay vì 1 tỉ 700 triệu người nếu không áp dụng chính sách một con. Theo tường thuật hôm 17 tháng 9 của Tân hoa xã, Trung quốc hiện là một trong những nước có sinh suất thấp nhất thế giới – mỗi cặp vợ chồng bình quân có 1,8 con, thấp hơn nhiều so với tỉ lệ 5,8 của 30 năm trước.

Nhiều chuyên gia y tế, xã hội và kinh tế ở Trung quốc, cũng như ở các nước khác, nói rằng chính sách một con đã mang lại nhiều vấn đề xã hội nghiêm trọng. Những vụ cưỡng bách phá thai hoặc triệt sản xảy ra rất thường xuyên, đặc biệt là ở vùng nông thôn, nơi mà nhiều viên chức đã áp dụng những biện pháp quá khích và tàn nhẫn để đạt được chỉ tiêu kế hoạch hóa gia đình. Tin tức báo chí cho biết: hồi trung tuần tháng 9 vừa qua, giới hữu trách tỉnh Sơn Đông đã bắt giữ và cách chức nhiều viên chức của thành phố Lâm Yi vì những người này đã có những hành vi bất hợp pháp -- như đánh đập, bắt bớ trái phép, và cưỡng bách triệt sản -- trong khi thực hiện công tác kế hoạch hóa gia đình. Theo ước tính của ông Trình Quang Thành, một người mù chuyên tranh đấu cho quyền lợi của dân nghèo và đang bị giam lỏng, chỉ riêng ở huyện Lâm Yi đã có 120 ngàn người là nạn nhân của những vụ cưỡng bách phá thai hoặc triệt sản.

Tương tự như nhiều nước khác ở Á châu, vấn đề nối dõi tông đường và quan niệm trọng nam khinh nữ vẫn còn khá phổ biến ở Trung quốc. Vì vậy, chính sách một con đã mang lại một hậu quả vô cùng tàn khốc là có rất nhiều phụ nữ Trung quốc đã phá thai khi biết được họ sắp sinh con gái. Trong những năm gần đây, giới hữu trách Bắc kinh đã áp dụng lệnh cấm xét nghiệm phái tính của thai nhi để tìm cách ngăn chận tệ nạn này, nhưng theo các nhà quan sát, biện pháp này không mang lại hiệu quả nào.

Theo các số liệu của chính phủ Trung quốc, tỉ lệ bé trai – bé gái hiện nay là 117 – 100, cao hơn nhiều so với tỉ lệ bình quân của thế giới là 100 – 105. Các chuyên gia cho rằng tình trạng mất quân bình phái tính này sẽ mang lại những hậu quả cực kỳ nguy hiểm về mặt xã hội, bởi vì trong những năm tới đây sẽ có vô số thanh niên Trung quốc không tìm được người phối ngẫu.

Giáo sư Therese Hesketh của Học viện Y tế Nhi đồng ở Anh quốc là đồng tác giả của bài tham luận trên tạp chí Y học New England về tác động của chính sách một con của Trung quốc. Trong cuộc phỏng vấn dành cho phóng viên Siska Silitonga của đài VOA, bà Hesketh nói rằng: ngoài vấn đề mất quân bình phái tính, chính sách một con còn có những hậu quả dài hạn về mặt kinh tế.


Việc nuôi dưỡng, chăm sóc cho người già là một vấn đề rất lớn, và thật ra, vấn đề này còn nghiêm trọng hơn vấn đề mất quân bình phái tính. Ở vùng nông thôn, vấn đề này đặc biệt nghiêm trọng. Nhiều cặp vợ chồng có hai người con phải lo chăm sóc phụng dưỡng cho bốn người già, và đây là một gánh nặng tài chánh rất lớn, vì hệ thống an sinh xã hội của Trung quốc cực kỳ yếu kém.

Mặc dù chính sách một con mang lại những vấn đề vô vùng khó khăn như thế, nhưng chính phủ Trung quốc không hề có ý định thay đổi chính sách này. Trong cuộc hội thảo mới đây ở tỉnh Sơn Đông, người đứng đầu Ủy ban Quốc gia về Dân số và Kế hoạch hóa gia đình Trung quốc, ông Trương Duy Khánh, nói rằng: sinh suất hiện nay ở Trung quốc tuy thấp nhưng không ổn định, và cần phải tiếp tục áp dụng chính sách một con để đạt chi tiêu là giữ cho dân số ở dưới mức 1 tỉ 400 triệu vào năm 2010. Các nhà lãnh đạo ở Bắc kinh cho rằng ổn định xã hội và tăng trưởng kinh tế sẽ bị phương hại nếu không đạt được chỉ tiêu đó.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng sự tăng trưởng nhanh chóng của kinh tế Trung quốc đã khiến cho chính sách một con trở thành không cần thiết. Giáo sư Therese Hesketh nói rằng khi điều kiện kinh tế ở Trung quốc được cải thiện thì phần lớn dân chúng sẽ tự động sinh con ít đi, tương tự như xu thế ở các quốc gia khác ở Á châu trong mấy mươi năm qua.


Theo tôi, cho dù chính sách này được hủy bỏ ngay từ ngày mai thì tình trạng bùng nổ dân số cũng không xảy ra vì dân chúng sẽ không điên khùng đến độ muốn có 5, 6 đứa con. Nếu chính phủ tuyên bố rằng họ sẽ thôi không trừng phạt những gia đình có hai đứa con, thì điều này không hẳn là sẽ có hàng trăm ngàn, hoặc hàng triệu người muốn có 3 đứa con. Giờ đây ở Trung quốc hầu hết dân chúng ai cũng biết rằng nếu muốn giàu có, muốn cho con cái có được một đời sống tốt đẹp hơn thì không nên có đông con. Ngay cả ở những vùng thôn quê cũng vậy, dân chúng không mấy ai có đủ khả năng nuôi dưỡng hơn hai đứa con.

Tuy có những sự chỉ trích và những khuyến nghị như thế ở trong lẫn ngoài nước, giới hữu trách Bắc kinh vẫn tiếp tục theo đuổi chính sách một con trong lúc thực hiện một số biện pháp để tìm cách giải quyết tình trạng mất quân bình phái tính. Theo tin của Tân hoa xã, năm ngoái giới hữu trách đã phân phát khoảng 200 triệu nhân dân tệ tiền thưởng cho hơn 310,000 hộ nông dân có một con hoặc có hai con gái. Họ cũng phát động một phong trào gọi là ‘chăm sóc bé gái’ để cổ xúy cho sự bình đẳng phái tính và ngăn chận nạn phân biệt đối xử đối với con gái.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG