Đường dẫn truy cập

Trở ngại chính trong việc gia nhập WTO của Việt Nam là sự minh bạch về luật lệ. - 2004-10-25


Một hiệp định đã có từ 40 năm nay cho phép các quốc gia tây phương hạn chế hàng dệt may nhập khẩu, nhất là từ các nước đang phát triển, sẽ hết hạn vào cuối năm nay. Việc chấm dứt quota đang được một số khu vực ca ngợi như một bước tiến quan trọng cho các lực lượng thị trường tự do. Nhưng các nước nhỏ hơn lo ngại sẽ bị hai đại cường sản xuất trong ngành này là Trung Quốc và Ấn Độ đè bẹp.

Phái viên Scott Bobb của đài Tiếng Nói Hoa Kỳ đang đi công tác tại Việt Nam đã đến thăm một xưởng dệt may ở ngoại ô thành phố Hồ Chí Minh. Nơi đây, hàng trăm công nhân đang làm công tác cắt may để sản xuất áo sơ mi thể thao để bán sang châu Âu và Hoa Kỳ.

Tổng giám đốc công ty là ông Y. Y. Chen cho biết công ty thuộc quyền sở hữu của Đài Loan có nhiều phân xưởng tại Trung Quốc và Indonesia, và đã đầu tư tại Việt Nam vì lực lượng lao động.

Ông Chen cho biết tiềm năng của Việt Nam nằm trong lương hướng thấp hơn nhiều so với Trung Quốc hay Indonesia. Hiệu năng của công nhân Việt Nam lại cao hơn.

Vốn là một nền kinh tế khép kín do mấy chục năm chiến tranh và các chính sách trung ương tập quyền của giới lãnh đạo cộng sản, Việt Nam đã bắt đầu mở cửa vào thập niên 1990 và một trong những ngành được hưởng nhiều thuận lợi nhất là công nghệ dệt may.

Cách đây 10 năm, công nghiệp này chỉ thu được có 50 triệu đôla, nhưng hiện nay đã đem về 4 tỷ đôla mỗi năm nhờ hàng xuất ra nuớc ngoài và sử dụng 2 triệu nhân công.

Các giới chức trong ngành cho biết Việt Nam có thể xuất khẩu nhiều hàng dệt may hơn, nhưng bị hạn chế bởi các quota đã được ấn định 40 năm trước để bảo vệ các nhà sản xuất của các nước khác. Các quota này sẽ hết hạn vào cuối năm nay, nhưng lại không áp dụng cho Việt Nam vì nước này còn đang thương lượng việc gia nhập tổ chức thương mại thế giới, là tổ chức kiểm soát các quota hàng dệt may.

Người ta lo ngại rằng một khi các nước lớn hơn như Trung Quốc, đã là thành viên của WTO, không còn bị ràng buộc bởi các quota nữa, thì Việt Nam sẽ bị đẩy ra khỏi thị trường. Đã có hàng chục xưởng may phải đóng cửa.

Tổng giám đốc công ty giầy Nike tại Việt Nam, bà Amanda Tucker thừa nhận rằng việc chấm dứt quota có thể giúp cho các đại cường sản xuất như Trung Quốc và Ấn Độ giành mất phần của những nước nhỏ như Việt Nam.

Theo bà Tucker, tuy Trung Quốc có một lực lượng lao động đông đảo và có tay nghề cao, nhưng Việt Nam cũng có những đặc điểm tương tự, và thực sự đang ở trong vị thế phát triển.

Việt Nam muốn gia nhập WTO vào năm tới, nhưng một chuyên gia về WTO tại trường đại học ngoại thương Hà Nội là ông Nguyễn Quang Hiệp cho biết các cuộc đàm phán đang vấp phải những trở ngại lớn.

Ông Hiệp cho biết trở ngại chính đối với Việt Nam trong việc gia nhập WTO là sự minh bạch về luật lệ.

Giáo sư Hiệp nêu ra rằng Việt Nam có các luật lệ riêng cho các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài, và thường dành ưu tiên cho các nhà đầu tư Việt Nam. Đó là một điểm vi phạm các quy định của WTO.

Các nhà ngoại giao nước ngoài cho biết WTO muốn Việt Nam mở khu vực dịch vụ cho các nhà đầu tư nước ngoài, nhất là ngân hàng, bảo hiểm và chuyên chở.

Các chuyên gia mậu dịch cho rằng chính phủ Việt Nam nhận thức rõ các vấn đề đang phải đối phó và đang dần dà thực hiện các thay đổi cần thiết để cạnh tranh.

Theo các chuyên gia phân tích thì có lực lượng chống đối việc gia nhập WTO từ phía các thành phần bảo thủ trong chính phủ và các phần tử theo chủ trương bảo hộ mậu dịch trong các cơ sở quốc doanh. Và vì chính phủ thường phải lấy ý kiến biểu quyết nên có thể phải mất nhiều thời gian mới thực hiện được cải cách.

Nhưng các chuyên gia nhận định rằng một khi giới lãnh đạo Việt Nam nhất trí về một đường hướng hành động mới, thì việc thực thi có thể nhanh chóng. Và một thế hệ mới các nhà kinh doanh đang nóng lòng chờ đợi tín hiệu để mở các nhà máy và bắt đầu xuất khẩu.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG