Đường dẫn truy cập

Kampuchia cho phép cơ quan tị nạn LHQ thực hiện chuyến đi thứ nhì tới Ratanakiri để tìm kiếm thêm người Thượng. - 2004-08-09


Thông Tấn Xã AFP trích lời một viên chức Kampuchia hôm thứ Hai nói rằng Kampuchia cho phép cơ quan tị nạn của Liên Hiệp Quốc được thực hiện chuyến đi thứ nhì tới vùng đông bắc hẻo lánh của nước này để tìm kiếm thêm những người Thượng bỏ chạy khỏi sự đàn áp của Việt Nam sang đây.

Tuần trước, một tổ chức nhân quyền tiếng tăm cho hay ngay sau khi Liên Hiệp Quốc dùng phi cơ đưa 198 người Thượng đi tìm nơi nương thân về thủ đô Kampuchia, người ta phát giác ra thêm 48 người Thượng khác đang ẩn náu trong những cánh rừng đầy bệnh sốt rét trong tỉnh Ratanakiri.

Theo Tổng Thư Ký Long Visalo của Bộ Ngoại giao Kampuchia, Phủ Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc tỏ ý muốn đi tới Ratanakiri để tìm một số người Thượng, và chính phủ Kampuchia đã chấp thuận yêu cầu này.

Theo ông, nhân viên Bộ Ngoại giao Kampuchia sẽ tháp tùng nhân viên của cơ quan tị nạn theo lời yêu cầu của cơ quan này. Phủ Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc chưa bình luận gì về tin vừa nói.

Kampuchia đã chỉ cho Cơ Quan Tị Nạn Liên Hiệp Quốc và các tổ chức tranh đấu cho nhân quyền tới vùng vừa kể sau khi bị áp lực nặng nề của quốc tế diễn ra sau vụ nhà chức trách Việt Nam đàn áp dữ dội những cuộc biểu tình phản kháng của những người Thượng theo đạo Tin Lành về quyền tự do tín ngưỡng và chuyện tịch thâu đất đai của tổ tiên họ.

Tháng trước, nhân viên của Phủ Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc đã đưa được 198 người Thượng đi tìm nơi nương thân tới thủ đô Kampuchia . Trước khi xảy ra vụ đàn áp hồi tháng Tư, 91 người Thượng khác đã tìm được cách để tự lần mò tới các văn phòng của Phủ Cao Ủy Tị Nạn.

Nhật báo The Cambodia Daily hôm cuối tuần loan tin rằng thêm 5 người Thượng khác đi tìm nơi tá túc đã tới thủ đô Kampuchia để xin Phủ Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc bảo vệ hôm thứ Sáu vừa rồi.

Việt Nam khăng khăng cho rằng những người Thượng đã bỏ nước ra đi bất hợp pháp, đồng thời đổ lỗi cho Phủ Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc là đã tìm cách xúi giục người Thượng ra đi.

Tổ chức nhân quyền Human Rights Watch, trụ sở đặt tại New York, nói rằng ít nhất 10 người thiệt mạng trong các vụ biểu tình phản kháng trên vùng tây nguyên ở Việt Nam, nhưng chính quyền Việt Nam cho rằng chỉ có 2 người tử thương.

Hơn 1000 người Thượng đã bỏ chạy từ Việt Nam sang Kampuchia sau một vụ đàn áp tương tự hồi tháng Hai năm 2001 và sau đó đã được đi định cư tại Hoa Kỳ.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG