Các thông tấn xã AP, AFP và Reuters cho hay gần 30 năm sau khi cuộc chiến tranh Việt Nam chấm dứt, Hoa Kỳ và Việt Nam hôm thứ Tư đã ký kết với nhau một thỏa thuận lịch sử để thực hiện một cuộc nghiên cứu đầu tiên trên khắp nước về bom mìn và đạn dược chưa nổ tại một quốc gia mà cho tới giờ này những bom mìn xưa cũ hàng tuần vẫn gây ra thương vong cho nhiều nạn nhân.
Thỏa thuận giữa tổ chức cựu chiến binh Hoa Kỳ từng tham chiến tại Việt Nam có tên là "The Vietnam Veterans Of America Foundation" và Bộ Quốc phòng Việt Nam là dấu hiệu mới mẻ nhất cho thấy mối quan hệ giữa hai nước đang nồng ấm trở lại kể từ sau ngày cuộc chiến tranh kết thúc.
Trong buổi lễ ký kết diễn ra tại Hànội, ông Bobby Muller, chủ tịch hội cựu chiến binh Hoa Kỳ, và là người đứng ra thương thuyết với phía Việt Nam về dự án này, tuyên bố rằng Việt Nam bất hạnh hơn các nước khác ở chỗ đã lãnh nhiều bom đạn nhất trong lịch sử, và một sự kiện không thể chối cãi được rằng chính Hoa Kỳ đã thả những trái bom này. Theo ông, chính phủ Hoa Kỳ cảm thấy có trách nhiệm lớn lao là phải giúp Việt Nam giải quyết việc dọn sạch những bom mìn và đạn dược chưa nổ này.
Kể từ khi cuộc chiến tranh Việt Nam kết thúc năm 1975, đã có khoảng 38 ngàn người thiệt mạng và chừng 100 ngàn người bị thương vì bom mìn và đạn dược chưa nổ .
Giai đoạn đầu của dự án kéo dài 3 năm, tốn kém khoảng 6 triệu đôla được Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ tài trợ, sẽ khởi sự tháng tới tại các tỉnh Quảng Trị, Quảng Bình và Hà Tĩnh ở trung bộ Việt Nam, là những vùng được gài nhiều mìn và lãnh nhiều bom đạn nhất, nằm sát khu phi quân sự trước kia. Người ta tin là hiện còn khoảng 800 ngàn tấn bom mìn và đạn dược chưa nổ nằm rải rác trên khắp nước.
Sau đó một cơ sở dữ liệu về các nạn nhân sẽ được thiết lập cùng với việc thực hiện hoạ đồ về những địa điểm bom mìn còn sót lại sau thời chiến. Phía Việt Nam sẽ cung cấp nhân viên tìm kiếm trong khi các cựu chiến binh Mỹ giúp công việc huấn luyện, cung cấp vật dụng, phân tích dữ liệu và yểm trợ hành chánh.
Theo Trung Tá Vũ Ngọc Điềm, người điều hành dự án phía Trung Tâm Kỹ Thuật Bom Mìn của Việt Nam, người ta uớc tính là 21% diện tích đất đai của Việt Nam vẫn còn chứa bom mìn và đạn dược chưa nổ, và sự kiện này gây cản trở cho công tác xây cất nhà cửa, công việc làm ăn buôn bán, mở mang hạ tầng cơ sở và những sáng kiến phát triển khác. Giai đoạn nhì của dự án sẽ bao trùm 61 tỉnh còn lại của Việt Nam, và kéo dài trong 2 năm.
Tổ chức cựu chiến binh Hoa Kỳ và Bộ Quốc phòng Việt Nam đã ký hiệp định vừa kể sau 3 năm thương thảo. Sau khi trao đổi những cái bắt tay, quà lưu niệm và nâng ly rượu với những câu chúc tụng, ông Bobby Muller và Tướng Nguyễn Huy Hiệu của Bộ Quốc phòng Việt Nam đã chuyện trò với nhau về cuộc chiến trước kia trong một căn phòng trưng bày đầy súng cối, mìn bẫy và bom đạn đã được tháo ngòi.
Những tấm hình treo trên tường mang hình ảnh những em nhỏ bị què chân cụt tay vì bom mìn và hình ảnh nhân viên đang tháo gỡ mìn. Ông Muller và tướng Hiệu cùng bị thương tại Quảng Trị trong gần như cùng một thời gian của cuộc chiến. Tướng Hiệu vẫn còn mang những mảnh đạn trong ngực, còn ông Muller phải ngồi xe lăn vì một phát đạn vào xương sống đã làm ông không còn sử dụng đôi chân được nữa.
Bản thỏa thuận ký kết hôm thứ Tư là một tiến bộ tiêu biểu khác nữa mà hai nước đã thực hiện trong thời gian gần đây. Mùa Thu năm ngoái, Bộ trưởng Quốc phòng Phạm Văn Trà của Việt Nam thực hiện chuyến đi lịch sử tới Washington, nơi ông gặp Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Donald Rumsfeld. Sau đó ít lâu, một chiến hạm của hải quân Hoa Kỳ lần đầu tiên ghé thăm Thành Phố Hồ Chí Minh kể từ ngày cuộc chiến kết thúc.