Đường dẫn truy cập

Bản phúc trình của UNICEF về Tình Trạng Trẻ Em Trên Thế Giới. - 2003-12-15


Cộng đồng quốc tế đã không thực hiện tốt việc nâng cao cơ hội giáo dục của phái nữ, khiến cho hàng triệu bé gái và thiếu nữ trên thế giới không được đi học; và vì thế, các em không có đủ khả năng để cải thiện cuộc sống của chính mình và có những đóng góp tích cực cho gia đình và xã hội. Đó là nhận định của một bản phúc trình do Quĩ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc công bố hôm thứ 5 vừa qua. Một số chi tiết về bản phúc trình quan trọng này sẽ do Duy Ái và Huyền Trang trình bày trong Câu chuyện Học đường sau đây. Xin mời quí vị cùng nghe.

Bản phúc trình mới nhất của Quĩ Nhi Đồng Liên Hiệp Quốc, tức UNICEF, có nhan đề "Tình Trạng Trẻ Em Trên Thế Giới", đã được chính thức công bố hôm thứ Năm vừa qua tại Hội Nghị Thượng Đỉnh Thế Giới Về Công Nghệ Thông Tin do Liên Hiệp Quốc tổ chức ở Geneve.

Phúc trình này nhận định rằng cộng đồng quốc tế đã không thực hiện tốt việc nâng cao cơ hội giáo dục của phái nữ, khiến cho hàng triệu bé gái và thiếu nữ trên thế giới không được đi học; và vì thế, các em không đủ khả năng để có thể cải thiện cuộc sống của chính mình và có những đóng góp tích cực cho gia đình và xã hội.

Phát biểu nhân dịp phúc trình được công bố, Giám đốc Điều hành UNICEF, bà Carol Bellamy nói rằng: công nghệ thông tin đã mang lại nhiều điều kỳ diệu cho thế giới trong 25 năm qua, nhưng mỗi năm vẫn còn có hơn 120 triệu em bé trong lứa tuổi đi học không được đến trường. Và tất cả những tiến bộ kỹ thuật trên thế giới không thể nào thay thế những gì mà các em đó đang bị mất mát. Điều này cho thấy rằng để có thể bảo đảm là tất cả trẻ em trên thế giới đều có cơ hội nhận được một nền giáo dục cơ bản có phẩm chất, chúng ta chỉ cần nhận lãnh trách nhiệm, chứ không cần đến một cuộc cách mạng.

Theo các chuyên gia UNICEF, nếu không có những hành động cấp bách để nâng cao số bé gái được cắp sách đến trường trong hai năm tới đây, cộng đồng quốc tế sẽ không đạt được những chỉ tiêu toàn cầu về giảm nghèo mà Liên Hiệp Quốc đã đề ra hồi tháng 9 năm 2000 tại Hội Nghị Thượng Đỉnh Thiên Niên Kỷ. Nhưng ngược lại, việc loại bỏ những chướng ngại ngăn không cho các bé gái đến trường sẽ mang lại nhiều lợi ích, chẳng những cho chính các em mà còn cho các em bé trai và cho đất nước của các em.

Các số liệu của UNICEF cho thấy: hiện nay, có khoảng 121 triệu trẻ em trong lứa tuổi đi học không được cắp sách đến trường. Hơn một nửa trong số đó là bé gái, và 83% sinh sống ở các nước trong vùng phía nam sa mạc Sahara, Nam Á, Đông Á và vùng Thái bình dương. UNICEF cũng ghi nhận rằng: tỉ lệ mù chữ ở phái nữ cao hơn rất nhiều so với phái nam, và mỗi năm, con số những bé gái bị mất cơ hội đến trường nhiều hơn bé trai tới 9 triệu em.

Các chuyên gia của UNICEF nói rằng: công tác giáo dục dành cho bé gái là một trong những vấn đề quan trọng nhất mà cộng đồng phát triển hiện nay cần phải giải quyết. Lý do là vì những bé gái không được đi học sẽ dễ bị lâm vào cảnh nghèo túng, đau yếu, và bị lợi dụng. Khi lớn lên, các em này cũng sẽ dễ bị lây nhiễm những chứng bệnh hiểm nghèo, kể cả bệnh Aids, và dễ bị tử vong khi sinh nở.

Theo bản phúc trình của UNICEF, mặc dù các nước trên thế giới đã đạt được tiến bộ trong việc gia tăng số lượng nữ sinh, nhưng tỉ lệ nữ sinh bỏ học nửa chừng vẫn còn cao hơn nam sinh. Các chuyên gia cho rằng: lệ phí nhà trường và tệ nạn phân biệt đối xử, bất lợi cho phái nữ, vẫn còn khá phổ biến ở nhiều nước trên thế giới, và điều này khiến cho nhiều gia đình khi gặp hoàn cảnh khó khăn đã buộc con gái của họ phải bỏ học.

Ngoài ra, phúc trình của UNICEF cũng ghi nhận rằng nhiều nước công nghiệp và tổ chức tài chánh quốc tế đã không thực thi những cam kết của họ về tài trợ cho công tác giáo dục toàn cầu. Mặc dù trong năm 1990, các quốc gia và tổ chức cấp viện đã hứa gia tăng tài trợ giáo dục, nhưng tổng số viện trợ thật sự dành cho các nước đang phát triển đã bị sút giảm trong 10 năm sau đó, và những khoản viện trợ song phương dành cho giáo dục cũng bị giảm thiểu rất nhiều.

Phúc trình của UNICEF nêu ra 7 biện pháp cần phải áp dụng để cải thiện việc giáo dục cho phái nữ; bao gồm việc thực thi chế độ giáo dục cưỡng bách cấp cơ sở cho tất cả trẻ em, hủy bỏ toàn bộ những lệ phí trường học, hội nhập công tác giáo dục vào kế hoạch giảm nghèo quốc gia, và gia tăng viện trợ quốc tế cho ngành giáo dục.

Bà Carol Bellamy, người cầm đầu UNICEF, nói rằng các nước trên thế giới sẽ không thể nào đạt được mục tiêu giảm thiểu đáng kể nạn nghèo túng, tỉ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh, và tỉ lệ lây nhiễm HIV/Aids, nếu không bảo đảm cho tất cả trẻ em, nam cũng như nữ, được có quyền tiếp nhận một nền giáo dục cơ bản, một quyền mà bà gọi là một phần của quyền làm người. Bà Bellamy nói thêm rằng việc giáo dục cho các bé gái trên cơ sở bình đẳng với các bé trai và thỏa mãn những nhu cầu giáo dục của tất cả các em không phải là một khoản đầu tư có tính cách tùy nghi. Lý do là vì trong số những nước giàu hiện nay không có một nước nào đã phát triển mà không dành một tỉ lệ đầu tư đáng kể cho ngành giáo dục.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG