Đường dẫn truy cập

Bầu Cử tại Nam Triều Tiên - Đảng của Tổng Thống Nô Mu Huyn thắng lớn. - 2004-04-19


Lời dẫn: Hôm thứ Năm, giới cử tri Nam Triều Tiên đã dồn phiếu cho Đảng Uri của Tổng Thống Nam Triều Tiên Nô Mu Huyn, giúp đảng này chiếm được 152 ghế trong tổng cộng 299 ghế trong Quốc Hội Nam Triều Tiên. Kết quả bầu cử được xem như một đòn giáng xuống các đảng bảo thủ đã mang Tổng Thống Nô Mu Huyn ra luận tội . Một số chi tiết quanh cuộc bầu cử Quốc Hội tại Nam Triều Tiên, và ý nghĩa của thắng lợi của đảng Uri sẽ được phân tích trong Tiết mục Nhìn về Á Châu do Hoài Hương phụ trách sau đây.

Từ vỏn vẹn có 49 ghế đã nắm giữ trước đây, Đảng Uri đã đoạt được cả thảy 152 ghế để chiếm đa số tuyệt đối tại Quốc Hội khóa 17 của Nam Triều Tiên, trong cuộc bầu cử hôm thứ Sáu. Kết quả này phản ánh tiếng nói của những người bất mãn về quyết định luận tội Tổng Thống Roh Moo-Muyn, trong đó có thành phần cử tri trẻ tuổi, cấp tiến chống đối phe bảo thủ đối lập, là thành phần nắm đa số trong Quốc Hội khóa trước đã biểu quyết đòi luận tội Tổng Thống Roh vào ngày 12 tháng Ba, khiến ông phải tạm thời từ bỏ chức vụ. Đây là lần đầu tiên một Tổng Thống Nam Triều Tiên bị mang ra luận tội kể từ khi Nam Triều Tiên được thành lập hồi năm 1948.

Đảng Uri được thành lập hồi năm ngoái và là một chính đảng gồm những người trung thành với ông Roh Moo-Muyn. Cuộc bầu cử Quốc Hội diễn ra một tháng sau biểu quyết luận tội, đã được giới phân tích coi như một cuộc trưng cầu dân ý về vấn đề này.

Kết quả bầu cử cũng phản ánh nỗi phẫn nộ trong công chúng đối với phe đối lập, đặc biệt đối với Đảng Quốc Đại và Đảng Dân Chủ Thiên Niên Kỷ, hai chính đảng đã bắt tay với nhau trong chiến dịch đòi luận tội ông Roh.

Một ngày sau thắng lợi vẻ vang của Đảng Uri, 1 đám đông khoảng 2 ngàn người đã tham gia tuần hành tại thủ đô Hán Thành, kêu gọi các đảng đối lập hãy đình chỉ nỗ lực bãi nhiệm ông Roh. Đoàn biểu tình cho rằng sự đắc thắng của Đảng Uri là biểu quyết của công chúng Nam Triều Tiên chống lại quyết định đòi luận tội Tổng Thống Roh.

Trong một bản tuyên bố, ban tổ chức cuộc tuần hành nói:

“Qua lá phiếu của mình, giới cử tri Nam Triều Tiên đã vô hiệu hóa biểu quyết đòi luận tội Tổng Thống, và phe đối lập nên chấp nhận nguyện vọng của nhân dân mà rút lại biểu quyết luận tội ông Roh.”

Chủ tịch đảng Uri, ông Chung Dong-Young cũng nói rằng giới cử tri đã đánh đi một thông điệp rõ ràng đến phe đối lập:

Ông Chung tuyên bố giới cử tri sẽ không dung thứ các viên chức tham nhũng và không chấp nhận quyết định đòi luận tội Tổng Thống Roh.

Đảng Uri đã đề nghị giải quyết vấn đề qua một giải pháp chính trị tương nhượng, thế nhưng theo tờ The Korea Times, thì mặc dù đã thất bại nặng nề trong cuộc bầu cử vừa rồi, thủ lãnh Đảng Quốc Đại, bà Park Geun-hye, bác bỏ đề nghị này, và vì vậy số phận của Tổng Thống ông Roh Moo-Muyn vẫn nằm trong tay của Tòa án Hiến Pháp Nam Triều Tiên.

Các luật sư của ông Roh Moo-Muyn cho hay họ sẽ tiến hành với viêc soạn hồ sơ biện hộ bất kể đến kết quả bầu cử. Trưởng đoàn luật sư biện hộ, ông Moon Jae-in, nói:

“Xét kết quả các cuộc bầu cử Quốc Hội phản ánh nỗi bất bình của cử tri về quyết định luận tội Tổng Thống Roh Moo-Muyn, Tòa Án Hiến Pháp ít ra phải tôn trọng kết quả bầu cử, nếu không phản ánh trung thực kết quả đó.”

Trước áp lực của đảng Uri và phán quyết của cử tri, Tòa Aùn Hiến Pháp Nam Triều Tiên tuyên bố rằng kết quả cuộc bầu cử Quốc Hội vừa rồi sẽ không ảnh hưởng tới tiến trình luận tội Tổng Thống. Chánh Thẩm Tòa án Hiến Pháp, ông Yun Young-chul, khẳng định các phiên tòa luận tội ông Roh sẽ tiến hành một cách nhanh chóng và chính xác như đã định trước.

Theo dự kiến, tòa án hiến pháp sẽ đưa ra phán quyết về vụ này vào cuối tháng Năm sắp tới. Nếu Tổng Thống Roh được phục hồi chức vụ, như nhiều nhà phân tích tiên đoán, đây sẽ là lần đầu tiên Đảng của Tổng Thống nắm quyền kiểm soát Quốc Hội Nam Triều Tiên, kể từ khi các cuộc bầu cử dân chủ đầu tiên được tổ chức tại đây hồi năm 1987.

Giới lãnh đạo Quốc Hội tân cử Nam Triều Tiên đã cam kết sẽ bài trừ tham nhũng, đẩy mạnh kinh tế và dồn nỗ lực vào việc cải thiện quan hệ với Bắc Triều Tiên. Nhưng một vấn đề tức thời mà Quốc Hội khóa 17 sẽ phải giải quyết, là kế hoạch của chính phủ Nam Triều Tiên điều động 3,600 binh sĩ sang Iraq, khiến Nam Triều Tiên trở thành nước đối tác thứ 3 trong lực lượng liên minh ở Iraq, sau Hoa Kỳ và Anh Quốc.

Hôm thứ Sáu, Đảng Dân Chủ Lao Động, chính đảng đứng hạng Ba trên chính trường Nam Triều Tiên, nhờ chiếm được 10 ghế trong kỳ bầu cử vừa rồi, cam kết sẽ đưa ra một dự luật nhằm vận động hủy bỏ lệnh triển khai quân sang Iraq.

Nhưng một phát ngôn viên của đảng Uri, bà Park Young-sun, tuyên bố là đảng của bà vẫn cam kết giữ lời hứa đưa quân sang Iraq, song theo nguyên văn lời bà Park, “vấn đề đưa quân sang Iraq nên được tiếp cận một cách thận trọng, xét tình hình bất ổn hiện nay tại nước này”.

Giới phân tích nhận định, nếu quyết định đưa quân sang Iraq bị lật ngược, Tổng Thống Roh Moo-Muyn sẽ được coi như đã thất hứa, và quan hệ giữa Hán Thành và Washington sẽ bị phương hại.

Về một vấn đề khác, Tổng Thống Roh Moo-Muyn và đảng Uri tin rằng hợp tác kinh tế với Bắc Triều Tiên sẽ khuyến khích nước cộng sản cô lập này mở cửa giao lưu với bên ngoài, và cùng lúc giảm thiểu được những căng thẳng liên quan tới cuộc khủng hoảng hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên.

Quốc Hội trước do phe đối lập kiểm soát đã hủy bỏ một ngân khoản tài trợ cho Bắc Triều Tiên lên đến 17 triệu đôla mỗi năm, dành cho dự án phát triển khu du lịch Núi Kim Cương, biểu tượng chủ yếu của quan hệ hợp tác liên Triều. Trong quý đầu năm nay, mức viện trợ kinh tế mà chính phủ Nam Triều Tiên dành cho miền Bắc đã giảm xuống 45,3%, xuống còn 20 triệu 700,000 đôla.

Nay quyền kiểm soát Quốc Hội đã về tay của đảng Uri, giới phân tích tin rằng khuynh hướng này có thể bị lật ngược.

Nhưng một chuyên gia về Bắc Triều Tiên thuộc Đại Học Myungji tại Hán Thành, ông Ahn Young-sop, tin rằng không phải vì thế mà chính sách đối với Bắc Triều Tiên sẽ thay đổi đáng kể trong tương lai. Chính Tổng Thống Roh Moo-Muyn đã nhiều lần khẳng định, là Nam Triều Tiên sẽ không có đầu tư vào miền Bắc, nếu Bình Nhưỡng không giải quyết cuộc khủng hoảng hạt nhân.

Ông Roh Moo-Muyn, một luật sư chuyên bênh vực quyền của người lao động và thành phần thấp cổ bé miệng đã lên nắm quyền, nhờ được sự ủng hộ trong giới sinh viên và các thành phần cử tri có tinh thần quốc gia cao, ủng hộ việc ông đeo đuổi một chính sách đối ngoại đặt trên một quan hệ ngang hàng hơn với Washington, và mềm mỏng hơn đối với Bắc Triều Tiên. Thế nhưng trong cương vị nguyên thủ quốc gia, ông đã có một thái độ thực tiễn hơn, khi nhận thức được tầm quan trọng của mối quan hệ với Hoa Kỳ, và biết rằng ông không thể nào thay đổi được chế độ Bắc Triều Tiên bằng cách đổ viện trợ vào miền Bắc.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG