Trong vài năm vừa qua, nền kinh tế của vương quốc Kampuchia đã có những tiến bộ khả quan, với tỉ lệ tăng trưởng lên tới 6 hoặc 7% nhờ vào những khoản viện trợ to lớn của cộng đồng quốc tế, cộng với nguồn thu nhập từ công nghệ du lịch đang phát triển mạnh và sự gia tăng của các mặt hàng dệt may xuất khẩu sang thị trường Hoa kỳ dựa trên các biện pháp ưu đãi mậu dịch.
Năm ngoái, tổng sản lượng nội địa của Kampuchia đã gia tăng với một tỉ lệ rất đáng phấn khởi là 5,2%. Tuy nhiên, theo nhận xét của các chuyên gia thuộc Quĩ Tiền tệ Quốc tế, nền kinh tế của quốc gia từng bị chủ thuyết Cộng sản nông nghiệp hoang tưởng của Khmer Đỏ tàn phá một cách khủng khiếp này hiện đang lâm vào một tình trạng khá u ám, với mức tăng trưởng dự báo cho năm 2004 là 4,3% và sẽ bị tụt mạnh xuống còn 1,9% trong năm 2005.
Ông Robert Hagemann, đại diện của Quĩ Tiền tệ Quốc tế tại Kampuchia, nói rằng môi trường kinh doanh và đầu tư của Kampuchia hiện nay rất tệ hại vì nạn tham ô, cộng với những phí tổn cao về năng lượng, giao thông và các thủ tục hải quan rườm rà và tốn kém.
Các chuyên gia của Ngân hàng Thế giới cũng tán đồng nhận xét vừa kể của ông Hagemann. Một phúc trình mới đây của Ngân hàng Thế giới nói rằng những khoản chi phí nằm ngoài sổ sách chiếm một phần khá lớn trong chi phí kinh doanh ở Kampuchia, và nạn tham nhũng là một trở ngại quan trọng cho công cuộc phát triển kinh tế của vương quốc này.
Kết quả của một cuộc nghiên cứu về môi trường đầu tư của Kampuchia do Ngân hàng Thế giới thực hiện và được công bố hôm 12 tháng 8 ước tính rằng các khoản chi tiêu được gọi là ỏkhông chính thứcõ chiếm đến 5,2% doanh thu của các công ty làm ăn ở Kampuchia. Mặt khác, tệ nạn tham ô cũng đã khiến cho những khoản viện trợ to lớn của cộng đồng quốc tế không phát huy được tác dụng nâng cao mức sống dân chúng ở Kampuchia, là quốc gia nằm trong số những nước nghèo nhất thế giới hiện nay.
Được biết, mỗi năm Kampuchia nhận được khoảng 640 triệu đô la tiền viện trợ từ các quốc gia giàu có và những tổ chức tài chánh quốc tế như Ngân hàng Thế giới và Ngân hàng phát triển Á châu. Và với dân số ước chừng 14 triệu người, Kampuchia là một trong những nước có số lượng ngoại viện tính theo đầu người cao nhất thế giới. Tuy nhiên, nạn tham ô đã khiến cho các khoản viện trợ phát triển bị phí phạm rất nhiều. Và theo các nhà phân tích, Ngân hàng Thế giới và các ngân hàng phát triển khác đã không nỗ lực đủ để ngăn chận tệ nạn này.
Trong một cuộc điều trần về đề tài: "Nạn Tham ô và Các Ngân hàng Phát triển Đa phương" diễn ra tại Thượng viện Hoa kỳ hồi tháng năm vừa qua, thượng nghị sĩ Richard Lugar, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại, nói rằng đã có hơn 100 tỉ đô la trong các ngân khoản viện trợ phát triển của Ngân hàng Thế giới đã bị phí phạm vì nạn tham ô và nếu tính chung với tất cả các ngân hàng phát triển đa phương khác thì con số này có thể đã vượt quá mức 200 tỉ đô la.
Trong lúc các chuyên gia quốc tế tỏ ra bi quan về triển vọng phát triển của Kampuchia, Bộ trưởng Thương mại Cham Prasat của chính phủ ở Phnom Penh cho rằng tình hình có lẽ sẽ khả quan hơn sau khi Kampuchia gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới trong năm nay.
Tuy nhiên, các nhà quan sát nói rằng việc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới không nên được xem là một liều thuốc vạn năng. Lý do là vì tuy điều này sẽ giúp cho Kampuchia được dễ dàng hơn trong việc tiếp cận thị trường toàn cầu nhưng nó cũng có nghĩa là Kampuchia phải cạnh tranh ráo riết hơn với các nước khác trong lúc những biện pháp ưu đãi mậu dịch mà Hoa kỳ dành cho hàng dệt may của Kampuchia sắp sửa kết thúc. Theo các nhà kinh doanh hàng dệt may quốc tế, đối thủ cạnh tranh đáng sợ nhất hiện nay của Kampuchia là Trung quốc, nơi mà các loại quần áo may sẵn rẻ hơn từ 15 cho tới 30%.
Một phần vì lý do vừa kể, các chuyên gia của Ngân hàng Thế giới đã chính thức đề nghị Kampuchia đa dạng hóa các hoạt động kinh tế và chú trọng nhiều hơn đến khu vực nông nghiệp. Ông Robert Hagemann, đại diện Ngân hàng Thế giới ở Kampuchia, nói rằng: lợi thế tương đối của Kampuchia là ở nông nghiệp và đã đến lúc cần nghĩ tới những hoạt động có thể giúp cho kinh tế Kampuchia đa dạng hóa.
Trong một bài diễn văn hồi gần đây ở ngoại ô Phnom Penh, thủ tướng Hun Sen cũng cho biết là ông rất quan tâm đến vấn đề nông thôn và ông sẵn sàng lắng nghe ý kiến của nông dân.
Bên cạnh những vấn đề khó khăn về mặt kinh tế, vương quốc Kampuchia còn phải đối đầu với những vấn đề chính trị khá phức tạp mà một số nhà phân tích cho rằng có khả năng đưa tới một cuộc khủng hoảng hiến chính.
Hôm 15 tháng 7 vừa qua, sau gần một năm diễn ra cuộc bầu cử quốc hội với kết quả là không đảng nào chiếm đủ phiếu để tự thành lập chính phủ, đảng Nhân dân Kampuchia của thủ tướng Hun Sen và đảng Funcinpec của Hoàng thân Norodom Ranariddh đã chính thức thành lập một chính phủ liên hiệp. Quốc hội Kampuchia đã nhóm họp lần đầu tiên kể từ ngày bầu cử và thông qua một điều khoản tu chính hiến pháp để cho phép ông Hun Sen nhậm chức thủ tướng đồng thời với lễ tuyên thệ nhậm chức của Chủ tịch quốc hội Norodom Ranariddh.
Theo qui định của hiến pháp năm 1993 thì lẽ ra Hoàng thân Norodom Ranariddh sẽ nhậm chức Chủ tịch quốc hội trước rồi sau đó ông mới bổ nhiệm người giữ chức thủ tướng. Nhưng dường như ông Hun Sen đã không mấy tin tưởng ở ông Ranaridth cho nên ông đã nhất mực đòi sửa đổi hiến pháp. Và rồi quốc hội đã thông qua tu chính án đó, nhưng Quốc vương Norodom Sihanouk, người đã rời khỏi Kampuchia hồi trung tuần tháng giêng để đi dưỡng bệnh ở Bắc Triều tiên, lại từ chối không chịu ký sắc lệnh để tu chính án đó có hiệu lực. Thay vào đó, ông Sihanouk nói rằng ông muốn để cho ông Chea Sim, Chủ tịch đảng Nhân dân Kampuchia và là người giữ chức quyền quốc trưởng, được dựa theo lương tâm mà quyết định có ký hay không ký sắc lệnh này.
Rốt cuộc thì sắc lệnh vừa kể đã được ban hành nhưng không phải do ông Chia Sim ký mà là do một người làm phó cho ông ký trong lúc ông lên máy bay đi Thái lan với những người có mang vũ khí đi kèm.
Quốc vương Norodom Sihanouk đã công khai bày tỏ sự bất mãn với những diễn tiến chính trị trong nước và tuyên bố ý định thoái vị. Trong một tuyên bố đưa ra từ Bắc kinh hồi đầu tháng này, quốc vương Sihanouk nói rằng ông sẽ không về nước cho đến khi nào chính phủ Kampuchia xác minh rằng việc ông tự ý thoái ngôi là không bất hợp pháp. Trong khi đó, thủ tướng Hun Sen cho rằng theo hiến pháp Kampuchia thì nhà vua không được thoái vị, và nói thêm rằng hỗn loạn sẽ diễn ra nếu vị quốc trưởng năm nay 81 tuổi này làm như thế.
Các nhà quan sát cho rằng tuy trước đây quốc vương Sihanouk cũng từng loan báo ý định thoái vị rồi lại đổi ý, nhưng lần này rất có thể là ông sẽ thoái vị như đã từng làm hồi năm 1955. Và như thế, một vụ khủng hoảng hiến chính sẽ xảy ra. Lý do là vì theo hiến pháp hiện hành, một hội đồng gồm 9 thành viên sẽ phải chọn một tân quốc vương trong vòng 1 tuần lễ sau khi đương kim quốc vương thoái vị hoặc băng hà, mà hội đồng này cho đến nay vẫn chưa được thành lập.